Để về đích, kinh tế Việt Nam cần tăng trưởng hơn 9% trong 6 tháng cuối năm

GDP Việt nAM
18:48 - 29/06/2023
Ảnh: Sơn Quách
Ảnh: Sơn Quách
0:00 / 0:00
0:00
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5%, thì 6 tháng cuối năm, kinh tế Việt Nam phải đạt mức tăng trưởng hơn 9%, đây là một thách thức tương đối lớn.

Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/6 cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%, khá thấp so với GDP cùng kỳ giai đoạn 2011-2023.

Mekong ASEAN đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về bức tranh kinh tế nửa đầu năm cũng như nhìn nhận về các giải pháp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng nửa cuối năm 2023.

Kinh tế vươn lên từ nội lực

Mekong ASEAN: Bà có nhận định như thế nào về bức tranh tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023. Đâu là những điểm nổi bật, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Hương: Trước hết, kết quả tăng trưởng GDP 3,72% 6 tháng đầu năm, trong đó quý 1 tăng 3,28%, quý 2 tăng 4,14% của nước ta là một kết quả khá tích cực, trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn, các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn.

Có thể thấy rõ, chúng ta đã vươn lên từ nội lực. Trước hết, có thể thấy rõ là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng tích cực tới 3,07%, đóng góp 9,28% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Khu vực công nghiệp và xây dựng mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, do tổng xuất nhập khẩu giảm hơn 15%, tuy nhiên vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương trong khu vực, tăng 1,13%, đóng góp 11,87% vào GDP.

Điểm sáng nằm ở khu vực dịch vụ tăng 6,33%, đóng góp 78,85%, cho thấy, các ngành du lịch đã khởi sắc, các ngành thương mại, vận tải cũng như tài chính ngân hàng vẫn được củng cố và giữ vững.

Một điểm đáng chú ý khác, vốn đầu tư của khu vực Nhà nước tăng đến 12,6%, trong đó vốn đầu tư công thì tăng hơn 20,5% so với cùng kỳ, đây cũng là mức tăng rất tích cực khi quý 2 tăng lên hơn 50 % so với quý 1.

Tiêu dùng của người dân vẫn được duy trì do là nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào và các chương trình khuyến mại kích cầu và hỗ trợ cho hoạt động tiêu thụ sản phẩm đã được xúc tiến và đẩy mạnh ở tất cả các ngành, địa phương.

Xuất nhập khẩu tuy rất khó khăn khi nhu cầu của kinh tế thế giới sụt giảm mạnh, song chúng ta đã tận dụng và khai thác được các nguyên liệu tại chỗ để xuất khẩu những mặt hàng chủ lực như là gạo, cũng như các mặt hàng nông sản đến các thị trường truyền thống cũng như các thị trường mới, đáp ứng dần các tiêu chuẩn của khu vực và thế giới.

Doanh nghiệp vẫn đối mặt nhiều khó khăn

Mekong ASEAN: Còn một điểm đáng chú ý trong bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm nay là khu vực doanh nghiệp tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn. Xin bà chia sẻ rõ hơn về chỉ tiêu này?

Bà Nguyễn Thị Hương: Nửa đầu năm 2023, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức. Do ảnh hưởng từ thị trường thế giới, lạm phát mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao nên nhu cầu tiêu dùng suy giảm, gây khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, thiếu đơn hàng dẫn đến doanh nghiệp có lượng hàng tồn kho nhiều.

Tuy nhiên, như báo cáo của Tổng cục Thống kê, bình quân mỗi tháng có gần 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Trong khi đó, trung bình mỗi tháng có 16.600 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Như vậy, số doanh nghiệp gia nhập thị trường mỗi tháng tăng thêm hơn 3.000 doanh nghiệp, đây là con số không cao nhưng vẫn cho thấy những tín hiệu tích cực. Đặc biệt, doanh nghiệp nước ngoài cũng đã tin tưởng đầu tư vào Việt Nam với lượng dự án tăng hơn 70% và lượng vốn đăng ký tăng hơn 30%.

Khó khăn là hiện hữu, nhưng tương lai có thể thấy các nhà đầu tư vẫn đang tin tưởng và tích cực đầu tư vào Việt Nam. Chính vì vậy, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 2/2023 cho thấy: Dự kiến quý 3/2023, có 34,3% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý 2/2023; 38,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 27,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.

