Định danh điện tử là tiền đề thúc đẩy kinh tế số

số hóa pháp lý
15:22 - 25/05/2022
Các diễn giả tại tọa đàm “Vai trò của Chính phủ và các Bộ Ngành trong việc phát triển kinh tế số tại Việt Nam”, sáng 25/5.
Các diễn giả tại tọa đàm “Vai trò của Chính phủ và các Bộ Ngành trong việc phát triển kinh tế số tại Việt Nam”, sáng 25/5.
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp đánh giá hiện đã có nhiều cơ chế, chính sách cho chuyển đổi số nhưng còn thiếu những cơ sở pháp pháp lý cụ thể cho từng ngành để tăng tỷ trọng kinh tế số trong GDP chung của Việt Nam, trong đó định danh điện tử là một tiền đề quan trọng.

Chiến lược chuyển đổi số của chính phủ hiện nay nhằm hướng đến thúc đẩy kinh tế số, xã hội số để phát triển thêm ngành nghề kinh doanh mới, mở rộng thị trường mới, cơ hội mới từ đó bứt phá đưa thứ hạng quốc gia vươn lên.

Kinh tế số đang chiếm trung bình 30% GDP các quốc gia trên thế giới, nhưng kinh tế số ở Việt Nam mới chỉ chiếm 5% GDP. Trong khi đó, mục tiêu Chính phủ đề ra đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%.

Các diễn giả tại Tọa đàm “Vai trò của Chính phủ và các Bộ Ngành trong việc phát triển kinh tế số tại Việt Nam” trong phiên khai mạc Diễn đàn cao cấp chuyển đổi số Việt Nam – Châu Á, sáng 25/5 đã đưa ra nhiều ý kiến, đề xuất để hướng đến thực hiện các mục tiêu thúc đẩy kinh tế số như trên. Một trong những tiền đề quan trọng được nhắc đến cho quá trình phát triển này là định danh điện tử.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát trật tự hành chính xã hội, Bộ Công An cho biết, trong 2 năm vừa qua, Bộ Công An đã đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số. Bộ đã lưu giữ trên 98 triệu dữ liệu dân cư, trong đó nữ chiếm 50,3% nam chiếm 40,7%; dữ liệu thành thị là 30,3% và nông thôn 60,7%.

“Bộ Công An đã thành công trong cấp căn cước công dân gắn chip điện tử với 68 triệu căn cước công dân. Đây là quá trình quan trọng cho việc cấp định danh điện tử”, ông Dũng cho biết thêm.

Cũng nhằm phục vụ cho mục tiêu cấp định danh điện tử này, ngày 26/5 Bộ Công an sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng nghị định định danh điện tử và dữ liệu pháp lý cá nhân. Đây là 2 nghị định quan trọng cho việc bảo vệ dữ liệu cá nhân về sau.

Ảnh tác giả

“Người dân sau khi đăng ký được định danh điện tử sẽ giảm được các vấn đề giấy tờ đi lại, sao y công chứng, thủ tục đăng ký. Đối với doanh nghiệp sẽ tăng cường công khai minh bạch, giải quyết các bài toán ký hợp đồng điện tử. Cơ quan quản lý nhà nước giảm thủ tục giấy tờ để lưu trữ và kiểm soát. Như vậy sẽ tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý”.

Ông Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát trật tự hành chính xã hội

Trong khi đó, một trong những hệ quả nổi bật có thể ứng dụng định danh điện tử trong thực tế là chữ ký số. Vấn đề này được ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm chứng thực quốc gia, cho biết, chữ ký số xuất hiện hơn 10 năm nay có nhiều đồng bộ với sự phát triển công nghệ thông tin.

“Đây là tiền đề tốt để mỗi người dân sử dụng chữ ký số hội nhập thông lệ quốc tế. Nếu người dùng tăng cường sử dụng loại hình này sẽ có thể thúc đẩy các giao dịch an toàn trên không gian mạng”, ông Nghĩa phân tích thêm.

Tăng cường thương mại điện tử trong doanh nghiệp và người dân

Định danh điện tử cũng có liên quan mạnh mẽ đến nhiều khía cạnh của thương mại điện tử, trong đó có hợp đồng điện tử. Xét ở góc độ quốc gia trong giao dịch thương mại điện tử của các doanh nghiệp, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, lợi ích của hợp đồng điện tử đã được nhiều người biết đến nhưng loại hình này vẫn chưa phát triển mạnh dù được Chính phủ quan tâm.

