Cao su Sao Vàng làm ăn ra sao dưới thời Chủ tịch Hoành Sơn

SRC Sao Vàng
07:16 - 17/08/2022
Hơn 7 năm trước, nhà máy của Cao su Sao Vàng nằm trong kế hoạch di dời ra khỏi nội đô Hà Nội vì ô nhiễm môi trường nhưng đến hiện tại vẫn chưa hoàn tất.
Hơn 7 năm trước, nhà máy của Cao su Sao Vàng nằm trong kế hoạch di dời ra khỏi nội đô Hà Nội vì ô nhiễm môi trường nhưng đến hiện tại vẫn chưa hoàn tất.
0:00 / 0:00
0:00
Sau khi Tập đoàn hóa chất Việt Nam thoái bớt vốn, Cao su Sao Vàng xuất hiện cổ đông lớn khác là Tập đoàn Hoành Sơn. Kết quả kinh doanh của thương hiệu 60 năm tuổi cũng đã có sự cải thiện, mặc dù khó có thể nhìn thấy một dấu ấn nào có tính đột phá. 

CTCP Cao su Sao Vàng (mã chứng khoán SRC) vừa công bố báo cáo soát xét bán niên 2022 với doanh thu 484 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2021, do doanh thu thương mại giảm. Doanh thu tài chính cũng giảm mạnh 89% do thu hẹp lãi tiền gửi, chênh lệch tỷ giá. Trong khi đó, chi phí lãi vay tăng kéo chi phí tài chính tăng 7%.

Tuy nhiên, nhờ chi phí bán hàng và chi phí doanh nghiệp đều giảm, cộng thêm 4 tỷ đồng tiền thanh lý tài sản nên công ty vẫn đạt lợi nhuận sau thuế 33 tỷ đồng, tăng 34% so với nửa đầu năm ngoái. Năm nay, Cao su Sao Vàng đặt mục tiêu doanh thu 2.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 80 tỷ đồng (gấp đôi so với kết quả thực hiện năm 2021). Như vậy, công ty đã thực hiện 24% kế hoạch doanh thu và 41% chỉ tiêu lợi nhuận.

"Chim đầu đàn" mỏi cánh

Cao su Sao Vàng là một trong những doanh nghiệp có tuổi đời lâu năm, gắn liền với những giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước. Do tầm quan trọng của công nghiệp cao su trong nền kinh tế nên ngay sau khi miền Bắc giải phóng, ngày 7/10/1956 xưởng đắp vá săm lốp ôtô đã được thành lập và bắt đầu hoạt động vào tháng 11/1956. Đến đầu năm 1960, xưởng sát nhập vào Nhà máy cao su Sao Vàng và chính là tiền thân của Nhà máy Cao su Sao Vàng Hà Nội sau này.

Trong kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế 3 năm (1598-1960), Chính phủ đã phê duyệt phương án xây dựng khu công nghiệp Thượng Đình gồm 3 nhà máy: Cao su – Xà phòng – Thuốc lá Thăng Long. Công trường được khởi công xây dựng ngày 22/12/1958.

Ngày 6/4/1960, nhà máy tiến hành sản xuất thử những sản phẩm săm, lốp xe đạp đầu tiên ra đời mang nhãn hiệu Sao Vàng. Ngày 23/5/1960 nhà máy làm lễ cắt băng khánh thành và đây trở thành ngày truyền thống của nhà máy.

Cao su Sao Vàng từng là thương hiệu chiếm lĩnh thị trường.

Cao su Sao Vàng từng là thương hiệu chiếm lĩnh thị trường.

Năm 1992, theo quyết định của Bộ Công nghiệp nặng, nhà máy đổi tên thành Công ty Sao Vàng. Đến năm 2006 chuyển đổi thành CTCP Cao su Sao Vàng, niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM từ năm 2009 với mã SRC.

Từng là “chim đầu đàn” của ngành công nghiệp chế tạo các sản phẩm cao su của Việt Nam, Cao su Sao Vàng từng nhiều năm duy trì sản xuất kinh doanh hiệu quả, có doanh thu lớn và các khoản nộp Ngân sách Nhà nước năm sau cao hơn năm trước.

Tuy nhiên, đối mặt với sức cầu của thị trường yếu, xu hướng tiêu dùng chuyển sang sử dụng lốp Radial và sản phẩm của công ty chịu sự cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp cùng ngành cũng như hàng nhập khẩu, khiến Cao su Sao Vàng không tránh khỏi những thách thức.

Từ năm 2009, hoạt động kinh doanh của công ty theo chiều hướng ngày càng giảm sút về lợi nhuận. Kết thúc năm 2018, SRC ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ hơn 12 tỷ đồng, giảm đến 64% so với 2017 và là năm thứ 3 liên tiếp lợi nhuận giảm.

Mối lương duyên với Tập đoàn Hoành Sơn

Trước bối cảnh ấy, Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã tiến hành thoái 15% vốn tại SRC vào năm 2019, đồng thời Cao su Sao Vàng xuất hiện những cổ đông mới. Trong đó, Tập đoàn Hoành Sơn hiện là cổ đông lớn thứ hai tại Cao su Sao Vàng với 24,54% vốn điều lệ, chỉ sau Vinachem (36% vốn điều lệ).