Trong đó, khu vực doanh nghiệp Nhà nước lạc quan nhất với 74,5% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý 3/2023 tốt hơn và giữ ổn định so với quý 2/2023; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lần lượt là 73% và 71,1%.

Chưa kể, đối mặt với những khó khăn, các doanh nghiệp trong thời gian qua đã có nhiều giải pháp để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, doanh nghiệp đã chủ động sắp xếp tinh gọn từ khâu quản lý đến hoạt động sản xuất để giảm chi phí và giá thành sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động cốt lõi trong sản xuất để tiết giảm chi phí, nhằm tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy phát triển bền vững.

Cùng với đó, doanh nghiệp thực hiện tốt chế độ phúc lợi để thu hút và giữ chân người lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề cao để gắn bó lâu dài. Một số doanh nghiệp tập trung nguồn lực đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí rẻ hơn; đồng thời thúc đẩy liên kết mạng lưới cung ứng trong nước, giảm lệ thuộc vào nước ngoài, nâng cao chất lượng, giảm giá sản phẩm dịch vụ để tận dụng cơ hội chiếm lĩnh và củng cố thị phần.

Ngoài ra, các doanh nghiệp đã chủ động tìm hiểu và tích cực tham gia các Hiệp hội để tiếp cận thông tin về các chương trình, đề án, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp của các bộ, ngành, Trung ương, các Hiệp hội và địa phương cũng như các tổ chức tín dụng để đề xuất nhu cầu hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Mục tiêu tăng trưởng 6,5% là tương đối thách thức

Mekong ASEAN: Bà có dự báo gì về kịch bản và các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm để đạt mục tiêu GDP 6,5% đã đề ra?

Bà Nguyễn Thị Hương: Theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ/CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ, để đạt mục tiêu cả năm tăng trưởng 6,5% thì 6 tháng đầu năm cần phải đạt được mức tăng 6,2%.

Tuy vậy, kết quả cho thấy, kinh tế 6 tháng chỉ ước đạt 3,72%, không đạt mức tăng đề ra, chủ yếu do các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 0,37%; xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo như linh kiện điện tử, dệt may, da giày… sụt giảm do thiếu hụt đơn hàng nước ngoài.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5%, 6 tháng cuối năm phải đạt mức tăng trưởng hơn 9%, đây là thách thức lớn trong bối cảnh nhu cầu thị trường chưa tăng, đơn hàng nước ngoài chưa có nhiều chuyển biến rõ nét do thế giới vẫn tồn tại nhiều yếu tố, rủi ro tiềm ẩn, khó dự báo.

Theo đó, để ổn định thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong các tháng tiếp theo, các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế cần tích cực thực hiện các giải pháp quyết liệt và đồng bộ để thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua khó khăn.

Đầu tiên, cần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; tiếp tục bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế. Theo dõi, đánh giá tác động tích cực tới khu vực sản xuất, từ đó có những điều chỉnh chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn nữa nếu cần thiết, để hỗ trợ khu vực này đẩy mạnh hoạt động sản xuất

Phối hợp hài hòa các chính sách kinh tế vĩ mô, cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng; giữa lãi suất và tỷ giá; giữa cân đối ngân sách và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; giữa đầu tư công, FDI và đầu tư tư nhân trong bối cảnh đầu tư tư nhân tăng khá thấp so với 2 kênh dẫn vốn còn lại.

Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công, tạo động lực tăng trưởng. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giảm thiểu thủ tục hành chính nhằm tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi cung ứng, kiến tạo thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước, tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất, kinh doanh.

Triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp kích cầu thương mại và dịch vụ, các chương trình xúc tiến, đẩy mạnh quảng bá thúc đẩy phát triển du lịch. Các giải pháp để mở rộng, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu. Khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết.

Bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ... nhằm bảo vệ, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng và doanh nghiệp, sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần bám sát thị trường mở rộng hoạt động tìm kiếm khách hàng mới; tăng cường kết nối chuỗi sản xuất - tiêu thụ; cân đối lượng tồn kho và tiêu thụ để bảo đảm dòng tiền cũng như chất lượng sản phẩm, bố trí sản xuất linh hoạt để duy trì hoạt động sản xuất tối ưu.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Chiều nay 17/4, theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn, một động thái được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp cấp bách ngắn hạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường và góp phần hạ nhiệt thị trường.
Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Định hướng quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.