ĐBQH: Cần xây dựng phương án phù hợp với tình hình phát triển mới

sự kiện Việt nAM
09:53 - 22/10/2021
Toàn cảnh phiên họp tổ
Toàn cảnh phiên họp tổ
0:00 / 0:00
0:00
Trong phiên thảo luận tổ, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần nhận thức đúng đắn hơn về phòng, chống dịch bệnh gắn với duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh để xây dựng kịch bản phù hợp với tình hình mới

Ngày 21/10, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện ngân sách nhà nước.

Tại phiên thảo luận tổ, nhiều đại biểu đánh giá, với chủ trương nhất quán không đánh đổi môi trường, sức khỏe và tính mạng của người dân lấy tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhiều chính sách, giải pháp đã được ban hành cả trong ngắn hạn và dài hạn. Công tác phòng, chống dịch cũng được thực hiện quyết liệt, toàn diện, kịp thời.

Bên cạnh đó, cũng thực hiện cơ cấu lại, gia hạn nợ, miễn, giảm lãi suất tín dụng; miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế; giảm giá, tiền điện, cước viễn thông, giá nước sạch...; hỗ trợ trực tiếp tiền, gạo, thực phẩm cho người dân, người lao động.

Nhiều đại biểu cho rằng, từ bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế đúc rút được thời gian qua, cần nhận thức đúng đắn hơn về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh để xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp, khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới; không chủ quan, nóng vội nhưng cũng không để lỡ nhịp trong xu hướng hồi phục của kinh tế thế giới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đưa ra nhận định, báo cáo của Chính phủ, các Bộ, ngành và Báo cáo thẩm tra khá đầy đủ, chi tiết. Các Ủy ban chuyên của Quốc hội cũng đều có báo cáo tương đối sâu liên quan đến tình hình, kết quả phòng, chống dịch COVID-19.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý: “Các đại biểu Quốc hội cần đi sâu vào đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, kết quả phòng chống dịch, bệnh; đặc biệt qua phân tích, cần phải chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại hạn chế, đề xuất giải pháp cấp bách trong 03 tháng cuối năm. Đồng thời, các đại biểu cũng cần đưa ra dự báo về tình hình thế giới và trong nước để chủ động có ứng phó kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.”

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đưa ra đánh giá

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đưa ra đánh giá

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi nhận định, để thích ứng với đại dịch COVID-19 và đảm bảo quyền học tập của học sinh, sinh viên, Chính phủ đã linh hoạt triển khai các hình thức học tập trực tuyến, học qua truyền hình, các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, khai giảng năm học mới phù hợp với yêu cầu giãn cách xã hội; phát động và thực hiện hiệu quả Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

Mặc dù vậy, việc triển khai hình thức học trực tuyến còn một số vướng mắc, bất cập cả từ phía nhà trường, giáo viên, học sinh và gia đình, chất lượng khó đảm bảo, có nguy cơ gây ra một số hệ lụy không tốt; đặc biệt, nhiều trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất khó khăn trong việc tiếp cận học trực tuyến.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đánh giá, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo ngành y tế, phối hợp với các Bộ, ngành khác để triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo có đủ nguồn vaccine tiêm cho nhân dân trong điều kiện nguồn cung cấp vắc xin rất khan hiếm. Việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 lần này được đánh giá là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay ở nước ta.

Tuy nhiên, việc ứng phó với đợt dịch thứ 4 bộc lộ những hạn chế của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng, tỷ lệ tiêm vaccine còn chưa đồng đều tại các địa phương trên toàn quốc, việc thu phí xét nghiệm còn cao… Đặc biệt, nguồn máy móc, thuốc điều trị, vật tư giai đoạn đầu dịch khan hiếm làm giá tăng cao; các cơ sở y tế hạn chế mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế do sợ trách nhiệm nên chỉ chủ yếu sử dụng trang thiết bị y tế được tài trợ hoặc do Bộ Y tế cấp hoặc chỉ thực hiện mua sắm các trang thiết bị đã được đấu thầu từ trước.

Từ những phân tích trên, các đại biểu đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành cần nêu rõ nguyên nhân của những tồn tại hạn chế trên để có giải pháp khắc phục.

Ngoài ra, tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng nhận định, trong bối cảnh dịch COVID-19 khó có thể kiểm soát và chấm dứt được hoàn toàn; kinh tế thế giới hồi phục không đồng đều; triển vọng phục hồi kinh tế trong nước được dự báo tương đối tích cực. Tuy nhiên kinh tế vẫn đối mặt với nhiều rủi ro như: giá cả hàng hóa gia tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng, đình trệ sản xuất, suy giảm dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước... Các đại biểu đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần bám sát vào một số trọng tâm, trọng điểm, xây dựng các phương án phù hợp, khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.