Mối lương duyên giữa Cao su Sao Vàng và Hoành Sơn bắt đầu từ năm 2016, khi SRC lựa chọn Tập đoàn Hoành Sơn để cùng thực hiện dự án “Tổ hợp Thương mại và Nhà ở Sao Vàng – Hoành Sơn" tại 231 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân – Hà Nội). Đồng thời, Hoành Sơn hỗ trợ kinh phí để CTCP Cao su Sao Vàng di dời Nhà máy với số tiền 435 tỷ đồng.

Theo đó, một pháp nhân dự án đã được lập ra là Công ty TNHH Sao Vàng – Hoành Sơn với vốn điều lệ tại thời điểm lập là 100 tỷ đồng. Trong đó Hoành Sơn góp 74%, còn SRC góp 26% vốn bằng nguồn vốn vay của Tập đoàn Hoành Sơn.

Tuy nhiên, việc di dời nhà máy ra Hà Nam đã bị SRC dừng lại theo Nghị quyết số 114 được HĐQT ban hành ngày 15/6/2020, đồng nghĩa với việc "Tổ hợp thương mại và nhà ở Cao su Sao Vàng - Hoành Sơn" cũng "đóng băng". Tại thời điểm 30/6/2022, SRC ghi nhận khoản đầu tư có giá trị ghi sổ 130 tỷ đồng vào Công ty TNHH Sao Vàng – Hoành Sơn và đã phải trích lập dự phòng 371 triệu đồng, giảm 534 triệu đồng so với con số đầu năm. SRC cho biết công ty đang xây dựng lộ trình thoái vốn tại công ty này theo Biên bản họp HĐQT từ 19/6/2018.

Sau thương vụ hợp tác trên, bóng dáng Hoành Sơn đã dần hiện diện tại Cao su Sao Vàng. Tại đại hội cổ đông bất thường của SRC được tổ chức ngày 16/12/2019, ông Phạm Hoành Sơn – Chủ tịch Tập đoàn Hoành Sơn đã được bầu vào vị trí thành viên HĐQT Cao su Sao Vàng nhiệm kỳ 2016 – 2021. Sau đó không lâu, ngày 28/12/2019, ông Sơn chính thức thay thế ông Lâm Thái Dương giữ chức Chủ tịch HĐQT SRC và đảm nhận vai trò này đến hiện tại.

Ông Phạm Hoành Sơn.

Ông Phạm Hoành Sơn.

Tập đoàn Hoành Sơn do ông Phạm Hoành Sơn thành lập tại Hà Tĩnh vào năm 2001, hoạt động đa ngành nghề như phân bón, cảng biển, bất động sản...; là chủ đầu tư của hàng loạt dự án ở khu vực miền Trung như Hệ thống cấp nước cho Khu Kinh tế Vũng Áng, Cảng biển quốc tế Hoành Sơn, dự án Điện Mặt trời ở huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh)... Mới đây nhất (cuối tháng 7/2022), tập đoàn này đã đưa vào vận hành Nhà máy Bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh, được giới thiệu là thiết kế, thi công theo tiêu chuẩn EU, công suất tối đa có thể lên đến 500 triệu lít/năm. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 1.250 tỷ đồng.

Vừa ngồi "ghế nóng" Cao su Sao Vàng được 2 tháng, đầu năm 2020, ông Nguyễn Hoành Sơn đã nhanh chóng thành lập công ty về săm lốp có sự kết hợp của cả hai bên là Công ty Cổ phần Sao Vàng - Hoành Sơn, vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Trong đó, CTCP Cao su Sao Vàng góp 50%, Tập đoàn Hoành Sơn 49% và vợ ông Sơn là bà Nguyễn Thị Hằng Nga góp 1%.

Mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh của Cao su Sao Vàng chưa có nhiều đột phá nhưng kết quả kinh doanh đã có sự khởi sắc trong những năm gần đây, sau khi chạm về mức đáy lợi nhuận vào 2018. Nếu hoàn thành kế hoạch 2022, SRC sẽ quay trở lại mức lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2009.

Thông tin từ Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), mức tiêu thụ cao su toàn cầu năm 2022 sẽ tăng 4-5% so với năm 2021 (hơn 13,8 triệu tấn). Ngoài việc nguồn cung thiếu hụt, giá dầu đi lên cũng kéo theo giá cao su tổng hợp tăng, bởi dầu thô là nguyên liệu đầu vào sản xuất cao su tổng hợp. Vì vậy, triển vọng ngành cao su toàn cầu trong nửa cuối năm 2022 vẫn rất sáng, giá bán sẽ tiếp tục giữ ở mức cao.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cao su sẽ vẫn phải đối mặt với chi phí đầu vào tăng cao. Cùng với đó là những thách thức trong dài hạn khi tiêu thụ cao su trên thế giới đang có nhiều thay đổi với các quy định về tính hợp pháp và bền vững đối với nguồn cao su nguyên liệu đầu vào tạo sản phẩm ngày càng chặt chẽ.

Mặc dù ông Phạm Hoành Sơn không giữ cổ phần nào của SRC nhưng Tập đoàn Hoành Sơn lại liên tục gom vào cổ phiếu để tăng thêm quyền chi phối và doanh nghiệp này từng bị phạt nặng vì hành vi “mua bán chui”. Cụ thể, Tập đoàn Hoành Sơn đã thực hiện mua gần 6,9 triệu cổ phiếu SRC từ 30/6/2020 đến ngày 2/7/2020 nhưng không báo cáo về việc dự kiến giao dịch. Sau đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định xử phạt doanh nghiệp này 110 triệu đồng.

Đọc tiếp