Chứng khoán APEC chốt phương án trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 8%

Cổ Phiếu APEC
19:50 - 30/06/2022
0:00 / 0:00
0:00
Công ty chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APEC, mã APS) đặt mục tiêu đạt 800 tỷ đồng doanh thu và 480 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 7% và giảm 14,7% so với thực hiện năm trước. Đáng chú ý, trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 8%.

Chiều ngày 30/6, Công ty chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) lần 2. Trước đó, trong lần tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 lần 1 chỉ có 783 cổ đông, đại diện cho 35,7 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 43% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết và nhỏ hơn quy định trên 50% số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự. Chính vì vậy, ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 đã không được tổ chức.

Đặt mục tiêu lợi nhuận giảm sâu so với năm 2021

Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, về mục tiêu kinh doanh, Chứng khoán APEC đặt mục tiêu đạt 800 tỷ đồng doanh thu và 480 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 7% và giảm 14,7% so với thực hiện năm trước.

Lý giải về việc đặt mục tiêu lợi nhuận đi lùi so với thực hiện năm trước, ông Phạm Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT cho biết, năm nay là một năm khó khăn khi thị trường chứng khoán không còn sức tăng trưởng như năm trước, và doanh thu từ mảng tự doanh cũng không chắc chắn. Do đó, đơn vị đặt ra kế hoạch an toàn và thực tế hơn, kế hoạch lợi nhuận sau thuế 480 tỷ đồng dù lợi nhuận năm trước là 563 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Hưng nhận định đây là một mục tiêu thách thức đối với Chứng khoán APEC.

Ông Hưng cũng cho biết mục tiêu lợi nhuận 480 tỷ đồng được đặt ra dựa trên cơ sở phát hành thành công 83 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Theo đó, ông khẳng định nếu kế hoạch phát hành thêm bất thành thì kế hoạch lợi nhuận năm nay cũng khó đạt được.

Cụ thể, năm 2022, APS dự kiến phát hành 83 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để bổ sung vốn với tỷ lệ thực hiện quyền 1:1. Giá chào bán dự kiến không thấp hơn 10.000 đồng/cp. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của APS sẽ tăng từ mức 830 tỷ đồng lên 1.660 tỷ đồng.

Trường hợp trong quý II-III/2022, Công ty chưa hoàn thành việc tăng vốn điều lệ, kế hoạch kinh doanh năm 2022 sẽ điều chỉnh giảm. Mục tiêu tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế chỉ còn 500 tỷ đồng và 240 tỷ đồng, giảm lần lượt 33% và 57% so với năm 2021.

Toàn cảnh ĐHĐCĐ Công ty chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương.

Toàn cảnh ĐHĐCĐ Công ty chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương.

Về kết quả kinh doanh quý I/2022, APS ghi nhận doanh thu thuần 102,7 tỷ đồng, tăng 118% so với cùng kỳ năm trước, lãi sau thuế đạt 46,3 tỷ đồng, tăng 36,1%.

Theo lý giải của Ban Tổng giám đốc, kết quả kinh doanh quý này tăng là do doanh thu hoạt động tự doanh tăng 248,6%, nguyên nhân là vì thị trường chứng khoán duy trì đà tăng trưởng những ngày đầu quý nên công ty đã nhanh chóng thực hiện việc chốt lời một số cổ phiếu đang nắm giữ để thu lợi nhuận.

APS dự kiến phát hành gần 10 triệu cổ phiếu riêng lẻ

Cũng theo tài liệu tại ĐHĐCĐ, trong năm 2022, APS dự kiến phát hành hơn 9,9 triệu cổ phiếu chia cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 12% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 12 cổ phiếu mới). Nguồn vốn phát hành lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên BCTC năm 2021 đã được kiểm toán.

Sau khi hoàn tất đợt phát hành ra công chúng, HĐQT sẽ tính toán số lượng phát hành dựa trên tỷ lệ phát hành được thông qua tại Đại hội. Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2022.

Ngoài ra, APS cũng trình ĐHĐCĐ phương án phát hành thêm 10 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Giá chào bán dự kiến không thấp hơn 10.000 đồng/cp. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.

Trường hợp cổ phiếu không được các nhà đầu tư mua hết, HĐQT sẽ điều chỉnh giảm tổng số lượng cổ phiếu phát hành theo đúng số lượng cổ phiếu thực tế đã được phân phối trong đợt phát hành.

Tổng số tiền huy động dự kiến 100 tỷ đồng được sử dụng cho các hoạt động tự doanh, dịch vụ tài chính - chứng khoán, cung ứng vốn cho hoạt động cho vay margin.

Ngoài ra, năm 2022, Công ty sẽ phát hành cổ phiếu ESOP với số lượng không vượt quá 5% số cổ phiếu đang lưu hành trong 12 tháng cho người lao động với mệnh giá 10.000 đồng/cp. Giá phát hành dự kiến không thấp hơn 10.000 đồng/cp. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Mục tiêu của phương án này là bổ sung vốn lưu động cho Công ty.

Trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 8%

Cũng tại ĐHĐCĐ, trước đề nghị của cổ đông thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt hoặc mua lại cổ phiếu quỹ để hỗ trợ giá cổ phiếu APS. Ban lãnh đạo đã thống nhất và trình đại hội phương án chi trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt và cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Trong đó, với phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt với loại cổ phiếu phổ thông mệnh giá 10.000 đồng/cp. Nguồn vốn chi trả cổ tức lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính kiểm toán 2021, tỉ lệ chi trả là 8%. Thời gian dự kiến chi trả là năm 2022-2023 sau khi hoàn thành đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng.

Với phương án chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với loại cổ phiếu phổ thông mệnh giá 10.000 đồng/cp. Nguồn vốn phát hành lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính kiểm toán 2021, tỉ lệ phát hành là 6%.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/6, cổ phiếu APS tăng 200 đồng lên 12.700 đồng/cổ phiếu. Như vậy, tính từ khi ĐHCĐ bất thường cuối năm 2021, hiện nay, cổ phiếu APS giảm 79% từ 59.900 đồng về 12.700 đồng/cổ phiếu.

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.