Cần Thơ: Tạo động lực để tăng tốc phát triển trong năm 2022

CHÍNH SÁCH Việt nAM
22:25 - 04/01/2022
Cần Thơ: Tạo động lực để tăng tốc phát triển trong năm 2022
0:00 / 0:00
0:00
Với vị trí là giao điểm của hai trục kinh tế - đô thị năng động nhất của vùng ĐBSCL, Cần Thơ đóng vai trò đầu mối giao thông quan trọng và là địa bàn trọng yếu chiến lược về quốc phòng - an ninh của vùng.

Sáng 4/1, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ.

Cụ thể, trong thời gian qua, Cần Thơ đã triển khai nhiều giải pháp tạo môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thông thoáng. Sở, ngành và địa phương cũng chủ động đối thoại với doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Song, cơ sở hạ tầng của thành phố dù được tập trung đầu tư nhưng vẫn còn thiếu tính kết nối, huy động các nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách. Ðể huy động nguồn lực cho thành phố, cần chính sách thu hút đầu tư hiệu quả hơn.

Khắc phục hạn chế để phát triển bền vững

Lý giải về sự cần thiết xây dựng và ban hành Nghị quyết, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: "Cần Thơ là đô thị loại một trực thuộc Trung ương có vị trí trung tâm vùng ĐBSCL mang những đặc trưng cơ bản của một trung tâm đa chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa, xã hội và là cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mekong, đóng vai trò kết nối nước ta với các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng".

Với vị trí là giao điểm của hai trục kinh tế - đô thị năng động nhất của vùng ĐBSCL là trục hành lang TP.HCM - Cần Thơ và trục sông Hậu (An Giang - Cần Thơ - Sóc Trăng), Cần Thơ đóng vai trò đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không và là địa bàn trọng yếu chiến lược về quốc phòng - an ninh của vùng.

Tuy nhiên, theo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17/2/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Bộ Chính trị đã chỉ ra rằng mặc dù Thành phố đã khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế cho phát triển, kinh tế tăng trưởng khá với chất lượng tăng trưởng được nâng lên, từng bước khẳng định vai trò trung tâm của vùng ĐBSCL, nhưng phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa thực sự là trung tâm động lực của vùng.

Trong giai đoạn 2021-2025, Cần Thơ phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt 7,5-8%/năm. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10- 12,5%/năm; tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu dự toán Trung ương giao; tốc độ đổi mới công nghệ máy móc, thiết bị đạt 12-13%/năm. Đến năm 2025, GRDP/người đạt 6.200-2.800 USD.

Về cơ cấu kinh tế: Dịch vụ chiếm 54,17-54,73% GRDP, công nghiệp và xây dựng chiếm 33,71-33,99%, nông nghiệp chiếm 5,61-5,9%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,94-5,95%; tổng sản phẩm công nghệ cao so với tổng giá trị sản phẩm đạt 35-40%.

Trong xây dựng nông thôn mới, phấn đấu 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ dân số được cấp nước sạch đạt 97%; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn đô thị đạt 100%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95%; tỷ lệ hộ nghèo dưới mức 0,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80-85% và tỷ lệ đô thị hóa đạt 76%.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, Bộ Chính trị đã định hướng cho phép “Xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý đặc thù, phù hợp với năng lực của thành phố và có tính tương đồng với các thành phố trực thuộc Trung ương khác trong cả nước” và giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, ban hành.

Việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 59-NQ/TW, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển TP. Cần Thơ nhanh và bền vững, phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đã đề ra.

Tạo thêm những động lực mới để phát triển thành phố Cần Thơ

Tạo thêm những động lực mới để phát triển thành phố Cần Thơ

Vay tiền phát triển thành phố qua phát hành trái phiếu

Theo dự thảo, TP. Cần Thơ được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho Thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách Thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Về tỷ lệ bổ sung có mục tiêu: Hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách Thành phố so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao

Về quản lý đất đai: HĐND TP. Cần Thơ quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa quy định tại khoản này do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Trên cơ sở đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị trên địa bàn Cần Thơ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND Thành phố thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, Cần Thơ thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Sau khi ngân sách Thành phố bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương, các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền, HĐND Thành phố được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách Thành phố và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức.

Đủ cơ sở chính trị và căn cứ thực tiễn

Thẩm tra Dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ là đủ cơ sở chính trị, căn cứ thực tiễn, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 59 về phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng ĐBSCL, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước trong thời gian tới. Việc ban hành chính sách đặc thù phát triển Cần Thơ cũng bảo đảm tính tương đồng với một số địa phương vừa được Quốc hội cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù.

Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới và cả trong nước, Cần Thơ đã thực hiện tốt các chủ trương của Chính phủ, triển khai các giải pháp nhằm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Qua đó, căn cứ vào quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 15 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Cần Thơ là đúng thẩm quyền.

Hồ sơ Dự thảo Nghị quyết cơ bản đã bảo đảm đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự tại một kỳ họp. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những ý kiến cho rằng, Báo cáo đánh giá tác động cần đầy đủ, chi tiết hơn.

Tin liên quan

Đọc tiếp