Nga ngừng xuất khẩu nguyên liệu, giá phân bón tiếp tục tăng mạnh

Nhập khẩu Việt nAM
15:40 - 10/03/2022
Nga ngừng xuất khẩu nguyên liệu, giá phân bón tiếp tục tăng mạnh
0:00 / 0:00
0:00
Nga và Belarus ngừng xuất khẩu phân bón do biện pháp trừng phạt đến từ các quốc gia phương Tây đang khiến nguồn cung phân bón và nguyên liệu thiếu hụt nghiêm trọng, đẩy giá tăng cao trong bối cảnh vụ mùa đông xuân của Việt Nam đang tới giai đoạn cuối.

Ngày 8/3, Nga tuyên bố ngừng xuất khẩu nhiều loại hàng hóa và nguyên liệu thô cho đến cuối năm 2022 nhằm đảm bảo an ninh nội địa. Động thái này được đưa ra sau những biện pháp trừng phạt mà Mỹ và các nước phương Tây áp đặt lên nền kinh tế của nước này. Như việc loại bỏ Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT sẽ khiến các ngân hàng của nước này không thể chuyển tiền ra hoặc nhận tiền từ nước ngoài, hay việc cấm vận và chặt đứt các dịch vụ vận chuyển hàng hóa đến Nga.

Tình hình chiến sự căng thẳng giữa Nga và Ukraine cũng gây ảnh hưởng trực tiếp tới ngành phân bón và xa hơn là ngành lương thực toàn thế giới. Đây là tình trạng đã được dự đoán từ những ngày đầu xảy ra xung đột này, bởi Nga cung cấp đến 17% kali của thế giới, 20% lượng amoniac, 15% lượng urê và khoảng 18% lượng photphat xuất khẩu.

Năm 2020, Nga đứng đầu thế giới về xuất khẩu phân bón, đạt 7 tỷ USD, theo sau là Trung Quốc với 6,6 tỷ USD và Canada với 5,2 tỷ USD, Mỹ đứng thứ tư với 3,56 tỷ USD.

Vì vậy, việc Nga ngừng xuất khẩu những mặt hàng này sẽ gây thiếu hụt phân bón trầm trọng trên toàn thế giới và đẩy giá của các loại phân bón lên mức cao chưa từng có.

Đặc biệt là khi Trung Quốc, quốc gia xuất khẩu phân bón đứng thứ 2 thế giới và cung cấp đến 10% lượng Urê và khoảng 33% lượng photphat xuất khẩu trên toàn cầu, cũng đã thông báo sẽ ngừng xuất khẩu mặt hàng này cho tới tháng 6 năm nay.

Hiện nay, hầu hết các loại phân bón đều đã tăng giá với mức tăng khoảng 5% trở lên. Theo đó, phân bón 10-34-0 có giá bán lẻ trung bình là 837 USD/tấn (tăng 60% so với năm ngoái), DAP là 874 USD/tấn (tăng 46%), MAP 935 USD/tấn (tăng 44%), Kali 815 USD/tấn (tăng 102%).Ngoài ra, 3 loại phân bón đang đạt mức giá cao nhất trong lịch sử là anhydrous 1.488 USD/tấn (tăng 181%), UAN28 603 USD/tấn (tăng 146%) và UAN32 là 703 USD/tấn (tăng 144%).

Duy chỉ có Urê đang được bán với giá 891 USD/ tấn, thấp hơn một chút so với tháng trước.

Tình hình phân bón và nguyên liệu thế giới cũng sẽ khiến giá phân tại Việt Nam bị ảnh hưởng, bởi Nga là nguồn cung phân bón lớn thứ 2 vào Việt Nam sau Trung Quốc. Việt Nam mỗi năm đều nhập khẩu từ Nga khoảng 5-12% tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón, chủ yếu là phân Kali, NPK và DAP.

Trong 2 tháng đầu năm 2022, lượng phân bón nhập khẩu từ Nga đạt 73.801 tấn, trị giá 40,4 triệu USD (chiếm 10,4% về khối lượng và 11,9% về giá trị so với tổng lượng phân bón nhập khẩu). Trong đó nhập khẩu nhiều nhất là phân Kali với 45.101 tấn (chiếm 61,1% về khối lượng phân bón nhập khẩu từ Nga và 18,1% tổng khối lượng Kali nhập khẩu).

Dù Việt Nam đã có các nhà máy sản xuất phân bón trong nước và sản xuất được hầu hết các loại phân bón chủ lực như: Urea, DAP, supe lân, lân nung chảy, nitrat amon, NPK… cùng nhiều loại phân bón hữu cơ khác và đáp ứng hoàn toàn đủ nhu cầu sử dụng. Nhưng theo Cục Bảo vệ thực vật, các nhà máy sản xuất DAP mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu, còn phân Kali và phân SA phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu.

Vì vậy, Tập đoàn Vinacam, nhà nhập khẩu và cung ứng phân bón hàng đầu Việt Nam dự báo giá Kali trong nước sẽ sớm cán mức 15 - 16 triệu đồng/tấn cho hạt bột và 18-20 triệu đồng/tấn cho hạt miểng. Thậm chí nếu giá nhập khẩu lên tới 1.000 - 1.200 USD/tấn thì Kali miểng sẽ lập đỉnh mới 24 - 25 triệu đồng/tấn.

Nhiều loại Urea sản xuất trong nước đang bị hạn chế nguồn cung và tăng giá. Đồng thời, theo tình hình nhập khẩu bị đình trệ, quý II năm nay, DAP 64% nhập khẩu sẽ thiếu hụt trầm trọng và nguy cơ đẩy giá trong nước lên 25 triệu đồng/tấn.

Tình hình này sẽ gây khó khăn cho người nông dân khi vừa phải chịu áp lực tăng chi phí sản xuất đến từ nhiều yếu tố, từ giá xăng dầu, phân bón, đến chi phí vận chuyển, chi phí nguyên liệu.

Hiện nay, người nông dân đang phải chịu cảnh "trên đe dưới búa" khi chi phí sản xuất tăng cao, nhưng giá hàng hóa tiêu thụ nội địa không tăng, giá thu gom hoa quả tại vườn lại giảm mạnh, bấp bênh đầu ra bởi thị trường xuất khẩu nông sản chính Trung Quốc đang áp dụng những biện pháp khắt khe hơn với tiêu chuẩn nhập khẩu nông sản từ Việt Nam.

Vì vậy, dù đã đến vụ thu hoạch, cũng là thời gian nhu cầu phân bón tăng, nhiều hộ nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long quyết định tạm dừng gieo cấy vụ mùa mới để chờ phản ứng của thị trường. Mặt khác, nhiều hộ nông dân đã tìm nguồn phân bón tự nhiên thay thế như phân chuồng để tiết kiệm chi phí sản xuất.

Hàng năm, Việt Nam sử dụng trung bình trên 10 triệu tấn phân bón sản xuất công nghiệp.

Năm 2021, lượng phân bón sản xuất công nghiệp sử dụng là 10,7 triệu tấn (tăng 4,7% so với năm 2020). Trong đó, lượng phân vô cơ là 7,8 triệu tấn (đương tăng 2,78% so với năm 2020), lượng phân bón hữu cơ là 2,8 triệu (tăng 10% so với 2020). Bên cạnh đó, lượng phân bón nhập khẩu là khoảng 5,1 triệu tấn, chiếm 47,6%.

2 tháng đầu năm 2022, khối lượng phân bón nhập khẩu là 706.769 tấn, trong đó nhập khẩu nhiều nhất là Kali 248.941 tấn (chiếm 35,2%).

Tin liên quan

Đọc tiếp