Việt Nam tăng mạnh nhập khẩu từ Nga đầu năm 2022

Thương Mại Việt - Nga
11:15 - 09/03/2022
0:00 / 0:00
0:00
Hai tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sang Nga đạt 505 triệu USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi đó nhập khẩu từ thị trường này tăng tới 64% với một số mặt hàng như phân bón tăng tới 138%.

Riêng tháng 2/2022, kim ngạch hai chiều đạt 437 triệu USD. Cụ thể, xuất khẩu đạt 180 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu có trị giá lớn bao gồm điện thoại các loại và linh kiện đạt 42 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 27 triệu USD; hàng dệt may đạt 10 triệu USD…

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu trong tháng 2/2022 đạt 257 triệu USD. Các mặt hàng nhập chủ yếu là các nguyên liệu. Cụ thể, sắt thép các loại đạt 112 triệu USD; than các loại đạt 75 triệu USD; phân bón các loại đạt 9,7 triệu USD…

Nhìn chung, trong 2 tháng đầu năm 2022 nhập khẩu từ thị trường Nga hầu như đều tăng. Các mặt hàng tăng trưởng chủ yếu là các loại nguyên liệu. Mặt hàng sắt thép các loại đã tăng 103%; chất dẻo nguyên liệu tăng 182%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 147%; than các loại tăng 57%...

Riêng mặt hàng phân bón các loại tăng 138% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 39,3 triệu USD. Tuy nhiên, động thái cấm xuất khẩu Amoni Nitrat (NH4NO3) từ phía Nga có thể đẩy giá phân đạm trên toàn cầu tiếp tục tăng. Hiện nay, sản lượng Amoni Nitrat xuất khẩu Nga đạt khoảng 15 triệu tấn mỗi năm, chiếm 75% nguồn cung toàn cầu thế giới.

Quyết định này đã ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón của Việt Nam. Nếu tình hình trên kéo dài, ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới ngành nông nghiệp của Việt Nam, đẩy giá thành nông sản lên do chi phí sản xuất tăng.

Ở chiều ngược lại, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Nga ghi nhận đà tăng trưởng giảm. Cụ thể, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện, đạt 132,4 triệu USD, giảm 29%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 60 triệu USD, giảm 16%.

Mức giảm này ghi nhận ngay trong tháng 1/2022. Tuy nhiên, bước sang tháng 2, hai mặt hàng chủ lực này có đà sụt giảm lớn hơn, lần lượt đạt 42 triệu USD (giảm 44%) và 25.1 triệu USD (giảm 34%).

Sự sụt giảm này một phần xuất phát từ ảnh hưởng bởi đại dịch. Mặt khác, một phần cũng do tác động bởi căng thẳng giữa Nga và Ukraine vào cuối tháng 2 khiến xuất khẩu các mặt hàng chủ lực bị ảnh hưởng.

Ngày 7/3, Samsung Electronics của Hàn Quốc đã tạm dừng xuất khẩu sang thị trường Nga do gián đoạn dịch vụ logistics toàn cầu liên quan đến xung đột Nga – Ukraine. Đối với mặt hàng điện thoại, khoảng 60% sản phẩm Samsung bán ra trên thị trường toàn cầu được lắp ráp sản xuất ở các nhà máy tại Việt Nam.

Trước tình hình hiện tại, dự báo xuất khẩu điện thoại từ Việt Nam sang thị trường Nga trong tháng 3/2022 sẽ giảm so với tháng 2/2022, hoặc có khả năng không ghi nhận số liệu nếu tình hình logistics khó khăn còn kéo dài.

Hàng thủy sản xuất khẩu dù tăng trưởng dương nhưng cũng bắt đầu có dấu hiệu bị ảnh hưởng bởi chiến sự. Hai tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Nga đạt 26,9 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021.

Năm 2021, Việt Nam là một trong ba thị trường cung cấp sản phẩm cá thịt trắng lớn nhất cho Nga. Đồng thời, Việt Nam là thị trường độc tôn cung cấp cá tra đông lạnh cho Nga.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) hiện tình hình thanh toán qua ngân hàng của các doanh nghiệp gần như tê liệt. Các doanh nghiệp phải tạm ngưng ký các đơn hàng cá tra xuất khẩu đi Nga. Trong khi đó, xuất khẩu tôm sang Nga cũng gặp tình trạng tương tự.

Đứt gãy chuỗi cung ứng trong xuất nhập khẩu do các hãng tàu biển từ chối vận chuyển container hàng đi Nga cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Xuất khẩu điều Việt Nam sang Nga hai tháng đầu năm 2022 cũng ghi nhận mức giảm 8,9% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 8,1 triệu USD. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), các lô hàng đã xuất bến tại Việt Nam hiện không thể đến trực tiếp cảng Nga mà phải thông qua cảng trung gian tại Đức hoặc Hà Lan. Tại đó, hàng hóa sang Nga sẽ phải đợi để đi tiếp nhưng chưa rõ thời gian cụ thể. Các khách Nga đã dừng đặt đơn hàng mới. Ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam cũng không dám ký hợp đồng mới với Nga bởi quá rủi ro.

Vinacas đã có công văn xin giảm chỉ tiêu xuất khẩu điều năm 2022 từ 3,8 tỉ USD xuống còn 3,2 tỉ USD, thấp hơn 400 triệu USD so với năm 2021. Phía Hiệp hội lo ngại bất ổn chính trị thế giới, trong đó có xung đột Nga - Ukraine sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu điều năm nay.

Điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu đầu năm 2022 sang Nga là mặt hàng cà phê của Việt Nam tăng 53% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 37,1 triệu USD. Trong vài năm trở lại đây, xuất khẩu cà phê sang Nga luôn giữ vững ổn định. Nếu tận dụng tốt cơ hội, nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu thì đây sẽ là thị trường tiềm năng cho ngành cà phê Việt Nam.

Đặc biệt, khi mà thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ đang giảm dần thị phần cà phê Việt do yêu cầu về cà phê nhập khẩu chế biến ngày càng cao. Bên cạnh đó, thị trường tỷ dân Trung Quốc đang dần “khó tính” thì tìm kiếm các thị trường tiềm năng khác ngoài EU và Hoa Kỳ như Nga là lựa chọn cần thiết.

Đặc biệt, sau một năm ngừng xuất khẩu xăng dầu, hai tháng đầu năm 2022 Việt Nam đã xuất khẩu sang Nga 381 tấn, đạt 323.316 USD. Trước sự leo thang của giá dầu trong thời gian qua, doanh nghiệp xuất khẩu xăng dầu sẽ được hưởng lợi từ điều này. Nhưng trước khó khăn về logistics như hiện tại, có lẽ Nga sẽ không còn là lựa chọn của các doanh nghiệp xuất khẩu xăng dầu của Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc tiếp