Đừng để doanh nghiệp đơn độc trong hành trình chuyển đổi số

CHUYỂN ĐỔI SỐ Việt nAM
21:43 - 22/12/2021
Đừng để doanh nghiệp đơn độc trong hành trình chuyển đổi số
0:00 / 0:00
0:00
Chuyển đổi số là để chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng hiện đại, hiệu quả hơn. Nhưng nếu làm không hoàn thiện, lộ trình số hóa có thể trở thành gánh nặng cho chính nhân viên.

Sau khi xây dựng Chương trình chuyển đổi số quốc gia với những mục tiêu đầy tham vọng, vào cuối tháng 11 vừa qua, Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số chính thức được thành lập, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp đứng đầu.

Cùng lúc, Chiến lược phát triển kinh tế số cũng đang được gấp rút hoàn thành, hướng đến những mục tiêu mà Văn kiện Đại hội XIII đã đề ra: đến năm 2025, kinh tế số đạt tỷ trọng 20% GDP, đến năm 2030 kinh tế số chiếm 30% GDP.

Chuyển đổi số, doanh nghiệp khó trăm bề

Tại Hội thảo công bố báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp 2021 do Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức chiều 22/12, ông Lê Quý Khả, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cơ điện TOMECO (1 trong các doanh nghiệp đang nhận được hỗ trợ 1:1 trực tiếp từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong chuyển đổi số) khẳng định, chuyển đổi số là chìa khóa giúp doanh nghiệp vượt khó trong dịch COVID-19 cũng như đi sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, hướng đến phát triển bền vững. Tuy nhiên, khi bắt tay vào chuyển đổi số, thực tế doanh nghiệp đối diện rất nhiều khó khăn.

Là doanh nghiệp đã tiếp cận vấn đề chuyển đổi số 10 năm nay, ông Lê Quý Khả cho hay: “Nếu làm không hoàn thiện, lộ trình số hóa có thể trở thành gánh nặng cho chính nhân viên, họ không thấy thoải mái trong quá trình đó”.

Ảnh tác giả

“Nếu làm không hoàn thiện, lộ trình số hóa có thể trở thành gánh nặng cho chính nhân viên”.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Cơ điện TOMECO

“Nhiều doanh nghiệp tiếp cận với số hóa ban đầu chỉ do tính hấp dẫn trên 1 khía cạnh nào đó, ai cũng muốn số hóa để thuận lợi cho việc quản lý, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Con đường ban đầu tưởng như rất đơn giản, nhưng làm mỗi lúc một đoạn, mỗi lúc một kiểu thì nó rời rạc. Có rất nhiều phần mềm, rất nhiều chương trình được xúc tiến nhưng mức độ thành công không như mong đợi”, ông Lê Quý Khả chia sẻ.

Trong khi đó, ông Lê Duy Anh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuân Hòa cũng đồng tình rằng doanh nghiệp đối diện với rất nhiều thách thức trong lộ trình chuyển đổi số. Trong đó, khó khăn lớn nhất là quy trình doanh nghiệp tương thích với chuyển giao công nghệ. “Doanh nghiệp Việt luôn làm theo thói quen nhưng chuyển đổi số thì phải theo quy trình toàn cầu, phải chuẩn hóa công nghệ”, ông Lê Duy Anh nhấn mạnh.

Ngoài ra, thách thức không nhỏ khác là tìm đối tác chuyển đổi số để triển khai chuyển đổi hiệu quả. Doanh nghiệp lo lắng bỏ ra một số tiền không nhỏ nhưng phương án chuyển đổi số và hiệu quả thu lại chưa thực sự tương xứng. Do đó, rất cần sự hướng dẫn, hỗ trợ từ các cơ quan bộ ngành liên quan trong việc cung cấp thông tin, đào tạo, tư vấn giải pháp..

Theo khảo sát của Cục Phát triển Doanh nghiệp trên 1.300 doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi quy mô trên cả nước thì 60,1% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn trong chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ số, 52,3% doanh nghiệp gặp khó khăn trong thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh cũng như thiếu nhân lực nội bộ ứng dụng công nghệ số, 45,4% doanh nghiệp vướng mắc trong thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số…

Những khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp trong chuyển đổi số

Những khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp trong chuyển đổi số

Đừng để chuyển đổi số là cuộc hành trình đơn độc

Những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải trong lộ trình chuyển đổi số có lẽ không thể được giải quyết chỉ với nỗ lực từ bản thân doanh nghiệp.

Chuyên gia chuyển đổi số Cao Minh Việt cho hay: một doanh nghiệp bất kỳ, dù là doanh nghiệp nhỏ hay doanh nghiệp lớn đầu chuỗi cung ứng cũng đều chỉ là một thành phần trong chuỗi cung ứng. Do đó, cần một cách tiếp cận mang tính hệ thống và vĩ mô về chuyển đổi số.

