ĐBQH đề nghị bỏ giấy chuyển viện khi dùng bảo hiểm y tế

QUỐC HỘI Việt nAM
12:14 - 20/11/2023
Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội - Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội - Ảnh: quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho biết, cử tri có nhiều ý kiến về việc khi khám chữa bệnh, bệnh nhân phải xin giấy chuyển viện rất phiền toái, mất thời gian và mệt mỏi.

Sáng 20/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đề nghị tiếp tục giải quyết vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế cục bộ tại các cơ sở y tế, các bệnh viện.

Về vấn đề thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế cục bộ tại các bệnh viện công lập, đại biểu cho biết hiện tượng này đã được đề cập nhiều trong các báo cáo và các ý kiến. Bộ Y tế đã cố gắng giải quyết bằng những văn bản pháp lý cần thiết để mua sắm thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Do đó, đại biểu đề nghị các tỉnh thành, địa phương đôn đốc, kiểm tra, tổ chức mua sắm các trang thiết bị cho đủ, đúng, để đảm bảo điều kiện tốt cho công tác chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho nhân dân.

"Xin đừng để tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế kéo dài hơn nữa. Trong những ngày qua tình trạng này vẫn còn xảy ra ở một số địa phương", đại biểu đề nghị.

Liên quan vấn đề bảo hiểm y tế, đại biểu Trí nêu cử tri có ý kiến rất nhiều về việc đi khám bệnh, bệnh nhân phải đi xin giấy chuyển viện là "rất phiền toái, rất mất thời gian, rất mệt mỏi".

Với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc liên thông các kết quả xét nghiệm, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh đã khá thông, cộng với tỷ lệ hơn 93% dân số Việt Nam đã có bảo hiểm y tế, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng "barie đi xin giấy chuyển viện nên được bãi bỏ".

Đại biểu đề nghị đẩy mạnh tiến hành trình thông tuyến, thực chất hơn nữa và trong lần sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế tới phải làm sao để người có bảo hiểm y tế muốn khám chữa bệnh ở đâu cũng được, phù hợp với tình trạng bệnh tật, chất lượng khám, chữa bệnh, thời gian đi lại, điều kiện chăm sóc...

"Phải coi đây là nội dung sửa đổi quan trọng nhất trong lần sửa đổi này", đại biểu đề nghị.

"Người dân rất bức xúc về vấn đề chuyển bảo hiểm"

Cũng nêu ý kiến về lĩnh vực y tế, đại biểu Nguyễn Công Hoàng - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho biết, có giai đoạn thiếu hụt thuốc do nguyên nhân chủ quan và khách quan. Phân tích về nguyên nhân chủ quan, đại biểu chỉ rõ có hai vấn đề đó là các nghị định, thông tư, chính sách y tế và vấn đề về cơ sở khám, chữa bệnh.

Theo đại biểu, các nghị định, thông tư, chính sách y tế được ban hành hết sức kịp thời; các văn bản đối với ngành y tế đã tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn khó khăn.

Đại biểu cho rằng, cần phải quan tâm tới vấn đề tập huấn cho các cơ sở y tế về công tác đấu thầu, quản lý đấu thầu và quản lý dự án. Bởi trước đây, Bộ Y tế thực hiện đấu thầu tập trung nhưng hiện nay, ngoài các danh mục đấu thầu tập trung thì giao cho cơ sở y tế chủ động trong công tác đấu thầu và cung ứng thuốc.

Tuy nhiên, khi giao cho cơ sở y tế chủ động trong việc đấu thầu thuốc thì gặp phải bất cập khi cơ sở chưa có nhân lực đủ năng lực và sự tinh tế.

Đại biểu Nguyễn Công Hoàng - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên
Đại biểu Nguyễn Công Hoàng - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên

Đối với bảo hiểm y tế, đại biểu nêu rõ hiện nay người dân rất bức xúc về vấn đề chuyển bảo hiểm. Đại biểu chỉ rõ, chuyển bảo hiểm có hai ý nghĩa quan trọng, quản lý quỹ bảo hiểm y tế và không để người dân vượt cấp lên tuyến trên quá nhiều đối với những bệnh thông thường.

