Chứng khoán APEC rút hồ sơ chào bán 83 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu

APS CHỨNG KHOÁN
10:37 - 22/12/2022
Lãnh đạo APS tại ĐHĐCĐ 2022.
Lãnh đạo APS tại ĐHĐCĐ 2022.
0:00 / 0:00
0:00
Lý do công ty đưa ra là diễn biến thị trường chứng khoán không thuận lợi, ảnh hưởng đến việc phát hành và lợi ích của cổ đông.

HĐQT CTCP Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương (Chứng khoán APEC, mã chứng khoán APS) vừa công bố Nghị quyết về việc rút hồ sơ chào bán cổ phiếu ra công chúng. Công ty cho biết sẽ xem xét thời điểm phù hợp để tiếp tục triển khai phát hành cổ phiếu trong thời gian tới.

Trước đó, hồi tháng 7 năm nay, APS đã thông qua phương án chào bán thêm 83 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1. Giá chào bán dự kiến là 10.000 đồng, thời gian thực hiện trong năm 2022 sau khi được UBCKNN chấp thuận.

Nếu thành công, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng gấp đôi lên mức 1.660 tỷ đồng. Số tiền thu được từ chào bán sẽ được dùng để bổ sung nguồn vốn cho vay margin (500 tỷ đồng), bổ sung vốn tự doanh (300 tỷ đồng) và bổ sung vốn lưu động (30 tỷ).

Quyết định rút hồ sơ của APS diễn ra trong bối cảnh thị giá cổ phiếu APS trên thị trường đã rơi về vùng dưới mệnh giá khi chốt phiên 21/12, thị giá giảm sàn xuống còn 9.300 đồng/cp. So với vùng đáy 4.200 đồng hồi giữa tháng 11, thị giá APS đã tăng gần gấp đôi với 12 phiên tăng trần trong hơn nửa tháng. Tuy nhiên, nếu so với mức đỉnh 59.900 đồng hồi tháng 11/2021 thì giá trị cổ phiếu APS vẫn mất tới 84% giá trị.

Trong sóng cổ phiếu ngành chứng khoán giai đoạn cuối năm 2021, APS là một trong những mã ghi nhận mức tăng mạnh nhất. Từ vùng giá 11.000 đồng/cổ phiếu vào giữa tháng 7/2021, cổ phiếu này đã tăng lên mức 59.900 đồng/cổ phiếu vào ngày 18/11/2021, tức tăng khoảng 440% trong vòng 4 tháng.

Tại ĐHĐCĐ bất thường tổ chức vào ngày 16/11/2021, khi cổ đông hỏi về lý do cổ phiếu tăng phi mã, ông Phạm Duy Hưng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Chứng khoán APEC cho biết, bên cạnh nhiều yếu tố thuận lợi, giá cổ phiếu APS tăng mạnh là thành quả cố gắng của cả công ty. Theo đó, công ty đặt mục tiêu lọt top 5 công ty chứng khoán có vốn hoá lớn nhất trên thị trường, top 3 công ty quản lý 5 triệu khách hàng trong khu vực vào năm 2025.

Tuy nhiên, kế hoạch tăng vốn của APS đã nhanh chóng gặp trở ngại trong năm 2022. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh cũng không mấy sáng sủa. Mặc dù đặt kế hoạch thận trọng (800 tỷ đồng doanh thu và 480 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 7% và giảm 14,7% so với thực hiện năm trước) nhưng công ty cũng khó hoàn thành khi 9 tháng đầu năm lỗ gần 300 tỷ đồng sau thuế.

Chứng khoán APEC thuộc hệ sinh thái “họ APEC” bên cạnh Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (API) và Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ). Các cổ phiếu này từng “làm mưa làm gió” năm 2021 với đà tăng phi mã hàng chục lần. Cũng chính thời điểm cổ phiếu đang trên đỉnh huy hoàng, ban lãnh đạo công ty từng gây chú ý với màn hô hào cổ đông "quyết tâm gồng lãi" trong buổi họp ĐHĐCĐ diễn ra vào ngày 16/11. Tuy nhiên tới nay, không chỉ APS, các cổ phiếu “họ APEC” đều đã giảm mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Quý đầu năm 2024, Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng, giảm 92% so với mức 11.917 tỷ đồng của quý cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân, doanh nghiệp này cho biết do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang xây dựng dở dang.