Chủ hàng như ngồi trên đống lửa vì 36 container hạt điều

XUẤT KHẨU Việt nAM
10:53 - 11/03/2022
Chủ hàng như ngồi trên đống lửa vì 36 container hạt điều
0:00 / 0:00
0:00
Vụ việc 100 container xuất khẩu điều sang Italy có dấu hiệu bị lừa đảo đang gặp khó khăn khi phía doanh nghiệp Việt Nam đã mất quyền kiểm soát đối với 36 container trong số này.

Đây là thông tin được phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam Bạch Khánh Nhựt cho biết trong buổi họp báo tối ngày 9/3. Theo đó, trong số 100 container đã cam kết với người mua tại Italy, đã có 36 container xuất đi và bị thất lạc giấy tờ gốc. Những doanh nghiệp còn lại đã kịp thời dừng giao dịch khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo.

Tổng trị giá của 36 container hàng này vào khoảng 7,025 triệu USD (tương đương 162 tỉ đồng). Hiện đã có 2-3 container nằm tại cảng của Italy, những container còn lại sẽ cập cảng trong tháng 3.

Dù trước đó, Vinacas đã có văn bản hỏa tốc gửi tới Thương vụ và Đại sứ quán Việt Nam tại Italy để liên hệ với các hãng vận chuyển đề nghị giữ hàng tại cảng và không giao dịch. Tuy nhiên, phía đơn vị vận chuyển phản hồi rằng họ sẽ làm theo thông lệ quốc tế bởi nếu không, người có chứng từ gốc hoàn toàn đủ căn cứ thưa kiện hãng tàu. Như vậy, ai có chứng từ gốc thì sẽ được nhận hàng.

Khó khăn ở chỗ, Vinacas đã làm việc với các ngân hàng Việt Nam, các doanh nghiệp và đơn vị vận chuyển nhưng họ đều cho rằng việc tìm lại bản chứng từ gốc là bất khả thi. Thêm vào đó, phía ngân hàng tại Italy cũng có phản hồi không rõ ràng, đẩy vụ việc đi vào ngõ cụt.

Bên cạnh đó, theo Vinacas, chủ công ty môi giới Kim Hạnh Việt, đơn vị môi giới các đơn hàng này hiện đang ở Mỹ. Tuy đã có doanh nghiệp liên lạc với người này, nhưng thông tin trao đổi khá hạn hẹp nên vẫn tồn tại nghi ngờ đơn vị này tiếp tay dẫn đến những khó khăn phát sinh như hiện tại.

Nhận định về sự việc lần này, ông Ông Phạm Văn Hồng, phó chủ tịch Phòng Thương mại Italy - Việt Nam tại Torino cho rằng các doanh nghiệp đã mất cảnh giác khi thực hiện giao dịch qua bên môi giới. Từ đó dẫn tới mù mờ thông tin về đối tác tại Italy, và gặp khó khăn khi xảy ra sự cố.

Đồng thời, ông cũng khuyên các doanh nghiệp nên thận trọng trong việc thanh toán, không nên vì vội bán hàng mà đồng ý thanh toán theo phương thức nhờ thu trả tiền trao chứng từ (Documents against Payment D/P). Mà nên chọn phương thức an toàn hơn, theo đó, bên mua cần phải chuyển trả trước ít nhất 30%, và phần còn lại 70% sẽ thanh toán bằng thư tín dụng (LC).

Như vậy, trong trường hợp đơn hàng xảy ra sự cố sau khi cập cảng bên mua, doanh nghiệp vẫn có 30% giá trị đơn hàng để chi trả cho các chi phí phát sinh khi cho hàng quay về.

Bên cạnh đó, ông Hồng cũng tư vấn các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần nhanh chóng thực hiện ủy quyền cho luật sư chuyên về xuất nhập khẩu bên Italy và có thể Đại sứ quán Ý, hoặc Lãnh sự Ý tại Việt Nam để xác nhận.

Luật sư sau khi nhận ủy quyền sẽ trình báo về vụ lừa đảo này cũng với các bằng chứng tại cơ quan cảnh sát kinh tế Italy. Sau khi khai báo tại cơ quan cảnh sát thì sẽ có thể dừng việc thông quan. Đồng thời, các doanh nghiệp cần liên hệ ngay với các công ty vận tải để yêu cầu thay đổi vận đơn CCA, trước khi container tới cảng.

Hiện thương vụ và Đại sứ quán Việt Nam tại Italy vẫn đang tích cực phối hợp với Vinacas và các doanh nghiệp để giải quyết sớm nhất vụ việc.

Tin liên quan

Đọc tiếp