Đầu năm 2022 tiếp đà phục hồi, tăng trưởng GDP 7-7,5% 'trong tầm tay'

VĨ MÔ Việt nAM
12:10 - 02/02/2022
Đầu năm 2022 tiếp đà phục hồi, tăng trưởng GDP 7-7,5% 'trong tầm tay'
0:00 / 0:00
0:00
Trong tháng 1/2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm 3,1% so với tháng trước nhưng tăng 2,4% so với cùng kỳ 2021. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bật tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sản xuất công nghiệp giảm khi doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2021, chỉ số IIP ước tính giảm 3,1% so với tháng trước do đây là thời điểm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm công nghiệp. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số này tăng 2,4%.

Xét theo ngành hoạt động, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,8%, đóng góp 2,6 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,1%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,2%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm. Riêng ngành khai khoáng giảm 4,6%, làm giảm 0,7 điểm phần trăm.

Chỉ số IIP của một số ngành trọng điểm cấp II cũng ghi nhận mức tăng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm ngoái. Chẳng hạn, ngành khai thác quặng kim loại (tăng 21,9%), sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn trừ máy móc, thiết bị (tăng 16,8%), sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (tăng 12,3%), sản xuất thiết bị điện (tăng 11,5%), sản xuất trang phục (tăng 11,4%), dệt (tăng 8,8%), in, sao chép bản ghi các loại (tăng 8,4%), sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (tăng 8,1%).

Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm mạnh như khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên (giảm 9,7%), chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (giảm 5,1%), sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (giảm 5%)...

Xét theo địa phương, chỉ số IIP tháng 1/2022 tăng so với cùng kỳ năm trước tại 52/63 địa phương và giảm tại 11/63 địa phương còn lại.

(Nguồn: Tổng cục Thống kê)
(Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm ngày 1/1/2022 tăng 0,7% so với tháng 12/2021 và giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xét theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng tăng 0,2% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 0,9% so với cùng thời điểm năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 0,7% và giảm 0,2%, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 0,2% và giảm 2%, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,6% và tăng 0,7%.

Xét theo khu vực, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,1% so với cùng kỳ tháng trước và giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2021, doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,4% và giảm 1,2%, doanh nghiệp FDI tăng 0,9% và tăng 0,6%.

Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng khởi sắc

Cũng theo Tổng cục Thống kê, tháng 1/2022 là tháng cận Tết Nguyên đán, thời điểm nhu cầu tiêu dùng và mua sắm của người dân tăng cao. Do đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 470.700 tỷ đồng, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nếu loại trừ yếu tố giá, chỉ số trên đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 383.500 tỷ đồng, tăng 7,0% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 1/2022 tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái ở các ngành hàng lương thực, thực phẩm (tăng 12,8%), phương tiện đi lại (tăng 4,3%), nhưng lại giảm mạnh ở một số ngành như may mặc (giảm 14,2%), đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình (giảm 8,4%), vật phẩm văn hoá, giáo dục (giảm 7,2%).

Xét theo địa phương, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 1 tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái ở một số địa phương như Quảng Ninh (tăng 13,9%), Bà Rịa - Vũng Tàu (tăng 12,6%), Cần Thơ (tăng 10,4%), Hà Nội (tăng 10%), Bình Dương (tăng 8,6%), Hải Phòng (tăng 7,8%), Khánh Hòa (tăng 1,4%).

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 1 đạt 41.300 tỷ đồng, tăng 8,0% so với tháng trước nhưng giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, một số địa phương giảm mạnh nhất có thể kể tới: TP HCM (giảm 66,8%), Quảng Ninh (giảm 43,3%), Thừa Thiên - Huế (giảm 39,3%), Hải Phòng (giảm 37,5%), Đà Nẵng (giảm 34,5%), Bình Dương (giảm 19,4%) và Hà Nội (giảm 1,3%).

Doanh thu du lịch lữ hành tháng 1 chỉ đạt 1.000 tỷ, tăng 2,7% so với tháng trước nhưng giảm mạnh 35,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, một số địa phương ghi nhận doanh thu du lịch lữ hành giảm mạnh nhất là Bà Rịa - Vũng Tàu (giảm 95,2%), Bình Định (giảm 77,5%), Đà Nẵng (giảm 76%), TP HCM (giảm 74,3%), Quảng Ninh (giảm 66,7%), Cần Thơ (giảm 50,7%), Kiên Giang (giảm 50,6%) và Hà Nội (giảm 7,2%).

