Chủ tịch MWG: Khó khăn có thể kéo dài đến quý 3 năm tới

MWG bán lẻ
22:40 - 24/11/2022
Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT MWG.
Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT MWG.
0:00 / 0:00
0:00
Theo ông Nguyễn Đức Tài, lạm phát khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và ngành bán lẻ không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Trong năm 2022, MWG khó hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận, thậm chí chỉ bằng khoảng 90% so với kết quả năm ngoái.

Tại buổi gặp mặt nhà đầu tư mới đây, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) cho biết, trong tháng 10/2022, doanh thu thuần của công ty đạt 10.900 tỷ, giảm 11% so với cùng kỳ. Luỹ kế 10 tháng đầu năm, MWG đạt 113.700 tỷ đồng doanh thu, tăng 15%.

Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư về kết quả kinh doanh của công ty, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT MWG thẳng thắn cho biết, năm 2022 doanh thu sẽ đạt mục tiêu đặt ra nhưng lợi nhuận thì không, sẽ chỉ bằng khoảng 90% so với năm trước. Như vậy theo tính toán, lợi nhuận của MWG trong quý 4 sẽ thấp hơn quý 3 vừa qua.

Theo ông Tài, kết quả kinh doanh của MWG quý 4 sẽ kém hơn quý 3 bởi đây là quý hoàn toàn khác biệt so với năm trước. Năm ngoái, trong bối cảnh Covid-19, sức mua còn nằm ở đó và bị kìm hãm lại, khi mở ra sẽ phục hồi mạnh mẽ. Còn năm nay sức mua không còn.

Tổng quan kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của MWG.

Tổng quan kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của MWG.

Ông Tài cho biết, thế giới đang có nhiều vấn đề cần giải quyết như chiến tranh, lạm phát, giá xăng dầu…. Việt Nam thường có độ trễ là 3-6 tháng so với thế giới. Thế giới đã thấy ảnh hưởng lạm phát trước đó và đến hiện tại Việt Nam đã thấy rõ ràng.

“Đây là năm rất lạ lùng, cuối năm đáng lẽ là phải tăng ca thì nhân công lại phải chia ca. Thu nhập giảm, ai không chịu nổi thì về quê. Thậm chí, một số công ty còn chủ động cho nhân viên nghỉ…”, ông Tài nêu thực trạng.

Chủ tịch MWG cho rằng, khi thu nhập người lao động giảm thì sức mua sẽ có vấn đề và dĩ nhiên ngành bán lẻ cũng bị ảnh hưởng. Người tiêu dùng thắt chặt hầu bao thì những thứ không cần thiết sẽ bị loại bỏ, với những thứ cần thiết họ cũng sẽ mua hàng có giá rẻ hơn. Những ngành bị ảnh hưởng nhiều là những ngành không ảnh hưởng trực diện tới đời sống hàng ngày như điện thoại, điện máy, hàng tiêu dùng...

“Tình hình này sớm nhất phải hết quý 1 năm sau mới có thể cải thiện. Nếu tình hình thế giới vẫn bất ổn thì có thể kéo dài đến quý 3, quý 4/2023. Tuy nhiên chắc chắn một điều rằng quý 4 sẽ dễ thở hơn rất nhiều”, ông Tài nhận định.

Đây có thể gọi là giai đoạn thời tiết không thuận lợi, những người lái trưởng (lãnh đạo doanh nghiệp – PV) của máy bay cần tỉnh táo để lèo lái qua vùng thời tiết xấu. Chúng ta không thể kỳ vọng khó khăn qua nhanh, vì không phải như thời kỳ Covid, quyết định đưa ra là để bảo vệ sức khoẻ, có thể đưa ra quyết định qua đêm. Hiện tại là chuỗi yếu tố tác động, không ai có thể xử lý nhanh gọn lẹ, ngay cả với những nước có tiềm lực kinh tế.Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài

Chia sẻ cụ thể về tình hình hoạt động của các chuỗi chủ chốt, ông Đoàn Văn Hiểu Em (thành viên HĐQT, CEO chuỗi Thế giới Di động và Điện máy Xanh) cho biết, tăng trưởng quý 4 năm nay không như kỳ vọng. Tuy nhiên luỹ kế 9 tháng đầu năm, 2 chuỗi vẫn tăng 27%, và dự báo hết 2022 duy trì tăng trưởng 15-20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Hiểu Em nhận định, ngành ICT năm 2023 không mấy lạc quan, đặc biệt là giai đoạn 6 tháng đầu năm. Đó là lý do công ty không đặt mục tiêu mở thêm cửa hàng. Tuy nhiên đây chính là nhịp chậm lại để nhìn lại, gia tăng năng lực cho các shop cũ, làm việc với các hãng chặt chẽ hơn, tìm cơ hội gia tăng sản phẩm độc quyền. Iphone còn nhiều cơ hội, sản phẩm trong hệ sinh thái Apple ở Việt Nam vẫn còn thấp.