Tức là cần kiến tạo một hệ sinh thái chuyển đổi số bao gồm doanh nghiệp ở mọi quy mô, các trường đại học, viện nghiên cứu, chuyên gia, công ty cung cấp giải pháp, và quan trọng hơn hết là sự tham gia chủ động, tích cực của các Bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước để tháo gỡ các rào cản pháp lý về chính sách, quy định liên quan đến việc áp dụng các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới phát sinh trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.

“Chuyển đổi số không nên là một cuộc hành trình đơn độc”, ông Cao Minh Việt nhấn mạnh.

Không để doanh nghiệp đơn độc trong quá trình chuyển đổi số, hồi tháng 1/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025.

Chương trình đặt ra 4 mục tiêu cụ thể: 100% doanh nghiệp được tiếp cận thông tin và nâng cao kiến thức trong chuyển đổi số, 100.000 doanh nghiệp được nhận các hỗ trợ từ Chương trình như sử dụng các công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, được hỗ trợ đào tạo, tư vấn, kết nối giải pháp, 100 doanh nghiệp trở thành điển hình thành công trong chuyển đổi số, hình thành mạng lưới 100 chuyên gia gồm các tổ chức, cá nhân tư vấn chuyển đổi số.

Sau 1 năm triển khai, theo báo cáo của Cục Phát triển Doanh nghiệp, Chương trình đã tiếp cận hàng triệu doanh nghiệp, trong đó có khoảng 200.000 lượt tiếp cận tài liệu hướng dẫn nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Đáng chú ý, có hơn 500 doanh nghiệp đã được đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số và khoảng 100 doanh nghiệp đang được hỗ trợ tư vấn chuyên sâu 1:1 để giải quyết các vướng mắc cụ thể trong quá trình chuyển đổi số.

Công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số cho doanh nghiệp được cung cấp trên Cổng thông tin chuyển đổi số của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số cho doanh nghiệp được cung cấp trên

Cổng thông tin chuyển đổi số của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bên cạnh đó, Chương trình cũng xây dựng thành công công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số cho doanh nghiệp cùng cổng thông tin chia sẻ cơ sở dữ liệu chuyển đổi số. Đồng thời tuyển chọn được 20 chuyên gia ban đầu tham gia mạng lưới tư vấn chuyển đổi số. Bước đầu, các chương trình đào tạo online về chuyển đổi số với MC ảo và hệ thống hơn 500 clip giảng dạy, nhiều câu hỏi trắc nghiệm và tài liệu tham khảo đã thu hút hơn 6.500 học viên đăng ký học tập từ xa.

Ngoài ra, nhiều gói hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp chuyển đổi số cũng đã và đang được đưa ra. Chẳng hạn, gói hỗ trợ doanh nghiệp một phần chi phí tư vấn, thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số, với kinh phí lấy trực tiếp từ ngân sách Nhà nước. Mức hỗ trợ tối đa 20 triệu đồng cho đối tượng doanh nghiệp siêu nhỏ, 50 triệu đồng cho doanh nghiệp nhỏ và 100 triệu đồng cho doanh nghiệp vừa. Dự kiến thời gian triển khai bắt đầu từ năm 2022.

Với lợi thế quy mô thị trường 100 triệu dân, chủ yếu là dân số trẻ, năng động và yêu thích công nghệ, Việt Nam - với chiến lược chuyển đổi số quốc gia - đang thể hiện tham vọng vươn lên trong cuộc đua phát triển kinh tế số ở khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á Thái Bình Dương nói chung. Nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 được coi là “cú huých trăm năm” buộc doanh nghiệp đứng trước nhu cầu cấp thiết của chuyển đổi số.

Nhưng nhìn một cách thực tế, Việt Nam cũng như các quốc gia Đông Nam Á (ngoại trừ Singapore) vẫn đang đi sau các nước phát triển khá lâu cả về năng lực và chiến lược chuyển đổi số. Trong khi các nền kinh tế tiến tiến đã đi vào giai đoạn chuyển đổi số ở chiều sâu, chúng ta mới bắt đầu bước vào xử lý các vấn đề bề nổi. Muốn rút ngắn khoảng cách, ta không thể chỉ đi theo học hỏi, mà còn cần đi nhanh với chiến lược của riêng mình.

Chiến lược quan trọng nhất, hơn hết có lẽ là sự phối hợp chính sách hài hòa giữa các cơ quan, ban ngành liên quan với sự điều phối trung tâm của Chính phủ, làm sao đừng để doanh nghiệp đơn độc trong hành trình chuyển đổi số.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Ly (thứ 2 từ phải sang) chủ trì đại hội. Ảnh: Minh Phong - MekongASEAN

ĐHĐCĐ API: Mục tiêu có lãi trở lại

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (HNX: API) được tổ chức ngày 10/5 tại Tòa nhà Grand Plaza, số 117 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.