Đánh giá toàn diện sự chồng chéo giữa Luật Đất đai và các luật liên quan

LUẬT ĐẤT ĐAI QUỐC HỘI
18:26 - 08/04/2023
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì hội thảo. Ảnh: Quochoi
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì hội thảo. Ảnh: Quochoi
0:00 / 0:00
0:00
Thực tiễn thi hành pháp luật về đất đai gắn với hoạt động đầu tư kinh doanh cho thấy, còn có sự chồng chéo, thiếu đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đất đai với các luật liên quan.

Ngày 8/4, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức hội thảo “Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi với hệ thống pháp luật”.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự án Luật Đất đai sửa đổi là dự án luật lớn, phức tạp, có liên quan chặt chẽ tới nhiều luật khác nhau. Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu về dự án Luật này, Chính phủ đã tiếp thu ý kiến các đại biểu, chỉnh lý bước đầu, tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên phạm vi cả nước.

Các nội dung của dự án Luật nhận được sự quan tâm rất lớn của các tầng lớp nhân dân, các cơ quan tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó nhiều ý kiến đóng góp nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đất đai sửa đổi với các luật khác trong hệ thống pháp luật.

Từ khảo sát thực tiễn thi hành pháp luật về đất đai gắn với hoạt động đầu tư kinh doanh, Ủy ban Pháp luật cũng nhận thấy, còn có sự chồng chéo, thiếu đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đất đai với các luật liên quan, là điểm nghẽn cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hằng - Phó Giám đốc Học viện Tư pháp, quan hệ pháp luật đất đai không chỉ chịu sự điều chỉnh của Luật Đất đai với tư cách là luật chuyên ngành mà còn chịu sự điều chỉnh của bộ luật Dân sự với tư cách là luật chung và nhiều luật chuyên ngành có liên quan như Luật Nhà ở, Luật xây dựng, Luật Quản lý tài sản công, Luật Kinh doanh bất động sản…

Các văn bản quy phạm pháp luật này được ban hành ở những thời điểm khác nhau, do nhiều cơ quan chủ trì xây dựng dẫn đến còn nhiều mâu thuẫn, thống nhất và chưa đồng bộ. Khi các luật chuyên ngành không có quy định về một quan hệ dân sự thì quy định của bộ luật Dân sự được áp dụng để điều chỉnh.

Vì vậy, PGS Nguyễn Minh Hằng cho rằng cần đánh giá tổng quan các quy định của bộ luật Dân sự năm 2015 và một số luật chuyên ngành có liên quan để bảo đảm tính khả thi, ổn định, tính khái quát, tính dự báo và minh bạch trong hệ thống pháp luật.

PGS.TS Nguyễn Minh Hằng lưu ý đến một số vấn đề cụ thể như: Nên hay không nên tiếp tục giữ chủ thể sử dụng đất là hộ gia đình, tổ chức không có tư cách pháp nhân trong Luật Đất đai; quy định như thế nào để bảo đảm sự tương thích trong quy định của bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Đất đai, Luật Nhà ở khi đề cập đến cầm cố bất động sản có đối tượng là quyền sử dụng đất...

Đưa ra quan điểm, PGS Nguyễn Minh Hằng cho rằng nên tiếp tục giữ chủ thể sử dụng đất là hộ gia đình, tổ chức không có tư cách pháp nhân trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi; vì đây là những thực thể pháp lý đang tồn tại trong đời sống xã hội, tham gia vào nhiều quan hệ pháp luật dân sự. Quy định này đảm bảo tương thích với quy định của bộ luật Dân sự năm 2015, đồng thời cũng phù hợp với thông lệ thế giới là chỉ có hai loại chủ thể pháp luật dân sự là cá nhân và pháp nhân.

Tại hội thảo, nhiều vấn đề liên quan đến tính đồng bộ của Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi với pháp luật về lĩnh vực kinh doanh bất động sản, giá, thuế, phí, lệ phí, quản lý tài sản, tín ngưỡng, tôn giáo... cũng được các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý thảo luận, phân tích và đề xuất các giải pháp phù hợp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban sẽ tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu ý kiến của các đại biểu. Trên cơ sở đó phối hợp với Thường trực Ủy ban Kinh tế, cơ quan chủ trì dự án Luật này tiếp tục thẩm tra, tiếp thu chỉnh lý để hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

Tin liên quan

Đọc tiếp