Đề xuất phân cấp giải ngân chương trình mục tiêu quốc gia tới huyện

KINH TẾ QUỐC HỘI
16:27 - 24/10/2023
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng tại buổi thảo luận tổ.
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng tại buổi thảo luận tổ.
0:00 / 0:00
0:00
Để thúc đẩy các chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ đang nghiên cứu trình Quốc hội phân cấp đến cấp huyện.

Thảo luận tại tổ về kết quả và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội sáng 24/10, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong bối cảnh khó khăn, thách thức cả trong và ngoài nước, với sự ủng hộ thiết thực, hiệu quả của Quốc hội, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, kịp thời đưa ra các quyết sách quan trọng.

Tuy không đạt mục tiêu nhưng nếu tăng trưởng kinh tế năm nay đạt 5% thì cũng thuộc nhóm cao nhất thế giới. “Đây là kết quả hết sức trân trọng, đáng khích lệ, là nền tảng cho năm 2024-2025”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Tuy nhiên theo Bộ trưởng, vấn đề đặt ra là 3 năm liên tiếp tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu, ảnh hưởng đến kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm và mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII. Nếu điều chỉnh giảm các chỉ tiêu thì sẽ làm giảm các động lực, phấn đấu. Vì vậy, Trung ương, Chính phủ quyết định giữ nguyên các mục tiêu để quyết tâm thực hiện bằng được.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Đại hội XIII đặt mục tiêu năm 2030, năm 2045 rất cao. Mặc dù khó khăn nhưng hiện nay cơ hội của Việt Nam vẫn rất lớn, như lời Tổng Bí thư đã nhận định: “Đất nước ta chưa bao giờ cơ đồ, vị thế như hiện nay”. Tầm vóc của Việt Nam đã ở mức cao, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Hoạt động đối ngoại thời gian qua đã cho thấy điều đó, nhất là sau khi Tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam. Hai nước đã ký hợp tác chiến lược toàn diện, hợp tác về đổi mới sáng tạo, về chip bán dẫn, đào đạo nguồn nhân lực... mở ra nhiều cơ hội. Rất nhiều phái đoàn của Mỹ đã sang Việt Nam để triển khai các ký kết. Ngay sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng sang Mỹ.

"Các ngành công nghệ mới đang được triển khai quyết liệt. Thách thức lớn, cơ hội nhiều, điều quan trọng là chúng ta phải nắm được và biến hoá thành hiện thực", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Theo Bộ trưởng KH&ĐT, các giải pháp ngắn hạn cho năm 2023 đã gắn với dài hạn như đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện các đột phá chiến lược... và quan trọng nhất là nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế gắn với các ngành công nghiệp mới trên cơ sở đổi mới sáng tạo. Hiện nay, Trung ương, Quốc hội đang tập trung vào hướng đó.

Thực hiện nhiệm vụ, Bộ KH&ĐT đã hoàn thành xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, sẽ khánh thành vào cuối tuần tới. Bộ KH&ĐT đang cùng với Bộ KH&CN xây dựng kế hoạch để trình cơ chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Với ngành chip và bán dẫn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định đây là ngành quan trọng và đóng góp lớn trong tương lai, dự báo năm 2030 sẽ đóng góp khoảng 1.300 tỷ USD cho thế giới. Để tham gia vào chuỗi giá trị này, Bộ KH&ĐT đã đề xuất và thực hiện hai nhiệm vụ. Một là xây dựng các trung tâm liên kế thiết kế chíp bán dẫn và hai là xây dựng các trung tâm đào tạo nhân lực.

"Bộ đang xây dựng đề án phát triển đội ngũ 50.000 kỹ sư và chuyên gia trong ngành bán dẫn vào năm 2030. Hiện cả nước mới chỉ có 5.600 nhân sự trong ngành này. Chúng tôi đang làm việc với tất cả các trường đại học để Việt Nam để triển khai đề án, để Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị này với một vị thế khác", Bộ trưởng cho biết.

Về các chương trình mục tiêu quốc gia, phục hồi kinh tế, đầu tư công..., Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận còn chậm, vướng mắc, do thời gian đầu phải hoàn thành các văn bản. Ông cho biết, đến hiện tại, các văn bản hướng dẫn cơ bản đã xong, còn lại là đẩy nhanh tiến độ.

“Nguyên nhân có cả khách quan, chủ quan, và tình trạng mới phát sinh là một số bộ phận e ngại, không dám làm... Tuy nhiên, Chính phủ đã có những giải pháp tháo gỡ kịp thời, chắc chắn tiến độ sẽ tốt hơn trong cuối năm này và những năm sau”, Bộ trưởng nói.

Đặc biệt với chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ đang nghiên cứu trình Quốc hội phân cấp về tới tận cấp huyện. Theo Bộ trưởng, đây là đổi mới hết sức căn cơ để phân bổ vốn cho địa phương tự thực hiện. Nhà nước chỉ quản lý mục tiêu, còn phân bổ dự án nào, điều chuyển vốn như thế nào giữa các chương trình hay trong một chương trình thì địa phương phải chịu trách nhiệm.

“Hiện nay mới có 3 địa phương đề nghị thực hiện như vậy nên Chính phủ cần thời gian để nghiên cứu thêm và chưa trình Quốc hội tại kỳ họp này”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Tin liên quan

Đọc tiếp