Chủ tịch Thế giới Di động: Không mua cổ phiếu quỹ vì mục đích đỡ giá

MWG bán lẻ
18:23 - 08/04/2023
Ban lãnh đạo MWG trả lời câu hỏi của cổ đông tại đại hội. Ảnh: Phạm Ngọc
Ban lãnh đạo MWG trả lời câu hỏi của cổ đông tại đại hội. Ảnh: Phạm Ngọc
0:00 / 0:00
0:00
Ông Nguyễn Đức Tài cho biết, việc mua cổ phiếu quỹ cần nhìn nhận theo hướng là hoạt động dòng tiền cho phép và tăng tỷ lệ sở hữu chứ không phải là đỡ giá cổ phiếu.

Chiều 8/4, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG) tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Năm nay, MWG đặt mục tiêu doanh thu 135.000 tỷ đồng và 4.200 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng lần lượt 1,2% và 2,4% so với kết quả năm 2022. Mục tiêu kinh doanh trên được đưa ra dựa trên tình hình thực tế giai đoạn hiện tại và giả định sức mua sẽ hồi phục tích cực từ quý 3/2023.

Về việc giảm vốn điều lệ, MWG cho biết tính đến thời điểm công bố tờ trình (ngày 16/3), Công ty đã mua lại 502.564 cổ phiếu ESOP từ người lao động đã nghỉ việc để làm cổ phiếu quỹ. Do đó, tại ĐHĐCĐ sắp tới, MWG sẽ trình thông qua việc giảm vốn điều lệ công ty từ gần 14.639 tỷ đồng xuống còn 14.634 tỷ đồng.

MWG dự tính sẽ chia cổ tức tỷ lệ 5% bằng tiền mặt, tương đương 1 cổ phiếu được nhận 500 đồng, thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023.

Bên cạnh đó, MWG dự định không phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) như đã thông qua từ ĐHĐCĐ thường niên 2022. Nguyên nhân do lợi nhuận sau thuế 2022 không đạt tăng trưởng tối thiểu 10% so với 2021.

Một số nội dung chính trao đổi tại đại hội:

Đối với phương án chia cổ tức tiền mặt 5%, tương đương 700 tỷ đồng. Số tiền này dùng để mua cổ phiếu quỹ sẽ mang lại giá trị hơn so với trả cổ tức vì với nhiều cổ đông, 500 đồng này không đáng. Trong khi đó, với người ở lại thì giá trị của công ty là quan trọng hơn. Vậy đề nghị công ty nên mua cổ phiếu quỹ thay vì trả cổ tức?

Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài: Đầu tiên phải nói rõ, việc mua cổ phiếu quỹ phải là hoạt động dòng tiền cho phép và tăng tỷ lệ sở hữu của các cổ đông, chứ không nên nhìn nhận là đỡ giá cổ phiếu. Ví dụ năm sau Bách Hoá Xanh ổn định, công ty sẽ dành 2.000 tỷ đồng để mua cổ phiếu quỹ, với bất cứ giá nào.

Ngày nào chúng ta dùng chiêu thức mua cổ phiếu quỹ để đỡ giá cổ phiếu thì ngày đó thị trường sẽ hiểu đó chính là giá trị thực của cổ phiếu. Vì vậy, công ty cứ có tiền là mua, dù giá thị trường có lên gấp đôi, gấp ba.

Về cổ tức, công ty vẫn dành 15-20% lợi nhuận công ty để chia cho cổ đông, và năm nay vẫn duy trì hoạt động đó.

Năm 2028 MWG sẽ như thế nào về mọi mặt?

Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài: Chúng tôi ước mơ MWG sẽ là doanh nghiệp Việt Nam sở hữu những kênh bán lẻ online và offline số 1, tập trung vào ngành hàng, nhóm hàng lớn, để người tiêu dùng không phải lo lắng bất cứ thứ gì.

Trước đây, tôi đã từng chứng kiến việc ti vi được trưng bày một thời gian, sau đó lại quay về kho đóng hộp giao cho khách hàng. Thực tế, thị trường laptop bây giờ vẫn đang diễn ra thực trạng như vậy. Những vấn đề này cần phải biến mất khỏi thị trường để dành chỗ cho sự thoải mái, tự tin trong việc mua sắm.

Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch MWG. Ảnh: Phạm Ngọc

Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch MWG. Ảnh: Phạm Ngọc

Nhu cầu điện thoại, điện máy trong năm nay sẽ như thế nào?

CEO MWG Đoàn Văn Hiểu Em: Hiện tại tình hình kinh tế Việt Nam và thế giới bị tác động nhiều, trong đó ngành bán lẻ bị ảnh hưởng lớn, nhất là 2 ngành điện thoại và điện máy trở thành xa xỉ. Chúng tôi dự báo tầm quý 3-4 năm nay, thị trường sẽ khôi phục khi nhu cầu tiêu dùng tăng lên.

Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài: Có nhiều dấu hiệu cho thấy tình hình đã khả quan hơn: Các đơn hàng xuất khẩu đã quay trở lại; lãi suất sẽ được kiểm soát; bất động sản có dấu hiệu được cởi trói, có lẽ vài tháng nữa sẽ bước qua đáy để đi lên... Đặc biệt là đầu tư công năm nay sẽ đẩy mạnh để thúc đẩy kinh tế.

Thành viên HĐQT MWG Robert Willett: Ngành bán lẻ tại Việt Nam bị ảnh hưởng nhưng chưa bằng các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu. Theo tôi, những giai đoạn khó khăn sẽ là cơ hội để các công ty lớn giành thị phần.

Tôi nghĩ sang năm 2024, điện máy sẽ khôi phục. Điện thoại phân khúc cao cấp không có thay đổi quá nhiều nhưng các thương hiệu cấp dưới sẽ thay đổi với nhiều mặt hàng chất lượng tốt hơn.

Thị trường Indonesia đã có tín hiệu tích cực gì, có gì khác biệt với thị trường Campuchia đã hoạt động không hiệu quả?

CEO MWG Đoàn Văn Hiểu Em: Cuối 2022, MWG mở 5 cửa hàng đầu tiên tại Indonesia và qua 1 quý hoạt động đã cho những tín hiệu tích cực, doanh thu trung bình một cửa hàng đạt 4,5-5 tỷ đồng. Với doanh thu này nếu ở Việt Nam đã có lời, tuy nhiên ở thị trường nước ngoài, chi phí ban đầu lại cao. Công ty đang nỗ lực tối ưu, hoàn thiện mô hình, tìm ra công thức thành công, dự kiến từ giữa quý 2 sẽ tăng tốc dần dần, khi nào tự tin sẽ tăng tốc như vũ bão.

Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài: Thị trường Indonesia và Campuchia rất khác. Các cửa hàng bán lẻ sợ nhất là mở cửa hàng và không thấy khách đâu. Doanh thu tại các cửa hàng Indonesia đang nằm ở đó, cho thấy khách hàng đang ủng hộ, khác biệt hẳn so với Campuchia.

Tại Indonesia, các cửa hàng điện máy mới chỉ ở mô hình sơ khai, tức là giới thiệu sản phẩm. Còn mô hình của MWG là đầy đủ dịch vụ, làm tất cả mọi thứ còn lại cho khách hàng. Đây chính là điểm khác biệt để thu hút khách hàng.

Kế hoạch ESOP như thế nào?

Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài: Năm nay là năm không thuận lợi vì vậy công ty không trình kế hoạch ESOP, 2023 ban lãnh đạo cũng sẽ không nhận ESOP. Điều đó không có nghĩa là chúng tôi không chiến đấu, mà thể hiện sự thận trọng, xem như cam kết để tập đoàn đi về tương lai.

Thị trường dược phẩm được đánh giá đang ‘nóng’ hơn ngành thực phẩm, vì sao MWG không tiếp tục mở rộng An Khang?

Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài: Để trả lời câu hỏi này, trước tiên tôi muốn hỏi bạn: “Tuần vừa qua, bạn bỏ ra bao nhiêu tiền mua thực phẩm, bao nhiêu tiền mua thuốc?”. Bản thân tôi một tuần qua chưa bỏ ra đồng nào mua thuốc.

Thị trường dược phẩm thực chất không lớn, quy mô chỉ khoảng 3 tỷ USD, và hiện vẫn chủ yếu trong kênh bệnh viện; so với ngành hàng tiêu dùng vài chục tỷ USD thì quá nhỏ. MWG chọn cái lớn để làm.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.