‘Cựu vương bánh kẹo’ muốn tìm lại hào quang khi bắt tay Sơn Kim và Vinamilk

DOANH NGHIỆP Việt nAM
10:51 - 24/03/2022
Ông Trần Lệ Nguyên – Tổng Giám đốc KIDO.
Ông Trần Lệ Nguyên – Tổng Giám đốc KIDO.
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2022, KIDO đặt kế hoạch doanh thu thuần 14.000 tỷ đồng và lãi trước thuế 900 tỷ đồng, lần lượt tăng 33% và 31% so với năm ngoái. Đáng chú ý, doanh nghiệp có kế hoạch tăng vốn nhằm nhanh chóng tìm lại “hào quang” trong ngành bánh kẹo tại Việt Nam.

Đó là những nội dung được công bố trong cuộc họp Đại hội cổ đông của Tập đoàn KIDO (KDC) mới đây. Theo bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Phó tổng giám đốc công ty, cơ sở cho mục tiêu trên là thị phần của KIDO đang được mở rộng. "Năm qua, thống kê của công ty cho thấy, thị phần dầu ăn của KDC đã tăng từ 30% lên 39%", bà Liễu cho biết. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phát triển thêm ngành hàng khô, chuỗi F&B trên toàn quốc với 200-300 cửa hàng, hướng đến mở rộng sang thị trường nước ngoài.

Để đẩy mạnh kinh doanh và mở rộng thị trường, thời gian qua KIDO đã triển khai hợp tác với một số doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực liên quan như Vinamilk, Tập đoàn Sơn Kim, Centrail Retail Group... Cụ thể với Vinamilk, năm 2021, KIDO đã bắt tay thành lập công ty liên doanh với hoạt động chính là sản xuất kinh doanh sản phẩm nước giải khát không có gas có lợi cho sức khỏe và kem với thương hiệu Vibev.

Còn với SonKim Group, KIDO đã ký hợp tác để đưa Chuk Chuk (chuỗi cửa hàng cà phê, trà sữa, kem) có mặt tại chuỗi GS25 trên toàn quốc và xa hơn là thị trường Hàn Quốc. Tương tự, Centrail Retail Group cũng sẽ là đối tác đưa Chuk Chuk vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại GO!, Big C and Tops Market, đồng thời phát triển sang thị trường Thái Lan và các nước khác trong khu vực trong tương lai gần.

Theo Tổng Giám đốc KIDO Trần Lệ Nguyên, hiện Chuk Chuk đang có khoảng 50 cửa hàng tại TP HCM. Mục tiêu là sẽ có khoảng 200 đến 300 cửa hàng vào cuối năm 2022 và chính thức tiến quân ra Bắc vào tháng 5 tới, có mặt ở Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh…

Chuỗi Chuk Chuk sẽ có mặt tại hệ thống siêu thị GS25 của SonKim Group.

Chuỗi Chuk Chuk sẽ có mặt tại hệ thống siêu thị GS25 của SonKim Group.

Một nội dung đáng chú ý khác trong ĐHĐCĐ của KIDO là việc tăng vốn chủ sở hữu. Theo đó, KDC muốn các cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu tỷ lệ 10%, cùng phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình ESOP. Hiện tại, vốn điều lệ trước phát hành khoảng 2.797 tỷ đồng; số vốn điều lệ dự kiến tăng gần 352,3 tỷ đồng.

Mục đích của việc tăng vốn là để phát triển các mảng khác, tránh phụ thuộc quá nhiều vào mảng dầu ăn (năm 2021 dầu ăn chiếm 85% cơ cấu doanh thu chung). Cụ thể, KIDO sẽ tập trung vào ngành bánh và snacking, nơi mà họ từng giữ “ngôi vương” trên thị trường. “Năm 2022, doanh thu từ mảng snacking của KIDO mới chỉ có 70 tỷ đồng. Trong năm 2022, chúng tôi sẽ đẩy mạnh mảng miếng này, tập trung khai thác mảng tiêu dùng nhanh với bánh tươi - snacking”, Phó Tổng giảm đốc KIDO Nguyễn Thị Xuân Liễu cho biết.

Về kế hoạch tái cấu trúc, KIDO tiếp tục được thông qua giao dịch mua cổ phiếu cổ phần Công ty Dầu thực vật Tường An (TAC) và Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (VOC), để nâng tỷ lệ sở hữu mà không phải chào mua công khai.

Hiện tập đoàn đã nắm trên 85% vốn Dầu Tường An và đã ký hợp đồng với Chứng khoán Rồng Việt để thực hiện mua lại cổ phiếu TAC. Do vậy ngay cả khi cổ phiếu TAC hủy niêm yết thì cổ đông nhỏ muốn bán lại cho Kido đều được thực hiện thông qua Chứng khoán Rồng Việt, việc này sẽ duy trì cho đến khi tập đoàn mua hết 100% vốn Dầu Tường An.

KIDO tiền thân là Công ty cổ phần Kinh Đô Kinh Đô - thương hiệu bánh kẹo do hai anh em doanh nhân Trần Lệ Nguyên - Trần Kim Thành sáng lập từ năm 1993. Trong 20 năm phát triển, Kinh Đô rất thành công với các sản phẩm như bánh quy Cosy, bánh bông lan Solite, bánh quy giòn AFC hay bánh quy Oreo…

Cuối năm 2014, Kinh Đô bất ngờ thông báo bán 80% mảng bánh kẹo cho tập đoàn Mondelēz International (Mỹ) với giá 370 triệu USD (7.846 tỷ đồng). Sau đó, anh em ông Trần Kim Thành tiếp tục bán nốt 20% cổ phần vào tháng 7/2015. Khi thương vụ kết thúc, phía Mondelēz International đã đổi tên thương hiệu Kinh Đô thành Mondelez Kinh Đô. Còn Công ty cổ phần Kinh Đô đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO vào tháng 10/2015.

Từ bánh kẹo, KIDO chuyển sang đầu tư vào một số ngành hàng khác theo chiến lược "thực phẩm và các sản phẩm thiết yếu (Food & Flavor)". Ngoài ra, Tập đoàn còn lấn sân sang lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán.

Tin liên quan

Đọc tiếp