Đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 giảm tốc

KINH TẾ THẾ GIỚI
15:55 - 06/10/2021
Đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 giảm tốc
0:00 / 0:00
0:00
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021, do những trở ngại liên quan tới nợ cao, lạm phát và bất cân bằng trong tiếp cận vaccine.

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 05/10 cho biết: Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 sẽ thấp hơn mức dự báo 6% được đưa ra vào tháng 07/2021. Bà Georgieva chỉ ra thế giới đang đối mặt với nhiều nguy cơ bao gồm nợ cao, lạm phát và phục hồi kinh tế không đồng đều tại các quốc gia sau đại dịch.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Đại học Bocconi (Italy), bà Georgieva thông tin, báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu cập nhật tuần tới dự báo các quốc gia phát triển sẽ phục hồi kinh tế về mức trước đại dịch, nhưng hầu hết các quốc gia đang phát triển, các nền kinh tế mới nổi sẽ cần thêm nhiều năm nữa mới có thể phục hồi.

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva. Ảnh: Reuters

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva. Ảnh: Reuters

Mỹ và Trung Quốc vẫn giữ vai trò là những động lực tăng trưởng quan trọng của thế giới, trong khi Italy và châu Âu đang gia tăng xung lực. Tuy nhiên, tăng trưởng tại nhiều nơi khác đang tồi tệ hơn.

Bà Georgieva nhấn mạnh, lạm phát sẽ là yếu tố nguy cơ chính tiếp tục ảnh hưởng tới các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Lạm phát gia tăng có thể làm lãi suất tăng nhanh và siết chặt các điều kiện tài chính. Nợ công toàn cầu hiện đã tương đương 100% GDP toàn cầu, đồng nghĩa với việc nhiều quốc gia đang phát triển có rất ít cơ hội được vay các khoản nợ mới với điều kiện thuận lợi.

Để giải quyết tình trạng này, Tổng giám đốc IMF cho rằng, các quốc gia cần minh bạch về các khoản nợ, thực hiện các biện pháp quản lý nợ cũng như tạo cơ chế pháp lý cho các thành phần kinh tế tư nhân được tham gia nhiều hơn trong nền kinh tế.

Theo bà Georgieva, kinh tế thế giới đang phục hồi nhưng gặp nhiều trở ngại, trong đó bao gồm sự bất cân bằng trong tiếp cận nguồn vaccine giữa các quốc gia. Số liệu của Đại học Oxford thể hiện, trong khi gần 46% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19, tỷ lệ này tại các quốc gia thu nhập thấp chỉ là 2,3%.

Bà Georgieva nhận định khoảng cách về tỷ lệ tiêm vaccine giữa các nước giàu và nước nghèo nếu không được thu hẹp sẽ kìm hãm đà phục hồi kinh tế thế giới, khiến GDP toàn cầu mất đi 5.300 tỷ USD trong 5 năm tới. Đồng thời, bà kêu gọi các nước giàu đẩy mạnh phân phối vaccine tới các nước đang phát triển, dỡ bỏ các rào cản thương mại và tăng quỹ hỗ trợ cho xét nghiệm, truy vết và điều trị bệnh COVID-19./.

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.