“Ngoài thói quan sử dụng hợp đồng giấy thì còn nhiều trở ngại đến từ các quy định pháp lý. Do vậy, cần làm cuộc cách mạng để cải thiện câu chuyện này nhất là vấn đề xác thực điện tử. Phải làm sao hợp đồng điện tử cần được xác thực ngay tại thời điểm ký kết. Điều đó sẽ tăng tính tiện lợi, rút ngắn thủ tục và đặc biệt góp phần giải quyết tranh chấp thương mại”, ông Hải đặt vấn đề.

Ngoài ra, theo ông Hải việc bảo mật hợp đồng điện tử cũng cần lưu ý làm sao để bảo vệ thông tin, truy xuất dễ dàng.

“Bộ Công Thương đang xây dựng trục xác thực hợp đồng điện tử cho phép các nhà cung cấp xác thực chéo lẫn nhau và kết nối tất cả các đơn vị liên quan. Qua trục này cũng sẽ quản lý hợp đồng điện tử tốt hơn. Nếu làm được những việc trên sẽ đem lại lợi ích cho các bên và có nhiều cơ hội thành công trong tương lai”, ông Hải thông tin.

Còn ở góc độ nhỏ hơn là các giao dịch thanh toán của người dân và doanh nghiệp khi dùng các công cụ thanh toán điện tử, ông Nguyễn Bá Diệp, đại diện Kỳ lân công nghệ thanh toán MOMO đã đưa ra các đề xuất nhằm hướng tới thúc đẩy thanh toán số ở Việt Nam.

Ông Diệp cho biết, MOMO mong muốn được áp dụng định danh điện tử để truy cập dữ liệu của các khách hàng đang có để xác thực giấy tờ đảm bảo độ uy tín. Hiện nay, thanh toán thương mại điện tử là công cụ đơn giản nhất mà mọi người dân có thể sử dụng với chi phí thấp nhất.

Tuy nhiên, vừa rồi MOMO có thử áp dụng chữ ký số nhưng người dân vẫn còn lúng túng do vậy cần đơn giản hóa thủ tục hơn nữa.

Ảnh tác giả

“Ngoài ra truyền thông của Nhà nước cũng cần đẩy mạnh hơn hỗ trợ về mặt chính sách cho người dân thấy sự cần thiết, hữu ích chuyển đổi số trong thanh toán thương mại hay hơn thế nữa”.

Ông Nguyễn Bá Diệp, đại diện Kỳ lân công nghệ thanh toán MOMO

“Khi đến với khách hàng về khâu dịch vụ, MOMO luôn nhận được câu hỏi: Tôi có lợi gì khi chuyển đổi thanh toán số. Do đó, cơ chế hỗ trợ thuế của Nhà nước là rất quan trọng để họ nhìn thấy lợi ích sát sườn của mình”, ông Diệp nhận định.

Trong khi đó, ông Hà Thái Bảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty công nghệ của VNPT cũng đưa ra những thuận lợi, khó khăn trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Bên cạnh thuận lợi từ việc có được sự quyết tâm cao của Chính phủ, lan tỏa đến nhận thức của doanh nghiệp, người dân, thì doanh nghiệp cũng gặp khó khăn khi hàng lang pháp lý tuy có nhiều nhưng chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết trong từng ngành, từng lĩnh vực còn vướng mắc.

Về mặt dữ liệu, muốn giao dịch được cần có cơ sở dữ liệu hoàn thiện và chuyên ngành và có những quy định để chia sẻ hệ thống dữ liệu đó với các doanh nghiệp để tạo ra nhiều giá trị mới.

“Do vậy, chúng tôi đề xuất cần phải có các văn bản cụ thể chi tiết hướng dẫn trong từng ngành theo hướng lấy người dân làm trung tâm. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn để doanh nghiệp được kết nối, hỗ trợ, nhất là liên quan đến định danh điện tử, gần như doanh nghiệp hiện nay còn chưa rõ ràng về vấn đề này”, ông Bảo kiến nghị.

Tin liên quan

Đọc tiếp