Chuỗi cung ứng toàn cầu xáo trộn vì xung đột ở Ukraine

hàng hóa THẾ GIỚI
15:34 - 01/03/2022
Hàng dài xe vận tải chờ thông quan từ Ukraine sang Ba Lan. Ảnh: Shutterstock
Hàng dài xe vận tải chờ thông quan từ Ukraine sang Ba Lan. Ảnh: Shutterstock
0:00 / 0:00
0:00
Xung đột quân sự Nga - Ukraine đang tác động tiêu cực lên chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. 

Khi chiến sự tại Ukraine nổ ra, các nhà máy sản xuất ô tô tại Đức - vốn phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu từ Ukraine - đã phải tạm dừng hoạt động. Điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung cho ngành thép ở Nhật Bản. Giao thông đường biển và đường hàng không bị chặt đứt, làm tăng giá vận chuyển hàng hóa giữa châu Âu và châu Á.

Xung đột cũng đang làm cạn kiệt nguồn hàng hóa xuất khẩu khổng lồ từ Ukraine và Nga, khiến giá dầu, khí đốt tự nhiên, lúa mì và dầu hướng dương tăng vọt. Hoạt động vận chuyển từ các cảng của Ukraine, một hành lang quan trọng cho các chuyến hàng ngũ cốc, kim loại và dầu của Nga đến phần còn lại của thế giới, đã ngừng hoạt động.

Ngoài ra, các biện pháp cấm vận của phương Tây khiến việc làm ăn với các đối tác Nga khó khăn hơn. Các nhà kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp lo ngại điều này sẽ khiến chuỗi cung ứng của các hàng hóa ít được biết đến - như khí neon hay paladi, kim loại quan trọng trong ngành bán dẫn - sẽ chịu thiệt hại nặng nề.

“Việc Mỹ và các đồng minh ban hành lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sẽ có tác động không chỉ tới Nga, mà còn với cả thế giới”, bà Dawn Tiura, Chủ tịch Sourcing Industry Group (SIG), bình luận.

Mắt xích cung ứng bị đứt gãy

Một số giám đốc điều hành cảnh báo rằng còn quá sớm để đánh giá về tác động lâu dài của sự kiện tới chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, ngành công nghiệp ô tô sẽ tiếp tục chứng kiến tình trạng tắc nghẽn sản xuất dai dẳng.

Leoni - công ty sản xuất hệ thống điện phục vụ các nhà sản xuất ô tô châu Âu - đã đóng cửa hai nhà máy tại Ukraine và đưa khoảng 7.000 công nhân về nước vào tuần trước. Một ngày sau, Volkswagen cho biết họ không thể nhập khẩu sản phẩm này từ Ukraine và sẽ phải dừng hoạt động tại các nhà máy Zwickau và Dresden, miền đông nước Đức. Điều này khiến hơn 8.000 công nhân được cho nghỉ tạm thời cho đến khi có thể hoạt động trở lại.

Xe điện thể thao đa dụng Volkswagen trên dây chuyền lắp ráp ở Zwickau, Đức. Ảnh: Bloomberg

Xe điện thể thao đa dụng Volkswagen trên dây chuyền lắp ráp ở Zwickau, Đức. Ảnh: Bloomberg

Chỉ vài giờ sau khi cuộc xung đột bùng phát hôm 24/2, các hãng ô tô toàn cầu đã cùng nhau lập nhóm chuyên trách để vạch ra các tuyến đường thay thế. Một người phát ngôn của Volkswagen tuyên bố: “Ukraine vốn không phải là trung tâm của chuỗi cung ứng của chúng tôi. Tuy vậy, chúng tôi đột nhiên nhận ra rằng điều này trở thành sự thật khi mắt xích này bị đứt".

Ukraine hiện có 22 nhà đầu tư nước ngoài, vận hành 38 nhà máy trong chuỗi cung ứng sản xuất ô tô. Họ sản xuất hệ thống điện, ghế ngồi, dây an toàn và nhiều sản phẩm khác, theo dữ liệu UkraineInvest của chính phủ Ukraine.

“Hiện tại, chúng tôi chưa gặp phải vấn đề. Tuy vậy, vẫn còn quá sớm để khẳng định điều này”, người phát ngôn của hãng xe Mercedes-Benz cho biết.

Một cánh đồng hoa hướng dương ở Marinka, Ukraine, vào tháng trước. Ảnh: Bloomberg

Một cánh đồng hoa hướng dương ở Marinka, Ukraine, vào tháng trước. Ảnh: Bloomberg

Ngành lương thực, thực phẩm cũng chao đảo trước các diễn biến từ chiến sự. Công ty thực phẩm Your Un BelievaBowl, có trụ sở tại Anh của Caroline Phillipson cho biết, gần đây đã may mắn thoát khỏi tình trạng khan hàng sau khi đã nhận một lô hàng lớn nguyên liệu thô bao gồm các loại hạt, quả mọng và kiều mạch, đến từ vùng Biển Đen.

Theo Commerzbank AG, Nga và Ukraine chiếm gần một phần ba lượng lúa mì xuất khẩu của thế giới, 19% lượng ngô xuất khẩu và 80% lượng dầu hướng dương của thế giới. Hầu hết hàng hóa này được vận chuyển qua các cảng ở Biển Đen - hiện đã tạm dừng hoạt động. Tình hình căng thẳng hiện nay khiến giá ngũ cốc tăng cao, gây thêm lo ngại về sự phụ thuộc vào các chuyến hàng nhập khẩu như các nước đang phát triển (Ai Cập, Indonesia) và ngay cả các nước giàu ở châu Âu.

Sự lo ngại của ngành hàng hải và hàng không toàn cầu

Sự gián đoạn vận chuyển hàng hóa ngày càng trở nên tồi tệ. Ít nhất 22 tàu chở dầu đang bị chặn lại tại eo biển Kerch, tuyến đường thủy quan trọng do Nga kiểm soát. Hy Lạp, quốc gia vận hành tới một phần tư đội tàu chở dầu toàn cầu, đang kêu gọi các chủ tàu sớm đưa tàu của họ khỏi vùng biển của Nga và Ukraine ở Biển Đen, vốn là điểm nghẽn đối với một số mặt hàng quan trọng.

Một tàu viễn dương vận chuyển hàng được thuê bởi Cargill - một trong những nhà cung cấp thực phẩm lớn nhất thế giới, đã bị trúng một quả đạn ngoài khơi bờ biển Ukraine ở Biển Đen hôm 24/2, sau khi rời bến xuất khẩu ở Ukraine. Cargill cho biết con tàu vẫn đủ khả năng tiếp tục hành trình và không có ai bị thương.

Ông Oleg Solodukhov, thành viên công ty tư vấn Charterers có trụ sở tại Kiev, Ukraine cho biết, một tàu chở thép đã không thể rời cảng Mariupol do lo ngại thủy lôi từ Nga. Một lô hàng quặng sắt khác không thể rời cảng Youjne, phía đông Odessa, do giới chức Ukraine đóng cửa cơ sở này.

Ferrexpo, một công ty xuất khẩu quặng sắt lớn từ Ukraine, cho biết họ không thể đưa hàng hóa ra khỏi cảng Pivdennyi, tây nam Ukraine. Điều này buộc một số nhà sản xuất thép lớn trên toàn cầu như Nippon Steel của Nhật Bản hay Voestalpine của Áo phải tranh giành nguồn thay thế. Một người phát ngôn của Voestalpine cho biết, do ảnh hưởng của tình hình tại Ukraine hiện nay, công ty sẽ tạm thời sử dụng các kho dự trữ và sẽ tìm kiếm các nhà cung cấp khác.

Một cơ sở khai thác quặng sắt do Ferrexpo vận hành gần Horishni Plavni, Ukraine. Ảnh: Bloomberg

Một cơ sở khai thác quặng sắt do Ferrexpo vận hành gần Horishni Plavni, Ukraine. Ảnh: Bloomberg

Kể từ năm ngoái, tình trạng tắc nghẽn cảng lớn và khó khăn trong việc tìm kiếm tàu ​​để đưa hàng từ châu Á sang phương Tây, đã thúc đẩy một số công ty đưa hàng lên các chuyến tàu từ Trung Quốc qua Nga vào châu Âu.

Theo ông Glenn Koepke, Phó chủ tịch công ty dữ liệu vận tải FourKites, tuyến đường sắt này sẽ có vị trí quan trọng như một giải pháp thay thế đường biển. Ông cho biết, ước tính có 300.000 container, tính theo đơn vị tương đương 20 feet, đã được chuyển bằng đường sắt từ Trung Quốc đến Liên minh châu Âu trong sáu tháng đầu năm ngoái.

Dù vậy, một số doanh nghiệp vận tải bày tỏ quan ngại trước tình hình hiện nay và tạm dừng nhận đơn hàng mới qua đường sắt từ châu Á sang châu Âu thông qua lãnh thổ Nga.

Căng thẳng quân sự nổ ra khiến các hãng vận tải và hãng hàng không châu Âu đã quyết định đóng cửa không phận đối với Nga. Nga cũng đáp trả bằng cách cấm các hãng bay của 36 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Các lệnh cấm lẫn nhau giữa phương Tây và Nga trong lĩnh vực hàng không làm tăng thêm áp lực cho hệ thống vận tải toàn cầu, khi Nga và Ukraine án ngữ trên đường bay từ Á sang Âu của nhiều hãng hàng không chuyên về vận tải hàng hóa, khiến một số tuyến bay không khả thi về mặt thương mại. Giờ đây, các doanh nghiệp này phải lựa chọn đường bay dài hơn qua Trung Đông, dẫn tới chi phí tăng theo.

Bên cạnh đó, các biện pháp trừng phạt của phương Tây - đặc biệt là cấm một số ngân hàng Nga tham gia hệ thống thanh toán tài chính toàn cầu Swift - sẽ khiến nhiều công ty trở nên cồng kềnh khi thực hiện bất kỳ hình thức giao dịch nào với quốc gia này, ngay cả trong các lĩnh vực không bị trừng phạt.

Philip Sweens, người điều hành mảng kinh doanh quốc tế của Hamburger Hafen und Logistik AG (HHLA), Đức, cho biết việc đóng cửa các bến cảng và các đường bay quốc tế sẽ là một đòn giáng khác đối với thương mại của Nga, vốn đã giảm dần kể từ khi Moscow sáp nhập Crimea vào năm 2014. Tuy nhiên, điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung của châu Âu.

"Nếu cảng vẫn đóng cửa trong thời gian dài, việc cung cấp thực phẩm và hàng hóa mà mọi người cần vào từng quốc gia sẽ là một vấn đề. Ukraine là ổ bánh mì của châu Âu. Giờ đây, mọi người sẽ chứng kiến sự tăng vọt của giá lương thực", ông nhận định.


Tin liên quan

Đọc tiếp