Chủ tịch Quốc hội: đánh thuế giao dịch chứng khoán, nên hay không?

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
13:26 - 05/01/2022
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
0:00 / 0:00
0:00
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nếu giao dịch chứng khoán thực sự tạo nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế thì không sao; nhưng nếu là đầu cơ thì nó lại không lành mạnh.

Trong phiên thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong Kỳ họp bất thường thứ nhất ngày 4/1, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã bày tỏ những băn khoăn trước đà tăng nóng của chứng khoán, bất động sản thời gian vừa qua.

Theo người đứng đầu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ phủ đã giao cho các cơ quan giải thích vì sao trước đây, chúng ta tăng trưởng tín dụng 13-14% thì thì GDP tăng 6% - 6,5%. Năm nay, tín dụng cũng tăng trên 14% nhưng tăng trưởng GDP chỉ 2,58% thôi. Vậy tín dụng ấy đi đâu?

Ngoài chứng khoán, ông Huệ cho rằng bất động sản cũng vậy. Đấu giá một m2 đất mà lên tới 2,4 tỷ là điều chưa bao giờ có. Chính phủ, Quốc hội cũng đang giao các cơ quan nghiên cứu những thực trạng này. “Nếu nó bình thường không sao nhưng chúng ta phải xem có gì bất thường không”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Sáng nay, Quốc hội họp (bàn về gói kích thích kinh tế - PV) mà thị trường (chứng khoán – PV) tăng hơn 20 điểm, vượt 1.522 điểm. Chiều tôi chưa theo dõi được vì ngồi đây không sử dụng mạng. Thị trường hồ hởi vì có gói kích thích kinh tế nên tăng điểm mạnh. Nó thoát ly khỏi kinh tế thực.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Trước tình trạng sốt đất, nóng chứng khoán, Chủ tịch Quốc hội cho biết các cơ quan của Quốc hội cũng gợi ý một số chính sách thuế. Trên thế giới, nhiều nước chọn cách đánh thuế bằng một tỷ lệ phần trăm nhất định đối với các giao dịch chứng khoán và sử dụng tiền đó để hỗ trợ nền kinh tế. Hiện tại, chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh. Nếu đánh thuế một tỷ lệ phần trăm nhất định trên mỗi giao dịch chứng khoán thì ngân sách sẽ có thêm tiền để phục vụ các mục tiêu khác. Bên cạnh đó, đây cũng là một cách điều tiết thị trường chứ không để nó nóng quá.

Ngoài ra, người đứng đầu Quốc hội bàn luận tới chứng khoán, sốt đất còn là để cho thấy cần phải tính toán rất kỹ với gói kích thích kinh tế. "Trước khi chúng ta tung ra gói mới, làm sao phải củng cố vĩ mô trước. Những gì có dấu hiệu thiếu bền vững thì chúng ta phải tính toán. Gói kích thích vừa phải giải quyết vấn đề trước mắt, vừa phải giải quyết vấn đề lâu dài, nhất là về đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế tuần hoàn, các mô hình kinh tế mới như Fintech hay kinh tế xanh, nông nghiệp sinh thái… Đó là những mảng chúng ta phải tập trung ưu tiên", Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Những bất thường khi chứng khoán "thăng hoa"

Thời gian qua, cụm từ “chứng khoán Việt Nam đã có 1 năm thăng hoa” liên tục được đề cập trên mặt báo. Đó là các kỷ lục về điểm số VN-Index, về số tài khoản chứng khoán mở mới, về số lượng thanh khoản… Trong khi giới chứng khoán hân hoan về thị trường đẩy triển vọng thì không ít người trong giới phân tích đưa ra những nhận định cảnh báo về sự bất thường, rủi ro.

Theo TS Cấn Văn Lực (Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia), thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn tăng nóng. Điều bình thường là do được nâng đỡ bởi dòng vốn rẻ, tăng trưởng kinh tế và sức cầu đầu tư vào thị trường chứng khoán rất lớn. Tuy nhiên vị chuyên gia nhận định có 3 điểm bất thường mà mọi người cần chú ý.

Thứ nhất, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng nóng hơn so với toàn cầu. GDP toàn cầu năm 2020 tăng trưởng âm 3,1% nhưng nhờ dòng vốn rẻ cùng một số nguyên nhân khác, chỉ số chứng khoán thế giới vẫn tăng khoảng 14%. Năm 2021, tăng trưởng kinh tế phục hồi, chỉ số chứng khoán thế giới tăng khoảng 20%.

