Chuyên gia: Áp lực lạm phát tại Việt Nam có thể bật lên 5% vào cuối năm

LẠM PHÁT Việt nAM
15:03 - 08/07/2022
Chuyên gia: Áp lực lạm phát tại Việt Nam có thể bật lên 5% vào cuối năm
0:00 / 0:00
0:00
SSI Research cho rằng mặc dù mức lạm phát bình quân trong năm 2022 vẫn nằm trong tầm kiểm soát ước tính 3,5%, nhưng mức lạm phát tại thời điểm cuối tháng 12 năm nay có thể bật lên 5% so với cùng kỳ.

Lạm phát thế giới đang tạo đỉnh và sẽ giảm

Ngày 10/6/2022, Mỹ công bố chỉ số lạm phát tháng 5 tăng trở lại, lên mức 8,6%, đồng pha với xu hướng tăng trên toàn thế giới khiến kỳ vọng tạo đỉnh của lạm phát chưa thành hiện thực. Bên cạnh đó, với tỷ lệ thất nghiệp cao nhất lịch sử, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã buộc phải thi hành chính sách thắt chặt tiền tệ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ.

Theo sau Fed, các Ngân hàng Trung ương nhiều nền kinh tế lớn ngoại trừ Trung Quốc cho dù đã hành động sớm, vẫn tiếp tục quyết liệt nâng lãi suất, đặc biệt ở các quốc gia tỷ lệ lạm phát đã vượt mục tiêu. Đây là giai đoạn thắt chặt chưa có tiền lệ, đảo ngược quá trình bơm tiền quy mô lớn nhất lịch sử ở quy mô toàn cầu trong suốt giai đoạn Covid-19.

Trong một tháng vừa qua, tỷ giá và lãi suất toàn cầu biến động mạnh. USD Index đã tăng lên mức đỉnh của 20 năm, phản ánh phần lớn các đồng tiền đều mất giá mạnh so với USD. Chênh lệch lãi suất giữa các quốc gia tăng rất mạnh cũng phản ánh làn gió ngược với dòng chảy vốn toàn cầu bắt đầu vào giai đoạn gia tốc.

Song trong báo cáo mới đây, các chuyên gia phân tích của SGI Capital đã chỉ ra rằng, điểm sáng hiện tại có thể là sự hồi phục mạnh và diện rộng của thị trường tài chính Trung Quốc. Mặc dù các dữ liệu vĩ mô Trung Quốc chưa có nhiều biến chuyển mạnh, nhưng sự phản ứng tích cực của thị trường chứng khoán có thể báo trước những tác động tích cực từ các biện pháp của Ngân hàng Trung ương và Chính phủ Trung Quốc.

Cũng theo SGI Capital, một điểm tích cực quan trọng khác là lạm phát rất có thể đang tạo đỉnh và sẽ giảm. Có nhiều chỉ báo liên quan tới giá cước vận tải, giá dầu và rất nhiều cả hàng hóa cơ bản đã giảm 20-30% từ đỉnh trong 3 tháng trở lại đây. Trong khi đó, dưới áp lực của lãi suất tăng và nhu cầu giảm nhanh chóng, giá cả của nhiều loại hàng tiêu dùng cũng bắt đầu giảm.

Mặt khác, biên bản cuộc họp tháng 6 của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) cho thấy Fed sẽ không thể sớm đảo ngược quá trình thắt chặt này trừ phi xảy ra những suy giảm kinh tế đủ lớn, hoặc lạm phát giảm nhanh về mức mục tiêu. Ngoại trừ Trung Quốc, thị trường tài chính toàn cầu vẫn đang đồng pha, phản ứng tiêu cực với cả hai vấn đề: nỗi sợ suy thoái và thanh khoản tụt giảm.

Áp lực lạm phát Việt Nam có độ trễ so với thế giới, nhưng sẽ ngày càng rõ ràng hơn trong 6 tháng cuối năm

Ở trong nước, kinh tế Việt Nam vẫn đang hồi phục mạnh. Tăng trưởng GDP Quý II/2022 đạt 7,2% trong khi lạm phát được kiểm soát tốt. Những yếu tố như doanh số bán lẻ, chỉ số sản xuất công nghiệp, thặng dư ngân sách và đầu tư toàn xã hội đang hồi phục, tạo nền tảng cho tăng trưởng GDP quý III/2022 có thể đạt 9% so với nền thấp cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, VND đang nằm trong số ít đồng tiền ổn định nhất trên thế giới.

Theo các chuyên gia phân tích, nhìn về một chu kỳ dài, Việt Nam đang trong chu kỳ hồi phục trong khi Mỹ và châu Âu đang tiến dần về cuối chu kỳ, giống như Trung Quốc cách đây khoảng một năm.

Tuy nhiên, áp lực lên tỷ giá và lãi suất đang lớn dần khi lạm phát trong nước tăng lên và Fed tiếp tục quá trình thắt chặt những tháng tới. Kinh tế Mỹ và thế giới đang tăng trưởng chậm lại và có thể đi vào suy thoái trong những quý tới. Khi đó Việt Nam với độ mở rất lớn về kinh tế và cả dòng vốn đầu tư cũng sẽ chịu những ảnh hưởng tiêu cực.

Ở góc độ tích cực, SGI Capital tin rằng lạm phát đang ở vùng đỉnh tại nhiều quốc gia và sẽ giảm dần về cuối năm. Lạm phát tại Việt Nam sẽ có độ trễ bởi nhu cầu trong nước đang tăng và nền lãi suất thấp. Nhưng nhìn xa hơn, giá cả nhiều hàng hóa đặc biệt là xăng dầu giảm mạnh sẽ giảm bớt áp lực lạm phát lên Việt Nam vào cuối năm nay và 2023. Mối lo lớn nhất là lạm phát sẽ dần chuyển qua mối lo về suy giảm tăng trưởng vào cuối năm, dẫn tới sự chuyển pha về chính sách tiền tệ.

Trong khi đó, tại báo cáo chiến lược thị trường tháng 7, SSI Research nhận định áp lực lạm phát Việt Nam đang gia tăng, tuy nhiên có độ trễ so với thế giới. Lạm phát trong quý II đã bắt đầu có dấu hiệu tăng tốc, khi chỉ số CPI đạt 3,4% so với cùng kỳ vào cuối tháng 6, từ mức 2,86% trong tháng 5 với xu hướng tăng được ghi nhận ở hầu hết các nhóm ngành.

Điểm tích cực là lạm phát bình quân trong 6 tháng đầu năm được kiểm soát chặt chẽ ở mức 2,44%, thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu 4% của Chính phủ.

Tuy nhiên, theo SSI Research, áp lực lạm phát trong 6 tháng cuối năm sẽ ngày càng rõ ràng hơn. Tổ chức này cho rằng mặc dù mức lạm phát bình quân trong năm 2022 vẫn nằm trong tầm kiểm soát, ước tính 3,5%, lạm phát tại thời điểm cuối tháng 12 có thể bật lên mức 5% so với cùng kỳ.

Điều này cũng khiến mức lạm phát bình quân, đặc biệt ở nửa đầu năm 2023 có thể đẩy lên mức cao trên 4%.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.