Xung đột Nga - Ukraine đẩy giá phân bón tăng phi mã

phân bón THẾ GIỚI
10:23 - 01/03/2022
Ngay sau khi Nga mở chiến dịch quân sự vào Ukraine, giá phân đạm urê trên thị trường hàng hóa New Orleans đã tăng 25%, đạt mức 700 USD/tấn.
Ngay sau khi Nga mở chiến dịch quân sự vào Ukraine, giá phân đạm urê trên thị trường hàng hóa New Orleans đã tăng 25%, đạt mức 700 USD/tấn.
0:00 / 0:00
0:00
Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine không chỉ gây ra bất ổn chính trị mà còn mang lại những tác động kinh tế toàn cầu với nguy cơ khủng hoảng năng lượng, từ đó đe dọa nguồn cung sản xuất phân bón dẫn đến tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp toàn thế giới.

Khủng hoảng năng lượng kéo theo thiếu hụt nguồn cung phân bón

Là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới và cung cấp tới 40% khí đốt tự nhiên cho châu Âu, vị trí trung tâm của Nga đối với nền kinh tế toàn cầu, với tư cách là nhà sản xuất năng lượng, là yếu tố quan trọng trong phản ứng của phương Tây đối với căng thẳng Ukraine.

Theo Bloomberg, Nga hiện là nước xuất khẩu các sản phẩm nitơ lớn nhất thế giới. Với diễn biến mới, nguy cơ gián đoạn các lô hàng là thực tế do chi phí sản xuất phân bón vốn đã tăng cao bắt nguồn từ giá khí đốt tự nhiên tăng cao ở khắp châu Âu từ năm ngoái, khiến một số nhà máy đã buộc phải tạm dừng hoặc cắt giảm sản lượng.

Một thông báo từ Giám đốc điều hành công ty dịch vụ dầu khí Rystad Energy (Na Uy) cho biết, tình hình này có nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. “Căng thẳng toàn diện giữa Nga và phương Tây khó xảy ra, nhưng xung đột kinh tế sâu rộng gần như không thể tránh khỏi và Nga có thể sử dụng hoạt động xuất khẩu năng lượng của nước này như một quân cờ”, ông Rystad cho hay.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Mỹ Bill Cassidy kêu gọi Mỹ “xả” năng lượng giá rẻ tràn ngập thị trường thế giới để giảm bớt mức độ ảnh hưởng của hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga. Tuy nhiên, các nhà sản xuất dầu hàng đầu của Mỹ, mặc dù ủng hộ các chính sách cho phép khai thác của chính phủ, cho đến nay vẫn thận trọng với hoạt động này.

Việc nắm nguồn cung dầu lớn thứ ba thế giới đã định hình vai trò quan trọng của Nga trên thị trường phân bón. Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO) gần đây cho biết, khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine gia tăng, có thể dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung phân bón trên quy mô toàn cầu. Ngay sau khi Nga mở cuộc tấn công Ukraine, giá phân đạm urê trên thị trường hàng hóa New Orleans đã tăng 25%, đạt mức 700 USD/tấn so với 560 USD/tấn hồi đầu tuần.

Nhận định Nga đại diện cho 16% giao dịch thương mại thế giới về mặt hàng này, ông Thierry Pouch, nhà kinh tế học và Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế của Hiệp hội Nông nghiệp Pháp giải thích, khí đốt được sử dụng để sản xuất phân đạm, nên nếu xung đột xảy ra, nguy cơ tăng giá của các loại phân bón này sẽ rất cao, và đó cũng là điều khiến thế giới phải lo ngại.

“Không chỉ Pháp, mà các nhà sản xuất ngũ cốc hàng đầu khác như Mỹ, Canada, Brazil, Argentina và gần đây là Ấn Độ, cũng sẽ gặp bất lợi vì vòng xoáy tăng giá mới của phân bón do tình hình căng thẳng Nga - Ukraine gây nên”, ông Thierry Pouch cho biết.

Theo ông Christiane Lambert, Chủ tịch liên minh nông nghiệp FNSEA của Pháp dự đoán những tác động lên giá sản xuất đối với ngành công nghiệp thực phẩm là điều khó tránh khỏi.

Cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến cổ phiếu của nhà sản xuất phân đạm hàng đầu thế giới là CF Industries Holdings Inc đã tăng lên mức kỷ lục, và đe dọa làm gián đoạn nguồn cung phân bón cho cây trồng trên toàn cầu.

Nhà phân tích Alexis Maxwell thuộc hãng Green Markets cho biết, với việc Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ tiếp tục áp đặt thêm "các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc" đối với Nga sau hành động tấn công Ukraine sẽ khiến cho tình hình thêm ảm đạm.

“Lượng phân bón xuất khẩu giảm sẽ thắt chặt cán cân ở các thị trường nông sản Bắc bán cầu, vì mùa tiêu thụ chính ở đây bắt đầu vào quý II, đồng thời mang lại lợi ích cho các công ty phân bón ở Bắc Mỹ như CF Industries, Mosaic và Nutrien”, ông Maxwell nói.

Trước đó, Nga đã có động thái cấm xuất khẩu Ammonium nitrate từ ngày 2/2 đến ngày 1/4. Đây là một trong những chất hoá học được sử dụng phổ biến nhất trong sản xuất phân bón, đặc biệt là các loại phân đạm. Sản lượng Ammonium nitrate trên toàn cầu hiện đạt 20 triệu tấn/năm, trong đó, 75% nguồn cung đến từ Nga.

Các doanh nghiệp sản xuất và phân bón trên toàn cầu hiện theo dõi sát các động thái của Nga nhằm xác định giá phân bón. Hồi tháng 12/2021, Nga đã áp dụng các biện pháp giới hạn xuất khẩu phân đạm, kéo dài cho đến tháng 6/2022 nhằm đảm bảo nguồn cung phân bón trên thị trường nội địa. Nga hiện là quốc gia xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới trong năm 2020, chiếm 12,7% tổng lượng phân bón được xuất khẩu trên toàn cầu.

Phân bón rơi vào vòng xoáy tăng giá mới do tình hình căng thẳng Nga - Ukraine. Ảnh: VOV.vn

Phân bón rơi vào vòng xoáy tăng giá mới do tình hình căng thẳng Nga - Ukraine. Ảnh: VOV.vn

Trung Quốc gấp rút tăng nguồn cung phân bón

Động thái trên của Trung Quốc được tiến hành giữa lúc nguồn cung phân bón vẫn đang thắt chặt trên thị trường toàn cầu và chiến sự Nga – Ukraine chưa đoán định hồi kết. Theo nhận định của các chuyên gia, chi phí khí đốt tự nhiên vẫn đang tiếp tục tăng cao trong năm nay, dẫn đến hoạt động sản xuất phân bón ở các nước EU giảm mạnh, nguồn cung thiếu hụt và giá cả tăng vọt.

Một quan chức của tập đoàn phân bón lớn có trụ sở tại tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc cho biết, hiện loại phân bón thiếu hụt lớn nhất trên thế giới là phân bón hóa học tinh khiết NPK, do loại phân bón này tiêu tốn rất nhiều năng lượng trong quá trình sản xuất. Doanh nghiệp này đồng thời tiết lộ, hoạt động sản xuất của công ty chủ yếu tập trung vào phân bón hữu cơ, và lượng xuất khẩu đã tăng vọt trong những ngày gần đây, do nhu cầu tăng cao.

Nhiều doanh nghiệp phân bón Trung Quốc cũng cho biết đang tăng cường sản xuất vì các đơn mua hàng bùng nổ, đặc biệt là từ sau Tết Nguyên đán, khi nông dân chuẩn bị cho vụ xuống giống vào tháng 3 và tháng 4.

Theo báo cáo các cơ quan thống kê Trung Quốc, tính đến thời điểm hiện tại, hơn 90% năng lực sản xuất của thị phần phân bón kali toàn cầu đang tập trung ở bảy quốc gia, bao gồm Canada, Nga, Belarus, Đức và Trung Quốc.

Trong khi đó, Hiệp hội Công nghiệp Phân bón Trung Quốc cho biết, một số công ty phân bón lớn của Trung Quốc như Sinochem và Canpotex có trụ sở tại Canada gần đây đã đạt được thỏa thuận về hợp đồng nhập khẩu phân kali năm 2022. Giá hợp đồng được chốt ở mức 590 USD/ tấn CFR (tiền hàng và cước phí), đạt mức cao nhất trong năm năm và tăng 139% so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân chính khiến hợp đồng mua phân kali tăng là do giá phân kali trên thị trường thế giới tăng.

Ngày từ thời điểm sau Tết Nguyên đán, Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã đưa ra dự báo, giá urê toàn cầu trung bình đạt 625 USD/tấn trong năm 2022, tăng 25% so với mức 500 USD/tấn vào năm 2021 và giá phân bón sẽ tiếp tục tăng cao.

Giá phân bón tăng cao sẽ “đánh” trực tiếp vào lợi nhuận của nông dân Việt Nam, đặc biệt là người trồng lúa, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của gạo Việt trên thị trường thế giới.

Để khắc phục những “nút thắt” do giá phân bón liên tục “phi mã” gây ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến nghị nông dân không lạm dụng phân bón bởi nhiều hệ lụy về môi trường và cạnh tranh giá xuất khẩu gạo nhất là bối cảnh chiến sự Nga – Ukraine sẽ còn tác động nhiều đến an ninh lương thực thế giới.

Tin liên quan

Đọc tiếp