Doanh thu dịch vụ khác đạt 44.900 tỷ, tăng 2,7% so với tháng trước nhưng giảm mạnh 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó tăng nhẹ ở một số địa phương như Cần Thơ (tăng 3,9%), Bình Định (tăng 4,9%) nhưng giảm mạnh ở nhiều địa phương khác như TP HCM (giảm 39,2%), Đà Nẵng (giảm 34,5%), Hải Phòng (giảm 13,1%), Hà Nội (giảm 1,7%), Đồng Nai (giảm 1,2%).

Lạm phát giá tiêu dùng tăng 1,94% do nhu cầu mua sắm

Do nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng lên. Cùng với đó, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới. Tất cả những yếu tố này khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2022 tăng 0,19% so với tháng 12/2021.

So với cùng kỳ năm 2021, CPI tháng 1 tăng 1,94%, lạm phát cơ bản không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động tăng 0,66%.

9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng trong tháng bao gồm nhóm giao thông; nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm giáo dục; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác.

Tăng mạnh nhất là nhóm giao thông (tăng 1,18% và làm CPI chung tăng 0,11 điểm phần trăm) do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào ngày 25/12/2021, 11/01/2022 và 21/01/2022 làm chỉ số giá xăng tăng 2,65%, dầu diezen tăng 2,81%. Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm phụ tùng tăng 0,13%; dịch vụ khác đối với phương tiện vận tải cá nhân tăng 0,11%; dịch vụ giao thông công cộng tăng 2,51%.

Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,03% còn nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giữ giá ổn định do chỉ số giá lương thực tăng 0,08% còn chỉ số giá thực phẩm giảm 0,09%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,18%.

TS. Đinh Trọng Thịnh: Tăng trưởng GDP 7-7,5% nằm trong tầm tay

Nhận định với Mekong Asean về một số chỉ số kinh tế trong tháng 1/2022, TS. Đinh Trọng Thịnh (chuyên gia kinh tế, Học viện Tài chính) cho rằng chỉ số sản xuất công nghiệp là một trong những điểm sáng của kinh tế trên đà phục hồi.

Bên cạnh đó là các yếu tố tích cực khác như lượng FDI đổ vào vẫn tốt (2,1 tỷ USD) vốn đầu tư trong nước rất mạnh (vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước tính đạt 25.300 tỷ đồng, bằng 4,8% kế hoạch năm và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước). Ngoài ra, số doanh nghiệp thành lập mới tăng vọt (tăng 28,9% về số doanh nghiệp, tăng 24% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ 2021).

Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 cũng phục hồi rất khả quan. Mặc dù đà phục hồi được thúc đẩy bởi nhu cầu mua sắm trước thềm Tết Nguyên đán, nhưng đây là tín hiệu tích cực sau một năm 2021 doanh số bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm tới hơn 4%.

“Kích cầu tiêu dùng là điều ta cần quan tâm, nhưng không cần quá lo lắng do triển vọng phục hồi khá tốt. Trên đà này, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng tăng trưởng GDP trong năm 2022 đạt 7-7,5%”, TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định.

“Thậm chí, tôi cho rằng Việt Nam không cần kích thích mạnh hơn, chỉ cần các gói kích thích như năm ngoái (giãn hoãn thuế, giảm thuế phí…, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính)thì đã hoàn toàn có khả năng đạt được tăng trưởng 7-7,5% rồi. Tất nhiên, khi có thêm Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội mà Chính phủ vừa đưa ra thì chuyện đạt tăng trưởng GDP 7-7,5% là trong tầm tay, và ta hoàn toàn có thể kỳ vọng ở mức cao hơn nữa chứ không phải chỉ dừng lại ở mức này”, vị chuyên gia kinh tế nói thêm.

Về tình hình lạm phát, TS. Thịnh duy trì nhận định rằng lạm phát năm 2022 có khả năng tăng gấp đôi so với năm 2021, lên 3,5-3,8%. Tuy nhiên không thể nào tăng quá cao vượt mức mục tiêu 4%.

Ảnh tác giả

"Tôi cho rằng Việt Nam không cần kích thích mạnh hơn, chỉ cần các gói kích thích như năm ngoái (giãn hoãn thuế, giảm thuế phí…, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính) thì đã hoàn toàn có khả năng đạt được tăng trưởng 7-7,5% rồi".

TS. Đinh Trọng Thịnh

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.