Châu Âu muốn cấm vận dầu khí Nga theo từng giai đoạn

NĂNG LƯỢNG CHÂU ÂU
21:33 - 08/03/2022
Các nhà lãnh đạo châu Âu cho biết cần tiến hành cấm vận dầu khí theo từng giai đoạn. Ảnh: AP
Các nhà lãnh đạo châu Âu cho biết cần tiến hành cấm vận dầu khí theo từng giai đoạn. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Việc áp đặt các lệnh cấm vận dầu khí không chỉ khiến Moscow bị ảnh hưởng nặng nề, mà ngay cả các nhà lãnh đạo châu Âu cũng thừa nhận cần tiến hành theo từng giai đoạn do khu vực này phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga.

Hôm 7/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Pháp, Đức và Anh khi chính quyền của ông tiếp tục tìm kiếm sự ủng hộ của họ đối với lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Tuy nhiên, bốn nhà lãnh đạo châu Âu chỉ cam kết "tiếp tục tăng chi phí cho Nga vì chiến dịch quân sự của họ", mà không nêu rõ cách thức.

Các nhà lãnh đạo Đức, Anh và Hà Lan thừa nhận châu Âu "quá phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga" để có thể ngừng nhập khẩu ngay lập tức, như một phần của bất kỳ lệnh trừng phạt nào để đáp trả chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.

Xuất khẩu năng lượng là nguồn thu nhập chính của Nga và cũng là danh mục mà nhiều quốc gia kêu gọi cấm vận nhằm gia tăng áp lực lên Điện Kremlin. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết mặc dù Berlin ủng hộ các biện pháp cứng rắn chống lại Moscow, nguồn cung cấp năng lượng của Nga vẫn là "thiết yếu" cho cuộc sống hàng ngày ở châu Âu.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết năng lượng từ Nga đảm bảo cuộc sống hàng ngày ở châu Âu. Ảnh: Dw.com

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết năng lượng từ Nga đảm bảo cuộc sống hàng ngày ở châu Âu. Ảnh: Dw.com

"Nguồn cung cấp năng lượng cho hệ thống sưởi ấm, di chuyển, cung cấp điện và công nghiệp của châu Âu vào thời điểm hiện tại không thể được đảm bảo bằng cách khác", ông nói trong một tuyên bố.

Nga là hiện nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho Đức, chiếm 38% lượng nhập khẩu, trong đó khí đốt chiếm khoảng 1/5 sản lượng điện của Đức, theo thống kê của chính phủ Đức.

Quy trình cắt giảm cần thực hiện "từng bước"

Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 7/3 cho biết việc cắt giảm sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga là "điều đúng đắn nên làm". Tuy nhiên, điều này phải được thực hiện theo quá trình "từng bước một".

"Chúng tôi phải đảm bảo rằng chúng tôi có nguồn cung cấp thay thế. Một trong những điều chúng tôi đang xem xét là khả năng sử dụng nhiều hydrocacbon hơn nữa", Thủ tướng Johnson nói trong cuộc họp báo sau khi hội đàm với những người đồng cấp Hà Lan và Canada tại London.

Để châu Âu có thể loại bỏ hoàn toàn năng lượng của Nga sẽ phải "mất thời gian". Ảnh: Dw.com

Để châu Âu có thể loại bỏ hoàn toàn năng lượng của Nga sẽ phải "mất thời gian". Ảnh: Dw.com

Tuần trước, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã thông báo ngừng nhập khẩu dầu của Nga. Tuy nhiên, Canada là nhà sản xuất dầu lớn thứ tư thế giới và nhập khẩu từ Nga tương đối không đáng kể.

Vậy nên, ngay cả khi Anh phụ thuộc vào khí đốt của Nga ít hơn nhiều so với các nước khác ở châu Âu, ông Johnson nói rằng điều quan trọng là "mọi người đều theo cùng một hướng". "Các quốc gia khác nhau có những sự phụ thuộc khác nhau và chúng tôi phải lưu ý đến điều đó. Không thể chỉ đơn giản là đóng cửa với dầu và khí đốt trong một sớm một chiều, kể cả từ Nga", ông nhận định.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói trong cuộc họp báo rằng để châu Âu có thể loại bỏ hoàn toàn năng lượng của Nga sẽ "mất thời gian". Đó cũng là một "thực tế đau đớn" rằng người dân châu Âu vẫn "phụ thuộc rất nhiều" vào khí đốt và dầu mỏ của Nga.

EU đang tìm kiếm các giải pháp thay thế Nga

Thủ tướng Đức Scholz cho biết sự phụ thuộc này là lý do tại sao châu Âu đã "cố tình miễn trừ" nguồn cung năng lượng của Nga khỏi các lệnh trừng phạt và cho phép các hoạt động thương mại trong lĩnh vực năng lượng tiếp tục.

Ông Scholz nói thêm rằng Đức và các đối tác ở EU đã làm việc "hết tốc lực" trong nhiều tháng để phát triển các giải pháp thay thế cho năng lượng của Nga. "Tuy nhiên, điều này không thể được thực hiện trong một sớm một chiều", ông nói.

Tuần trước, Đức cho biết nước này sẽ thực hiện các bước để đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng, đồng thời thông báo đơn đặt hàng trị giá 1,5 tỷ Euro (1,6 tỷ USD) về khí đốt tự nhiên hóa lỏng không phải từ Nga.

Tại hội nghị thượng đỉnh dự kiến ​​diễn ra vào ngày 10/3 ở Pháp, các nhà lãnh đạo EU dự kiến ​​sẽ tuyên bố "loại bỏ dần dần" việc nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga. Ủy ban châu Âu (EC) cũng dự kiến ​​sẽ đưa ra một kế hoạch trong tuần này về việc giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Tuy nhiên, đối với Mỹ, cách loại bỏ dần dần của châu Âu có thể quá chậm. Washington đang thúc đẩy lệnh cấm nhập khẩu năng lượng của Nga ngay lập tức. Mặc dù vậy,với tư cách là nhà sản xuất dầu và khí đốt lớn, Mỹ ít phụ thuộc hơn vào nguồn cung của Nga so với châu Âu.

Tin liên quan

Đọc tiếp