Luật Đất đai sửa đổi: Cần giải quyết được vướng mắc, điểm nghẽn cơ chế thu hồi đất

Đất Đai Việt nAM
21:36 - 06/04/2023
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Ảnh: quochoi.vn
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Ảnh: quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Chiều 6/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Báo cáo về nội dung dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, sau hơn 2 tháng tiến hành lấy ý kiến nhân dân (từ 3/1 đến ngày 15/3), cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Dự thảo mới nhất có 16 Chương, 246 Điều, trong đó, tăng 3 mục (Mục 1, Chương VII và Mục 1,2 chương XVI), bổ sung mới 22 điều, bỏ 12 điều.

Về quá trình lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo luật, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho hay, tính đến hết ngày 2/4, đã có 11.685.461 lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân được tập hợp gửi về Bộ TN&MT.

Cũng theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đã ban hành văn bản đề nghị nhân dân tiếp tục đóng góp ý kiến vào dự thảo luật đến khi Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi).

Nhiều nội dung được tiếp thu

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến đóng góp trong Luật Đất đai sửa đổi là vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (1.159.990 ý kiến, chiếm 9,93%).

Cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu, rà soát, tiếp thu và cụ thể hóa để đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi, tạo sự đồng thuận, góp phần đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng ở các dự án.

Theo đó việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

Người có đất bị thu hồi được bồi thường thiệt hại về đất, tài sản gắn liền với đất, cây trồng, vật nuôi, chi phí đầu tư vào đất, thiệt hại do ngừng sản xuất, kinh doanh. Được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở.

Giá đất bồi thường là giá đất cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch được phê duyệt cũng như văn hóa, phong tục tập quán của người dân địa phương. Ngoài ra, hình thức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cũng được đa dạng hóa về hình thức...

Dự kiến bảng giá đất hiện hành được tiếp tục sử dụng đến hết năm 2025

Về giá đất, Phó Thủ tướng cho hay cơ quan soạn thảo đã tiếp thu làm rõ nguyên tắc định giá đất, giá thị trường, căn cứ định giá đất, thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp. Việc định giá đất phải đảm bảo theo "nguyên tắc thị trường", "đúng trình tự thủ tục" khách quan, công khai, minh bạch.

Thông tin đầu vào để xác định giá đất được căn cứ vào hợp đồng đã công chứng, chứng thực hay giá trúng đấu giá đất. Đối với trường hợp chưa có thông tin giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai thì thu thập thông tin giá đất qua điều tra, khảo sát, thông tin về doanh thu, chi phí thu nhập từ việc sử dụng đất theo thị trường.

Dự luật cũng bổ sung quy định tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến 31/12/2025 để các địa phương đủ thời gian xây dựng, ban hành bảng giá đất mới theo quy định của Luật. Đồng thời việc ban hành bảng giá đất hàng năm tiếp theo được hướng dẫn cụ thể theo những khu vực, loại đất có biến động thì mới phải cập nhật giá đất cho phù hợp với thị trường.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên

Phải giải quyết được những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên bày tỏ nhất trí cao với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần này. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều điểm mới, đột phá và rất tiến bộ so với Luật Đất đai hiện hành, đáp ứng với yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn đặt ra đã được cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đã tiếp thu tối đa các ý kiến tham gia hợp lý của các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, các nhà khoa học, các cơ quan, đơn vị và ý kiến tham gia của các tầng lớp nhân dân.

Góp ý về vấn đề cụ thể, đại biểu cho biết, cơ chế thu hồi đất trong dự thảo Luật phải giải quyết được những vướng mắc, điểm nghẽn trong giải phóng mặt bằng và triển khai dự án hiện nay để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đề ra đến năm 2045 đất nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, phải đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao, thương mại dịch vụ.

Để tạo động lực phát triển thương mại dịch vụ thì phải phát triển đô thị, đẩy mạnh đô thị hóa, tăng cường và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý đô thị, hình thành và những khu đô thị, các dự án thương mại dịch vụ mang tầm quốc tế và đủ sức cạnh tranh quốc tế. Muốn làm được điều đó phải có cơ chế thu hồi đất, triển khai dự án thuận lợi.

Do đó, đại biểu cho rằng cần phải xác định rõ các dự án đô thị, dự án thương mại dịch vụ, các dự án có quy mô sử dụng đất từ bao nhiêu hecta trở lên.

Ngoài các trường hợp quy định Nhà nước thu hồi đất, đại biểu đề xuất những dự án đô thị, dự án thương mại dịch vụ với quy mô sử dụng đất từ 100 hecta trở lên nên giao để Nhà nước thu hồi đất chứ không thực hiện cơ chế thỏa thuận. Nếu thực hiện thỏa thuận thì cần có cơ chế kiểm soát việc thỏa thuận này.

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.