Trong khi đó tại nước ta, chỉ số VN-Index tăng khoảng 15% trong năm 2020 nhưng năm 2021 tăng tới 35%, dù GDP chỉ tăng 2,58%. Nhìn sang Philippines, tăng trưởng kinh tế nước này ở mức khoảng 5% trong năm 2021 và kỳ vọng năm 2022 sẽ đạt mức tăng trưởng tương đương Việt Nam, nhưng chỉ số chứng khoán chỉ tăng 2%.

Chứng khoán có phần hơi nóng và hơi lệch pha với kinh tế thực. Bên cạnh đó, trên thị trường có hiện tượng tâm lý đám đông, một số doanh nghiệp làm ăn không tốt nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng rất nhanh, phát hành cổ phiếu, trái phiếu rất thành công.TS. Cấn Văn Lực

Điểm bất thường thứ hai là trên thị trường chứng khoán có một số doanh nghiệp làm ăn không tốt nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng rất nhanh; phát hành cổ phiếu, trái phiếu rất thành công.

Ngoài ra, TS Cấn Văn Lực cảnh báo, thị trường chứng khoán tiềm ẩn sự thiếu bền vững khi chỉ số VN-Index tăng trưởng chủ yếu nhờ 6 nhóm ngành: Ngân hàng, bất động sản, thực phẩm & đồ uống, tài nguyên cơ bản, vật liệu xây dựng và dịch vụ tài chính. Riêng 6 nhóm ngành này đã chiếm khoảng 77% vốn hóa toàn thị trường, nếu như 1 trong 6 lĩnh vực này có vấn đề thì thị trường cũng sẽ khó khăn.

Không nên đầu tư kiểu hên xui

Trước tình trạng nhà đầu tư ồ ạt đầu tư vào chứng khoán, mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng vừa phát đi thông tin cảnh báo về việc tham gia các hội, nhóm chat về đầu tư chứng khoán. Cụ thể, cơ quan này cho biết thời gian qua có rất nhiều các hội, nhóm đầu tư chứng khoán được tạo ra trên mạng xã hội làm nơi trao đổi, tham khảo thông tin, hỗ trợ nhà đầu tư trong việc ra quyết định mua, bán trên thị trường chứng khoán. Trong đó nhiều đối tượng lợi dụng các diễn đàn, nhóm mạng xã hội Zalo, Facebook, Telegram… để tung tin đồn, phát tán tài liệu giả mạo, thông tin không đúng sự thật nhằm mục đích lôi kéo, xúi giục nhà đầu tư mua bán chứng khoán.

Thực tế, nếu không học, không có kiến thức thì nhà đầu tư rất khó để kiếm lời trên thị trường chứng khoán. Vì đầu tư theo cảm giác, hên xui, không khác đánh bạc là bao nhiêu. Đầu tư theo sóng, rất dễ dính vào con sóng sai, sóng trễ; còn đầu tư theo tin đồn, rất dễ dính cạm bẫy.

Nhà đầu tư nếu cứ chạy theo sóng thị trường sẽ rất dễ phải lĩnh "trái đắng".

Nhà đầu tư nếu cứ chạy theo sóng thị trường sẽ rất dễ phải lĩnh "trái đắng".

Theo chuyên gia Tài chính cá nhân Lâm Minh Chánh (Giám đốc Học viện Kinh doanh và Tài chính BizUni), giá trị nội tại được tính dựa vào các dòng tiền lợi nhuận tự do (tức là dòng tiền lợi nhuận sau tái đầu tư) trong tương lai của doanh nghiệp. Những dòng tiền này được các chuyên gia, những người định giá dự đoán dựa trên quá khứ, hiện tại và tương lai của doanh nghiệp. Chúng ta mua cổ phiếu là chúng ta mua lợi nhuận kỳ vọng trong tương lai là đúng. Song doanh nghiệp lỗ liên tiếp nhiều quý mà kỳ vọng giá trị nội tại tốt thì rất khó.

Ông Lâm Minh Chánh cho rằng, ai đã từng quản lý doanh nghiệp hay ai nghiên cứu sâu về tài chính doanh nghiệp thì sẽ hiểu rằng, rất khó để tăng giá trị nội tại của doanh nghiệp lên gấp 2 lần, 3 lần trong 1 năm. Tăng giá trị nội tại gấp 6, 8 lần trong thời gian ngắn là việc hầu như không thể. Giá mà tăng 6, 8 lần thì hầu như nó đã overvalue (giá vượt giá trị), trước sau gì nó cũng điều chỉnh về giá trị nội tại. Nhà đầu tư phải chạy nhanh để tránh chứ sao lại đầu tư vào cổ phiếu đó lúc này?

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.
Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.