Đặt 'ngôi sao hy vọng' vào khu vực tư nhân trong phục hồi kinh tế

KINH TẾ Việt nAM
14:09 - 25/04/2022
0:00 / 0:00
0:00
Chia sẻ tại hội thảo khoa học quốc gia về ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính ngày 25/4, các chuyên gia đều cho rằng, để hồi phục kinh tế Việt Nam trong bối cảnh nhiều rủi ro, bất ổn hiện nay cần đặc biệt chú trọng nguồn lực đến khu vực tư nhân.

Hội thảo do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương, Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức. PGS.TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý Khoa học (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết, năm thứ hai diễn ra đại dịch COVID-19 vào 2021 vừa qua, kinh tế thế giới tiếp tục chứng kiến những khó khăn và thách thức chưa có tiền lệ.

Riêng tại Việt Nam, tăng trưởng kinh tế năm 2021 chỉ đạt mức 2,58%, thấp nhất trong vòng hai thập kỷ gần đây. Nguyên nhân chủ yếu đến từ cú sốc suy thoái nặng nề trong quý III/2021, với sự lan rộng của biến chủng Delta trong khi tỷ lệ tiêm chủng còn rất thấp. Bối cảnh này đã gần như vô hiệu hoá các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh và truy vết của Chính phủ, vốn đã rất thành công trong năm 2020.

Sang năm 2022, theo nhận định của ông Tô Trung Thành, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Thứ nhất, đại dịch COVID-19 với các chủng mới có tốc độ lây nhiễm mạnh, bất ổn chính trị thế giới leo thang cùng giá dầu tăng mạnh có thể khiến con đường hồi phục toàn cầu nói chung và của các nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc bị đe dọa, theo đó ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư tại Việt Nam.

Thứ hai, việc chính phủ và ngân hàng Trung ương của các quốc gia lớn, đặc biệt là Mỹ, có động thái thắt chặt tiền tệ do lo ngại lạm phát, sẽ có tác động đến kinh tế tài chính thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đối với Việt Nam, dư địa các chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ hồi phục kinh tế sẽ bị thu hẹp hơn.

Thứ ba, bất ổn tại khu vực tài chính, đặc biệt thị trường bất động sản và chứng khoán. Cụ thể, dòng vốn tín dụng chưa đi vào khu vực sản xuất mà đổ vào thị trường tài sản gây rủi ro tài chính. Hệ thống ngân hàng còn nhiều chỉ tiêu chưa lành mạnh như chất lượng tín dụng giảm, đặc biệt là nợ xấu gia tăng. Nếu tính cả nợ tiềm ẩn đã được cơ cấu theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, 03/2021/TT-NHNN và 14/2021/TT-NHNN khoảng 8,2%

Những rủi ro này có thể tác động ngược trở lại đến khu vực kinh tế thực, ảnh hưởng đến tốc độ, chất lượng tăng trưởng và quá trình phục hồi của kinh tế Việt Nam.

Mục tiêu tăng trưởng 6,5% hoàn toàn có thể đạt được

PGS.TS Tô Trung Thành cũng dự đoán, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có khả năng cao đạt được mục tiêu 6,5% trong năm 2022. Do tình hình COVID-19 năm nay đã rất khác so với năm ngoái, khi tỷ lệ tiêm phủ vaccines đã ở mức cao, tạo điều kiện để nền kinh tế mở cửa trở lại; thực hiện chuyển hướng chiến lược từ phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt”.

Theo đó, các hoạt động sản xuất kinh doanh về cơ bản đã quay trở lại trạng thái bình thường mới, khả năng giãn cách xã hội chặt chẽ gây ảnh hưởng tiêu cực, nặng nề đến nền kinh tế khó có khả năng xảy ra trong năm 2022.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Quy mô của gói hỗ trợ này lên đến 350.000 tỷ đồng, là gói hỗ trợ phục hồi kinh tế lớn nhất từ trước đến nay.

Bên cạnh đó, chất lượng tăng trưởng năm 2022 cũng được dự báo ở mức cao hơn. Theo dự báo tốc độ tăng trưởng TFP của Tổ chức Năng suất châu Á (APO), Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế có sự hồi phục khá tốt, với tốc độ tăng TFP ở mức cao. TFP năm 2022 tăng 3%, trong khi giai đoạn 2020 - 2025 tăng trung bình là 1,7%/năm. Đây là mức cao hơn tăng trưởng TFP trung bình của khu vực ASEAN và chỉ đứng sau Thái Lan.

Khu vực tư nhân vẫn phải là ngôi sao hy vọng

Chia sẻ tại hội thảo, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho hay, nền kinh tế thế giới đang chịu tác động kép của dịch bệnh và chiến tranh làm lung lay niềm tin chiến lược toàn cầu.

Trong khi đó ở trong nước, những vấn đề của hệ thống quản lý, trục trặc của khu vực tư nhân và một số tập đoàn lớn càng bộc lộ rõ ràng hơn. Trong 2 năm phục hồi, vừa giải quyết những vấn đề ngắn hạn vừa thực hiện tái cấu trúc kinh tế để giải quyết vấn đề dài hạn cần được phối hợp hài hòa. Tuy nhiên, theo ông Lộc, sự hỗ trợ cần nhất hiện nay là về "niềm tin".

Ảnh tác giả

Nếu phải bổ sung thêm gói hỗ trợ, đó chính là gói hỗ trợ niềm tin. Niềm tin của xã hội, thị trường vào khu vực tư nhân và niềm tin của khu vực tư nhân vào xã hội và thị trường.

TS Vũ Tiến Lộc

Cụ thể, khu vực tư nhân vẫn phải là "ngôi sao hy vọng" của nền kinh tế. Những vụ việc riêng lẻ như FLC, Tân Hoàng Minh hay những sai phạm trong giao dịch cổ phiếu, trái phiếu, đấu giá đất thời gian qua không phải bức tranh chung, hình ảnh chung của khu vực tư nhân.

TS Vũ Tiến Lộc ví von rằng nếu coi tư nhân là “con hủi” của nền kinh tế thì xã hội không thể phát triển được. Ông đề xuất, pháp luật phải nghiêm minh với những hành động sai trái, nhưng công luận và xã hội cần có cái nhìn công bằng đối với khu vực tư nhân.

Trước đó, ngày 22/4, phát biểu kết luận Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho hay, nếu không làm quyết liệt, "con sâu làm rầu nồi canh" sẽ ảnh hưởng đến việc huy động vốn trung và dài hạn, đến thị trường trái phiếu, cổ phiếu, chủ trương phát triển thị trường vốn, đến niềm tin nhà đầu tư trong và ngoài nước và ảnh hưởng đến nền kinh tế. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh: "Quan trọng là chúng ta không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế".

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.