Cần Thơ, Đồng Tháp: Cần phủ vaccine nhanh và đảm bảo đủ thuốc điều trị COVID-19 cho F0

COVID-19 Đồng Tháp
19:00 - 19/11/2021
Cần Thơ, Đồng Tháp: Cần phủ vaccine nhanh và đảm bảo đủ thuốc điều trị COVID-19 cho F0
0:00 / 0:00
0:00
Trong cuộc làm việc ngày 19/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Cần Thơ và Đồng Tháp đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine và chuẩn bị đầy đủ các loại thuốc điều trị cho F0.

Ngày 19/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ nhằm kiểm tra công tác phòng, chống dịch ở hai địa phương này.

Đồng Tháp đề nghị cấp thêm thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp báo cáo, từ ngày 5 đến 18/11, trung bình mỗi tuần cứ 100.000 người, tỉnh ghi nhận 41,72 ca mắc mới, nâng tổng số bệnh nhân đang điều trị tại Đồng Tháp lên 4.152 ca,. Trong đó có 3.988 bệnh nhân (chiếm 96%) không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, chỉ có 80 ca có triệu chứng nặng và rất nặng.

Trước tình hình số ca mắc tăng nhanh, Đồng Tháp đã khẩn trương chuẩn bị nguồn lực y tế, bao gồm trang thiết bị, nhân lực, thuốc men, vật tư y tế, bảo đảm không gây quá tải cho các tầng điều trị.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: VGP

Trong thời gian này, Đồng Tháp đã triển khai sử dụng và đánh giá bên cạnh thuốc kháng đông, kháng viêm cần có chỉ định của bác sỹ, thì thuốc Molnupiravir nếu điều trị sớm có thể giảm thiểu tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng. Vì vậy Đồng Tháp xin cấp thêm thuốc Molnupiravir để điều trị sớm cho các ca mắc mới.

Trong thời gian tới, Đồng Tháp sẽ triển khai điều trị F0 tại nhà với trường hợp đủ điều kiện, tiếp tục thực hiện cách ly F1 tại nhà.

Tỉnh cũng hỗ trợ các DN trên địa bàn thực hiện xét nghiệm sàng lọc định kỳ, xử lý tình huống khi có ca nhiễm mà không gây gián đoạn sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất.

Đồng Tháp đang tập trung triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 và đã tiêm mũi 1 cho 1,1 triệu người trên 18 tuổi (đạt 87%), mũi 2 đạt trên 718.000 người (56%). Từ 13/11, Đồng Tháp tiêm mũi 1 cho 53.370 người từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi. Lãnh đạo tỉnh báo cáo, hiện Đồng Tháp chưa nhận được 634.000 liều vaccine đã được Bộ Y tế phân bổ.

Cần Thơ đẩy mạnh tốc độ bao phủ vaccine

Lãnh đạo Tp. Cần Thơ cho biết, TP ghi nhận 6072 ca mắc mới trong thời gian từ ngày 5 đến 18/11. Trong đó có 2.691 ca F0 đang điều trị, số người không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ là 1.637 ca, số ca có triệu chứng nặng và rất nặng là 333 ca. Cấp độ dịch của TP là cấp độ 4.

Thành phố đã tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 cho 95% người trên 18 tuổi, mũi 2 đạt 38%. Với 500.000 liều vaccine mới được bổ sung thì trong vòng 3 ngày tới, Cần Thơ sẽ tiêm phủ mũi 2 đạt khoảng 80% số người trên 18 tuổi.

“Mặc dù TP. Cần Thơ ghi nhận số lượng F0 rất lớn (hiện khoảng 12.000 người) nhưng số lượng ca chuyển nặng chỉ có 136 ca, tỉ lệ tử vong không tăng, cho thấy hiệu quả thực sự từ việc tiêm vaccine”, ông Lê Quang Mạnh, Bí thư thành uỷ Cần Thơ cho biết.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với lãnh đạo TP. Cần Thơ. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với lãnh đạo TP. Cần Thơ. Ảnh: VGP

Theo báo cáo của lãnh đạo Cần Thơ tại buổi làm việc, trong thời gian này khi số ca mắc mới tăng cao, hệ thống y tế của thành phố bị quá tải, thiếu một số loại thuốc điều trị, trang thiết bị. Cách thức tổ chức lực lượng y tế, trạm y tế lưu động chưa phù hợp với yêu cầu tình hình mới, thiếu nhân lực, trang thiết bị chăm sóc y tế ban đầu. Việc tổ chức điều trị F0, cách ly F1 tại nhà còn một số lúng túng, nhất là phát hiện sớm các trường hợp trở nặng nhanh.

Lãnh đạo TP. Cần Thơ kiến nghị hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nhân viên y tế cơ sở để thực hiện phân loại F0, chỉ định thuốc kháng đông, kháng viêm, bổ sung thuốc kháng virus Molnupiravir (tương đương 10.000 liều), phối hợp chuyển tuyến các bệnh nhân nặng…

Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh thành kiểm soát, không để dịch bệnh lan nhanh

“ĐBSCL là khu vực có nguy cơ dịch bệnh rất cao, vì vậy, phải tổng lực tiêm vaccine nhanh nhất có thể”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói và yêu cầu 2 tỉnh, thành phố: “Lên kế hoạch tiêm vaccine nhanh nhất có thể, không phân biệt nhóm đối tượng, độ tuổi đối với người trên 18 tuổi. Kế hoạch phải cụ thể từng ngày, gọn từng khu vực, trước hết ở những nơi có nguy cơ cao. Bộ Y tế chịu trách nhiệm phân bổ đủ vaccine”.

Về điều trị, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh triển khai điều trị tại cơ sở đối với F0 đã tiêm vaccine để giảm tải cho các tuyến điều trị, chú trọng cấp thuốc điều trị sớm cho F0…

Để bảo đảm không thiếu các loại thuốc điều trị như kháng đông, kháng viêm, Phó Thủ tướng đề nghị tập thể lãnh đạo TP. Cần Thơ cần tập trung bàn, thống nhất và ra quyết định để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, sớm mua sắm trên nguyên tắc công khai, minh bạch, tuyệt đối không để tiêu cực.

ĐBSCL là khu vực có nguy cơ dịch bệnh rất cao, vì vậy, phải tổng lực tiêm vaccine nhanh nhất có thể. Ảnh: VGP

ĐBSCL là khu vực có nguy cơ dịch bệnh rất cao, vì vậy, phải tổng lực tiêm vaccine nhanh nhất có thể. Ảnh: VGP

Trong công tác điều trị F0 tại nhà, Phó Thủ tướng yêu cầu thành phố Cần Thơ thiết lập hệ thống theo dõi y tế, kích hoạt mạng lưới “thầy thuốc đồng hành” để thăm khám F0 qua mạng kết hợp với chăm sóc y tế tại chỗ. Việc thiết lập các trạm y tế lưu động căn cứ trên tình hình dịch bệnh của các xã, phường để bảo đảm giám sát y tế đến từng người dân ngay tại nơi ở.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, khi chuyển sang trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh thì vai trò của lực lượng công an rất quan trọng trong xử lý hành vi vi phạm, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” nhằm quản lý người từ nơi khác đến, bảo đảm chi trả các gói hỗ trợ xã hội đúng đối tượng…

Tin liên quan

Đọc tiếp