Đến năm 2030 Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp

CHÍNH SÁCH KINH TẾ
16:14 - 06/12/2022
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị.
0:00 / 0:00
0:00
Đây là một trong 3 mục tiêu tổng quát cho năm 2030 được đề ra tại Nghị quyết số 29-NQ/TW, tầm nhìn đến năm 2045, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á.

Ngày 6/12, tiếp tục chương trình Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã truyền đạt chuyên đề: "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH – HĐH) đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" (Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022). Đây là chuyên đề thứ 3 trong 4 chuyên đề được truyền đạt tại Hội nghị lần này.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng ta trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, nhất là từ khi đẩy mạnh thực hiện công cuộc Đổi mới toàn diện đất nước đến nay.

Trong bối cảnh phát triển mới hiện nay, Nghị quyết số 29-NQ/TƯ về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ra đời là cơ sở chính trị quan trọng trong việc định hướng những tư duy mới, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp mới nhằm tạo động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Theo ông Trần Tuấn Anh, Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đề ra 3 mục tiêu tổng quát cho năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á.

Cụ thể, đến năm 2030, nước ta cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của nhân dân được nâng cao.

Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp.

Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ tiên tiến. Các ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh được nâng cao, hình thành được nhiều ngành dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao.

Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Trung ương đã đưa ra tầm nhìn đến năm 2045 là “Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á”.

Để cụ thể hóa mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Nghị quyết đã đề ra 7 nhóm chỉ tiêu chính với 25 chỉ tiêu cụ thể.

Trong đó, đáng chú ý nhất là tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về năng lực cạnh tranh công nghiệp; tỷ trọng công nghiệp đạt trên 40% GDP; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GDP. Tỷ trọng của khu vực dịch vụ đạt trên 50% GDP, trong đó du lịch đạt 14-15% GDP.

Các chỉ tiêu cụ thể còn là hình thành được một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GDP. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%...

Bên cạnh đó, theo Ban Kinh tế Trung ương, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Trong đó, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật; quyết liệt chủ trương của Đảng về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, phát triển doanh nghiệp tư nhân, thu hút FDI.

Xây dựng và triển khai định hướng phát triển một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có năng lực cạnh tranh quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt, trụ cột trong một số lĩnh vực quan trọng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa như năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, viễn thông, kết cấu hạ tầng...

Tin liên quan

Đọc tiếp