Chính phủ phấn đấu GDP tăng trưởng trên 6%, khắc phục khó khăn chưa từng có

CHÍNH PHỦ Việt nAM
16:36 - 05/01/2022
Hội nghị Chính phủ với các địa phương về phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, sáng 05/01.
Hội nghị Chính phủ với các địa phương về phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, sáng 05/01.
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2022, Chính phủ phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6 - 6,5%, GDP bình quân đầu người 3.900 USD, chỉ số CPI bình quân 4% đồng thời triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng chống dịch COVID-19 và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Đây là mục tiêu được Chính phủ đề ra tại Hội nghị với các địa phương đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của năm 2021, triển khai Kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, sáng 05/01.

Dự hội nghị có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các lãnh đạo bộ, ban ngành trung ương, địa phương.

Năm 2021 khó khăn chưa từng có trong tiền lệ

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, 2021 là năm thứ hai liên tiếp thế giới phải chống đỡ, vật lộn với đại dịch COVID-19 làm thay đổi trạng thái, tình hình vốn đã phức tạp, khó lường lại càng trở nên khó đoán định và khó khăn hơn nhiều.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

"Những khó khăn thử thách mà Đảng và nhân dân ta phải đối mặt trong năm 2021 là "chưa có tiền lệ" khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát mạnh mẽ với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế, xã hội, sản xuất, kinh doanh trên phạm vi cả nước, nhất là sức khỏe, tính mạng của nhân dân".

Kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi nhưng không vững chắc, thiếu bền vững, không đồng đều và rất khó dự báo, nhất là làn sóng dịch bùng phát mạnh do biến chủng Delta tại nhiều quốc gia ở khu vực và trên thế giới; gần đây lại xuất hiện biến chủng Omicron đang bùng phát với tốc độ lây lan rất nhanh trên thế giới và đã thâm nhập vào Việt Nam.

Trong nước, Thủ tướng nhìn nhận tình hình có nhiều thuận lợi sau 35 năm đổi mới, nhiều bài học kinh nghiệm được đúc rút. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp được tổ chức thành công.

Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng những khó khăn thử thách phải đối mặt là "chưa có tiền lệ" khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát mạnh mẽ với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế, xã hội, sản xuất, kinh doanh trên phạm vi cả nước, nhất là sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng đã tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với 8 trọng tâm, 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 193 nhiệm vụ cụ thể, vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng.

Những khó khăn “chưa từng có trong tiền lệ” cũng được Phó thủ tướng Phạm Bình Minh làm rõ trong Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Ông Phạm Bình Minh cho biết, trước đợt dịch COVID-19, nước ta đối mặt với những thách thức gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của tình hình kinh tế - xã hội.

“Trong bối cảnh đó, chúng ta đã chuẩn bị tốt nhất để bảo đảm an ninh, an toàn, hiệu quả và tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp, phê chuẩn và kiện toàn các chức danh quan trọng của Nhà nước; tạo quyết tâm, nỗ lực mới trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ”, Phó Thủ Tướng Phạm Bình Minh phân tích.

Cũng theo ông Minh, Chính phủ ngay sau khi được kiện toàn đã quyết liệt hành động, tập trung chỉ đạo rà soát, sửa đổi thể chế, cải cách hành chính nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội; tích cực xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài…

Theo đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 là 2,58%, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,84%. Thu ngân sách nhà nước đạt 1,5 triệu tỉ đồng, tăng 3,7%, chi ngân sách nhà nước đạt 1,4 triệu tỉ đồng, bội chi ngân sách ở mức thấp, ước dưới 4%.

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục cải thiện, năm 2021 thu hút đầu tư nước ngoài tăng trưởng cao. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định là vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, thương mại điện tử, chuyển đổi số…

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh

"Dự báo tình hình năm 2022 còn nhiều thách thức, khó lường, sức chống chịu của doanh nghiệp, người dân giảm sút, cần kiểm soát dịch bệnh một cách căn bản đảm bảo phục hồi, tăng trưởng, kiểm soát rủi ro lạm phát gia tăng".

Để năm 2022 vượt khó thành công

Trình bày những dự thảo Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề xuất các nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu (tương ứng với 180 nhiệm vụ cụ thể).

Trong đó, Chính phủ dự kiến 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 theo Nghị quyết số 32/2021/QH15 của Quốc hội và mục tiêu phấn đấu của Chính phủ, 75 chỉ tiêu cụ thể Chính phủ đặt ra cho các ngành, lĩnh vực bên cạnh 15 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao.

Ông Lê Minh Khái nhấn mạnh, cả nước phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5%, GDP bình quân đầu người 3.900 USD, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP khoảng 25,5 - 25,8%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%, giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) từ 1 - 1,5 điểm %, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế là 92%, có 73% số xã đạt chuẩn nông thôn mới…

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái

"Chính phủ sẽ triển khai nhất quán, nghiêm túc quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, thần tốc hơn nữa chiến dịch tiêm vaccine, nhất là đẩy nhanh việc tiêm vắc xin cho trẻ em, tiêm mũi tăng cường, bảo đảm khoa học, hiệu quả; thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin, thuốc điều trị trong nước; ưu tiên bố trí nguồn lực để tập trung nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở".

Ông Khái cũng cho biết sẽ điều hành chủ động, chặt chẽ, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, tài khóa, chính sách vĩ mô khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thúc đẩy tiêu dùng nội địa, phát triển xuất, nhập khẩu bền vững. Huy động hiệu quả các nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực ngoài nhà nước.

Ngoài ra, các nhóm giải pháp về thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và đổi mới sáng tạo; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam; chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng và đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội cũng được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh tại hội nghị.

Tin liên quan

Đọc tiếp