Đạm Phú Mỹ dự chi hơn 1.500 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức đợt 1/2022

DPM Đạm Phú Mỹ
09:10 - 04/02/2023
Đạm Phú Mỹ dự chi hơn 1.500 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức đợt 1/2022
0:00 / 0:00
0:00
Mức chi trả tạm ứng được Đạm Phú Mỹ thực hiện là 4.000 đồng/cp (tương ứng với 40% mệnh giá cổ phần). Với 391,4 triệu cổ phiếu đăng ký phát hành, dự kiến công ty sẽ chi 1.565,6 tỷ đồng cho lần tạm ứng này.

Thông thông tin từ Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (Đạm Phú Mỹ, HoSE: DPM), doanh nghiệp này sẽ thực hiện chi tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2022 bằng tiền mặt trong quý 1/2023. Nguồn chi được lấy từ lợi nhuận chưa phân phối năm 2022 của doanh nghiệp.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Đạm Phú Mỹ, tính đến ngày 31/12/2022, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của doanh nghiệp đang ở mức 6.422 tỷ đồng, tương ứng tăng gấp 2 lần so với ngày đầu năm.

Tại ĐHĐCĐ bất thường diễn ra vào cuối tháng 12 vừa qua, Đạm Phú Mỹ cho biết nhờ các chỉ tiêu tài chính năm 2022 đạt kỷ lục lịch sử hoạt động, DPM đã thông qua việc tăng mức chi cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt từ 5.000 đồng/cp lên 7.000 đồng/cp (tương ứng tỷ lệ 70% vốn điều lệ). Tổng số tiền chi cổ tức đạt gần 2.800 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất của Đạm Phú Mỹ, quý 4/2022, doanh nghiệp thu về 3.899 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 23% so với quý 4/2021; lợi nhuận trước thuế của DPM đạt 1.277 tỷ đồng, giảm 36%.

Lũy kế cả năm 2022, DPM thu về 18.627 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 45% so với năm 2021; lợi nhuận trước thuế 6.646 tỷ đồng, tăng 74%. So với kế hoạch năm 2022, DPM đã vượt 8% về kế hoạch doanh thu và 60% kế hoạch về lợi nhuận.

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của DPM đạt 17.747 tỷ đồng, tăng 27% so với mức 13.917 tỷ đồng ngày đầu năm (tương ứng tăng 3.830 tỷ đồng). Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 25%, đạt 1.883 tỷ đồng. Tiền gửi có kỳ hạn thuộc mục đầu tư tài chính ngắn hạn của DPM lại tăng 104%, đạt 7.080 tỷ đồng (tương ứng tăng 3.625 tỷ đồng).

Hàng tồn kho đạt 4.011 tỷ đồng, tăng 44% (tương ứng tăng 1.233 tỷ đồng); dự phòng giảm giá hàng tồn kho đạt 90 tỷ đồng, gấp 28 lần so với ngày đầu năm.

Nợ của DPM tăng 15% so với mức 3.204 tỷ đồng ngày đầu năm, đạt 3.708 tỷ đồng. Trong đó, vay và thuê nợ tài chính ngắn hạn tăng 1%, đạt 202 tỷ đồng; vay và thuê nợ tài chính dài hạn giảm 27%, đạt 505 tỷ đồng. Trong năm 2022, DPM có thêm khoản quyết toán chi phí vận chuyển khí 469 tỷ đồng, kéo theo chi phí phải trả của doanh nghiệp tăng gấp 2 lần, đạt 802 tỷ đồng. Dự phòng phải trả (chi phí sửa chữa tài sản cố định…) tăng 18 lần, đạt 375 tỷ đồng.

Trên sàn chứng khoán, chốt phiên 3/2, giá cổ phiếu DPM ở mức 42.800 đồng/cp, tăng 23% so với đáy ngắn hạn phiên 15/11/2022 và giảm 38% so với đỉnh lịch sử 69.170 đồng/cp phiên 19/4/2022.

Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ, DPM) có tiền thân là công đoàn công ty Phân đạm và Hóa chất dầu khí được thành lập vào năm 2004. Ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp là sản xuất, kinh doanh phân bón và hóa chất. Năm 2007, Đạm Phú Mỹ chính thức niêm yết lên sàn HoSE, năm 2011 chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Đọc tiếp