Theo đại biểu, cần công khai danh mục kỹ thuật mà các cơ sở y tế cấp huyện có thể thực hiện, đối với những vấn đề không làm được thì người dân được phép chuyển lên tuyến trên.

Để nâng cao công tác thuốc và vật tư y tế, đại biểu cho rằng cần nâng cao chất lượng cán bộ quản lý về công tác đấu thầu cho các cơ sở y tế; nâng cao công tác dược lâm sàng; đồng thời kiến nghị Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tích cực quan tâm các khoản chưa thanh toán của các đơn vị. Cùng với đó đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm mức đóng bảo hiểm hiện nay để đảm bảo phù hợp và cân đối quỹ bảo hiểm.

Bộ Y tế đang hướng tới triển khai giấy chuyển tuyến điện tử

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cảm ơn ý kiến của các đại biểu Quốc hội cũng như các kiến nghị của cử tri cả nước, đồng thời nhấn mạnh, việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri là một trong những trọng tâm công tác luôn được Bộ quan tâm triển khai thực hiện.

Liên quan đến kiến nghị bỏ giấy chuyển viện, Bộ trưởng nêu quan điểm giải quyết vấn đề chuyển viện để giảm thủ tục cho người dân nhưng phải đảm bảo bền vững của hệ thống y tế cũng như tránh quá tải dồn lên ở cấp nào đó.

Bộ trưởng cho biết với Luật khám chữa bệnh, luật cũ quy định việc khám chữa bệnh phân làm 4 cấp, còn luật mới phân làm 3 cấp, nêu rõ điều kiện cấp nào được khám chữa bệnh ở mức nào, căn cứ vào khả năng đáp ứng của cơ sở và tình trạng của người bệnh.

Từ 2014, Bộ trưởng Y tế cho biết việc chuyển từ tuyến dưới lên trên phải theo tuần tự nhưng đến năm 2016 đã thông tuyến cấp huyện và năm 2021 thông tuyến toàn tỉnh. "Việc chuyển tuyến nhằm tạo thuận lợi cho người dân cơ bản được giải quyết, vấn đề bây giờ là người dân có được đi thẳng từ tuyến huyện lên trung ương hay không", Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng Y tế cũng khẳng định việc chuyển tuyến cần đảm bảo đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho người dân và khả năng khám chữa bệnh từng tuyến, tránh quá tải dồn lên tuyến trên.

Tư lệnh ngành Y tế cho biết hiện việc chuyển tuyến được chia làm 2 luồng: Từ tuyến dưới lên tuyến trên nếu cơ sở không đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh cho người dân; và từ tuyến trên xuống tuyến dưới khi bệnh tật ổn định, đảm bảo công tác điều trị lâu dài.

Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh vai trò giấy chuyển tuyến rất cụ thể, nêu rõ tình trạng lịch sử điều trị cũng như bệnh án, dù là giấy hay điện tử cũng rất cần thiết. Tuy nhiên, để giảm thủ tục hành chính, Bộ Y tế sẽ tiếp thu và đang tập trung sử dụng việc chuyển tuyến điện tử, giải tỏa khó khăn cho người dân.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan

Về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở một số cơ sở y tế Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, việc đảm bảo thuốc, vật tư y tế sau thời gian đại dịch Covid-19 có những tồn tại hạn chế do những nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.

Bộ trưởng cho biết, hiện nay các vướng mắc về nguồn cung, cơ chế chính sách đều đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, vẫn còn vướng mắc khi nhiều cán bộ ở cơ sở còn lúng túng trong việc triển khai đấu thầu, việc phân cấp phân quyền ở địa phương còn bất cập, chưa đảm bảo rút gọn quy trình thủ tục, dẫn đến kéo dài thời gian.

Bộ trưởng đề nghị UBND các tỉnh rà soát lại để đảm bảo quản lý được nhưng vẫn trao quyền chủ động cho các cơ sở, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện.

Đọc tiếp