Với thị trường Indonesia, ông Hiểu Em cho biết trong tháng 12 tới sẽ khai trương 5 cửa hàng đầu tiên. Đây là thị trường tiềm năng, dân số, diện tích lớn. Doanh thu điện thoại của Indonesia cao hơn Việt Nam nhiều, năm 2021 khoảng 8 tỷ đô, gấp 2,5 lần Việt Nam. Trong khi đó, thị trường điện máy chỉ hơn phân nửa so với Việt Nam, cho thấy thị trường rất sơ khai và tiềm năng.

Tại quốc gia này cũng chưa có nhà bán lẻ nào thống lĩnh thị trường, phần lớn nằm trong trung tâm thương mại; dịch vụ kém, nằm trên vai các hãng. MWG sẽ mang dịch vụ như ĐMX sang thị trường Indonesia để tạo ra sự khác biệt và điểm nhấn. Các cửa hàng nằm bên ngoài đường, diện tích khoảng 400m2 và mục tiêu doanh thu khoảng 3 tỷ đồng.

Với chuỗi An Khang, theo kế hoạch là năm nay sẽ hoàn tất 800 cửa hàng. Tuy nhiên ông Hiểu Em cho biết, hết quý 3 vừa rồi công ty đã quyết định dừng lại, giữ ở con số 500. Lý do vì thời điểm này, thị trường nhiều biến động, khó khăn. 500 cửa hàng là số lượng cũng đủ lớn để nhận được hỗ trợ tốt nhất, tối ưu hoá chi phí, khi có đồng lời ra thì sẽ tăng tốc.

Theo vị CEO, doanh thu hiện tại của mỗi cửa hàng An Khang khoảng 350-400 triệu đồng. Nếu đạt tới mức 450-500 cộng với biên lợi nhuận gộp 22% thì sẽ đạt được mức hoà vốn, thậm chí có lời.

Với chuỗi Bách Hoá Xanh, ông Nguyễn Đức Tài đánh giá, so thời điểm hiện tại với cuối tháng 12 năm ngoái có sự khác biệt rất lớn. BHX đang rõ ràng trong chiến lược để thu hút không chỉ khách hàng từ chợ truyền thống mà cả khách hàng đi siêu thị. Đây cũng chính là động lực để BHX tăng trưởng doanh thu. Nếu doanh thu đạt 1,5-1,6 tỷ đồng/tháng, biên lợi nhuận 25-28% thì chuỗi sẽ có lãi. “Khoảng quý 4 năm sau sẽ đạt được điều này nếu không có biến động gì đáng kể”, ông Tài chia sẻ.

Kết quả kinh doanh của chuỗi Bách hoá Xanh trước và sau giai đoạn tái cấu trúc.

Kết quả kinh doanh của chuỗi Bách hoá Xanh trước và sau giai đoạn tái cấu trúc.

Không gặp khó khăn về dòng tiền

Chia sẻ về tình hình tài chính của công ty, ông Vũ Đăng Linh - Giám đốc tài chính MWG cho biết, khi nhận thấy tình hình thị trường có sự bất ổn, MWG đã thực hiện chiến lược thận trọng. Điển hình như việc thu nhỏ Bách hoá Xanh, tập trung kiểm soát kỹ hơn hàng hoá tồn kho, chi phí.

Ông Linh khẳng định MWG không gặp khó khăn về dòng tiền khi có mối quan hệ tốt với các ngân hàng, kể cả ngân hàng thế giới. Công ty vừa nhận khoản vay 250 triệu USD từ các định chế tài chính nước ngoài với lãi suất hợp lý.

“Chúng tôi không có bất cứ vấn đề gì về dòng tiền. Trong tuần vừa rồi, chúng tôi đã tất toán khoản trái phiếu 5 năm trước là 1.135 tỷ đồng. Trong ngày 21/11 cũng thanh toán xong khoản vay hợp vốn 120 triệu USD do HSBC thu xếp 2 năm trước”, ông Linh chia sẻ.

Ông Linh cho biết thêm, trong xu hướng lãi suất cao, MWG đã chủ động giảm các khoản vay, hiện chỉ có 250 triệu USD mới nhận cuối tháng 9 vừa rồi, 3 năm sau mới phải trả. Đối với các khoản vay VNĐ, lãi suất thường rất tốt so với thị trường.

Còn với các khoản trái phiếu nắm giữ, cách thức đầu tư của MWG là không mua sơ cấp từ tổ chức phát hành. Các trái phiếu do ngân hàng hoặc công ty chứng khoán nắm giữ, có tài sản đảm bảo. Công ty thường đầu tư 3-6 tháng, ngay tại thời điểm đầu tư đã có hợp đồng bán lại. Tuy nhiên trước biến động thị trường, ông Linh cho biết doanh nghiệp sẽ thận trọng hơn trong lĩnh vực đầu tư này.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Trong trường hợp lý tưởng nhất, PTI sẽ tăng vốn điều lệ gấp 3 lần lên 3.216 tỷ đồng. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN

ĐHĐCĐ PTI: Tăng vốn lên gấp 3 lần

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) được tổ chức ngày 24/4. Tại đây, cổ đông công ty sẽ thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có 2 tờ trình tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần.