'Chuyển đổi số mới có tăng trưởng bền vững, chứ không phải bơm tiền'

CHUYỂN ĐỔI SỐ Việt nAM
18:14 - 24/12/2021
'Chuyển đổi số mới có tăng trưởng bền vững, chứ không phải bơm tiền'
0:00 / 0:00
0:00
Theo các chuyên gia, nếu chỉ tạo động lực tăng trưởng theo mô hình cũ là bơm tiền vào nền kinh tế thì quốc gia nào cũng làm được và biện pháp này sẽ khiến mục tiêu tăng trưởng 6,5-7,0% trong năm tới trở nên khá thử thách.

Chỉ bơm tiền là chưa đủ tạo nền cho kinh tế tăng trưởng bền vững

Nhiều dự báo từ các tổ chức kinh tế quốc tế cho rằng tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 có thể đạt khoảng 6,5-7,0%, cá biệt có dự báo lên tới 8,0% khi nền kinh tế đứng trước triển vọng phục hồi mạnh mẽ từ làn sóng dịch COVID-19 thứ 4.

Tuy vậy, tại Hội thảo “Gói kích thích kinh tế, quy hoạch và cơ hội đầu tư bất động sản 2022” chiều 23/12, chuyên gia bất động sản, TS. Sử Ngọc Khương nhận định tăng trưởng GDP 6,5-7,0% trong năm 2022 là mục tiêu khá thử thách. Để đạt được mục tiêu này và hướng tới tăng trưởng bền vững, bên cạnh các gói kích thích bơm tiền vào nền kinh tế, cần thiết phải hướng đến mô hình chuyển đổi số như động cơ giúp doanh nghiệp thích ứng trong tình hình mới.

“Nếu chỉ tạo động lực tăng trưởng theo mô hình kinh tế cũ, đơn giản là bơm tiền vào nền kinh tế thì quốc gia nào cũng làm, và mục tiêu tăng trưởng 6,5-7,0% sẽ trở nên khá thử thách. Trong trường hợp tiếp tục diễn ra các sự cố như dịch bệnh, khủng hoảng…thì doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, trong khi hơn 80% GDP được đóng góp bởi doanh nghiệp”, TS. Sử Ngọc Khương.

Ảnh tác giả

"Mô hình chuyển đổi số đóng vai trò vô cùng quan trọng như động cơ giúp doanh nghiệp thích ứng trong tình hình mới. Bơm tiền vào nền kinh tế, tiêm vaccine cho người dân thì quốc gia nào cũng làm, nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì chúng ta chậm một nhịp, chính là chậm chuyển đổi số".

TS. Sử Ngọc Khương

Đồng quan điểm về tầm quan trọng đặc biệt của định hướng chuyển đổi số, PGS.TS. Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp (Trường Đại học Ngoại thương) nhận định hôm 23/12 tại tạiHội thảo Dự báo Kinh tế số 2022: “Kinh tế số là một cấu phần không thể tách rời và đang chiếm tỷ trọng ngày một tăng trong nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu nói riêng. Để không bị tụt hậu và đào thải khỏi cuộc chơi, doanh nghiệp không còn con đường nào khác ngoài tham gia vào kinh tế số”.

Tính đến năm 2020, kinh tế số đóng góp khoảng 5% trong tổng quy mô GDP Việt Nam, gấp 4 lần so với thời điểm năm 2015. Trong bối cảnh dịch bệnh, tốc độ tăng trưởng khu vực số trong nền kinh tế Việt Nam đạt tới 16%, nhanh nhất khu vực Đông Nam Á và vượt qua cả tốc độ tăng trưởng của các quốc gia phát triển như Singapore.

Chiến lược Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ khẳng định định hướng của đất nước trong thời gian tới là chuyển đổi số toàn diện dựa trên 3 trụ cột chính: Chính phủ số, Xã hội số và Kinh tế số. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng hơn một lần nhấn mạnh tính cấp thiết của chuyển đổi số với sự phục hồi và phát triển bền vững của đất nước, mà trong đó doanh nghiệp là chủ thể quan trọng.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế số ở Việt Nam trong so sánh với các quốc gia ASEAN

Tốc độ tăng trưởng kinh tế số ở Việt Nam trong so sánh với các quốc gia ASEAN

Lộ trình chuyển đổi số: Doanh nghiệp bắt đầu từ đâu?

Một khảo sát do Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện năm 2020 cho thấy khoảng 75% các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước đang có xu hướng áp dụng công nghệ số trong hoạt động sản xuất kinh doanh và quản lý hoạt động kinh doanh. Con số này ở doanh nghiệp lớn là 80%.

Kết quả khảo sát cho thấy trong đại dịch, bản thân doanh nghiệp đã có sự thay đổi nhận thức rõ rệt về tầm quan trọng, tính cấp thiết của ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Duy Khánh, Giám đốc Ban dự án Chuyển đổi số OneSME Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), trong quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp thường “vướng” ở khâu thiết lập mục tiêu, chiến lược, lộ trình chuyển đổi số. Bên cạnh đó, vấn đề chi phí thực hiện, phương thức chuyển đổi và đồng bộ dữ liệu… cũng là những khó khăn lớn.

Chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi số, PGS.TS. Nguyễn Văn Minh khẳng định: “Doanh nghiệp có hai con đường: sinh ra trên nền tảng số để không phải thực hiện chuyển đổi số, hoặc nếu là doanh nghiệp truyền thống thì buộc phải chuyển đổi số”.

Ảnh tác giả

“Doanh nghiệp có hai con đường là sinh ra trên nền tảng số để không phải thực hiện chuyển đổi số, hoặc nếu là doanh nghiệp truyền thống thì buộc phải chuyển đổi số”.

PGS.TS. Nguyễn Văn Minh

Gợi ý lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp, vị này cho rằng doanh nghiệp cần nỗ lực số hóa từ sản phẩm đến dịch vụ, mô hình kinh doanh, mô hình tổ chức hoạt động và quan trọng nhất là hệ thống hỗ trợ nhân viên nâng cao năng lực số. Đó là những vấn đề cốt lõi của chuyển đổi số, cần được thực hiện trên nền tảng số.

Nhận định quá trình thích ứng số là một quá trình tương đối phức tạp, ông Minh cho rằng doanh nghiệp phải tạo một hệ thống mở để tiếp nhận tri thức bên ngoài, học hỏi từ nhiều nguồn lực. Ngoài ra cần có cách tiếp cận số từ góc độ tổng thể nhưng phải trả lời được những nội dung cụ thể như khách hàng, thị trường đang thay đổi ra sao, doanh nghiệp sẽ phục vụ ai, sẽ làm gì, từng bước như thế nào”.

“Chuyển đổi số phải phù hợp với năng lực doanh nghiệp, không mông lung, không ảo tưởng, không tràn lan, đặc biệt không chi quá nhiều tiền khi chưa thấy rõ mục đích như thế nào. Hãy bắt đầu từ công việc cụ thể với tầm nhìn tương đối rộng mở để không phải đập đi làm lại. Hãy dùng chính trải nghiệm, sự hài lòng của khách hàng và tăng trưởng của doanh nghiệp để kiểm chứng hiệu quả, đánh giá quá trình thực hiện chuyển đổi số”, PGS.TS. Nguyễn Văn Minh nói thêm.

Ảnh tác giả

“Chuyển đổi số phải phù hợp với năng lực doanh nghiệp, không mông lung, không ảo tưởng, không tràn lan, đặc biệt không chi quá nhiều tiền khi chưa thấy rõ mục đích như thế nào."

PGS.TS. Nguyễn Văn Minh

Tin liên quan

Đọc tiếp