Đề xuất giao Khánh Hòa thực hiện dự án quan trọng quốc gia

QUỐC HỘI Khánh Hòa
15:29 - 14/04/2023
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Quochoi
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Quochoi
0:00 / 0:00
0:00
Chính phủ đề xuất cơ chế đặc biệt cho Dự án đường liên kết vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng.

Tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023, chiều 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án đường liên kết vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay – Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707 (xã Phước Bình, huyện Bác Ái).

Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự án được xác định là một trong những dự án quan trọng cần tập trung nguồn lực để nghiên cứu thực hiện; góp phần phát triển mạng lưới giao thông của vùng núi phía Tây tỉnh Khánh Hòa theo định hướng quy hoạch giao thông vận tải của tỉnh.

Mục tiêu của dự án là nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh theo quy hoạch hệ thống giao thông của tỉnh Khánh Hòa; xóa bỏ tính độc đạo về kết nối giao thông đường bộ đến trung tâm huyện miền núi Khánh Sơn. Đồng thời tăng khả năng kết nối giao thông, vận chuyển hàng hóa liên vùng với tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Lâm Đồng; phát triển du lịch, giao lưu văn hóa; tăng cường quốc phòng, an ninh trong khu vực.

Theo tờ trình, dự án thuộc loại quan trọng quốc gia do có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng 75,58 ha đất rừng, trong đó có 59,95 ha rừng đặc dụng và rừng phòng hộ cần xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng.

Dự án được thực hiện theo hình thức đầu tư công, phân chia thành 2 dự án thành phần, gồm: Dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư và Dự án thành phần xây lắp.

Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 1.929,882 tỷ đồng, bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng 101,97 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị 1.464,318 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác 95,181 tỷ đồng; chi phí dự phòng 249,52 tỷ đồng; chi phí trồng rừng thay thế 18,893 tỷ đồng.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Quochoi

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Quochoi

Đề xuất cơ chế đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày, dự án thuộc tiêu chí quan trọng quốc gia, tuy nhiên có quy mô chỉ tương đương nhóm A. Tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án giao thông có quy mô tương tự hoặc lớn hơn.

Trong thời gian qua, đã có một số dự án được Quốc hội cho phép phân cấp việc quyết định đầu tư dự án, trong đó UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã được Quốc hội cho phép quyết định đầu tư dự án thành phần 1 của dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.

Do vậy, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, giao UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức thực hiện trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư dự án tương tự như đối với dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Về đề xuất cơ chế đặc biệt, tại báo cáo thẩm tra dự án, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề xuất cơ chế Quốc hội ủy quyền UBTVQH xem xét, quyết định. Tuy nhiên, dự án này là dự án quan trọng quốc gia nên trách nhiệm thực hiện dự án vẫn thuộc Chính phủ. Theo đó, cần quy định trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, báo cáo Quốc hội của Chính phủ trong việc thực hiện dự án để vừa bảo đảm tuân thủ pháp luật về đầu tư công, vừa tạo độ linh hoạt trong xử lý các vấn đề thực tiễn.

Liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và trồng rừng thay thế, cơ quan thẩm tra đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa, trong quá trình thi công, nhất là quá trình nổ mìn phá đá cần có biện pháp hạn chế tác động xấu đến môi trường, đặc biệt không gây ảnh hưởng đến phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà và quản lý chặt chẽ việc tận thu lâm sản khi chuyển mục đích sử dụng rừng, tránh thất thoát tài sản công.

Về việc trồng rừng thay thế, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, đề xuất của UBND tỉnh về phương án trồng rừng thay thế cơ bản là phù hợp. Tuy nhiên theo quy định mới, có thể trồng rừng thay thế cả ở khu vực được quy hoạch cho rừng sản xuất, vì vậy đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa cập nhật và cân nhắc các phương án trồng rừng tối ưu để tránh phát sinh chi phí.

Tin liên quan

Đọc tiếp