Chủ tịch Quốc hội: Mạng xã hội giúp truyền thông các luật mới

pháp luật QUỐC HỘI
15:09 - 07/03/2024
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CTTĐT Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CTTĐT Quốc hội
0:00 / 0:00
0:00
Có TikToker lên sóng chỉ phân tích khoản 4 của Luật Đất đai về định nghĩa thế nào là người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài gốc Việt Nam mà thu hút hàng trăm nghìn lượt xem.

Đó là chia sẻ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về vai trò của mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, thông tin khi ông kết luận tại Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của kỳ họp thứ 6 và kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra sáng 7/3.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua 9 luật và 11 nghị quyết quan trọng, có tác động sâu rộng đến xã hội và chính sách kinh tế vĩ mô của đất nước. Nhất là với việc thông qua Luật Đất đai, Quốc hội đã hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng nhất của nhiệm kỳ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo đẩy mạnh truyền thông, thông tin kịp thời đến cử tri, nhân dân về kết quả các kỳ họp và về luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua. Việc rà soát, hoàn thiện về nội dung và kỹ thuật văn bản được chú trọng, triển khai sớm nên ngay sau khi luật, nghị quyết được thông qua, các cơ quan đã có thể trình Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực nhanh, đảm bảo công bố đúng quy định, làm căn cứ để tổ chức thi hành.

Theo Chủ tịch Quốc hội, các luật, nghị quyết bước đầu nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của nhân dân, cử tri, doanh nghiệp, đồng bào ở nước ngoài... “Tuy nhiên đây mới chỉ là bước đầu, còn trong quá trình tổ chức hướng dẫn, thực thi mới đánh giá hết được chất lượng các luật, nghị quyết,” Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng trước những chuyển biến tích cực trong công tác triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội. Ông lấy ví dụ Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi, với quy mô lớn và nhiều nội dung cần hướng dẫn. Bộ Y tế đã kịp thời trình Chính phủ ban hành một nghị định quy định chi tiết các nội dung. Vấn đề đấu thầu thuốc, vật tư y tế không nằm trong quy định của Luật Khám, chữa bệnh mà thuộc Luật Đấu thầu. Các cơ quan sau đó vào cuộc tích cực và ban hành nghị định vào tháng 2/2024 để tháo gỡ các điểm nghẽn trong vấn đề này.

Một điểm mới trong công tác tuyên truyền mà Chủ tịch Quốc hội ấn tượng là sự tham gia của mạng xã hội. “Tôi theo dõi có nhiều TikToker, blogger nói về các dự án luật mới ban hành, đặc biệt là Luật Đất đai. Có TikToker chỉ lên sóng phân tích khoản 4 của Luật Đất đai định nghĩa thế nào người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài gốc Việt Nam mà thu hút hàng trăm nghìn lượt người xem,” Chủ tịch Quốc hội nói.

Ông ví dụ thêm chuyện hiệu ứng truyền thông xã hội với bộ phim Đào, Phở và Piano; qua đó lưu ý Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cần nghiên cứu kỹ hiện tượng này.

Kiên quyết xử lý “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong thi hành pháp luật

Nêu rõ các kết quả triển khai thi hành luật, nghị quyết là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên theo Chủ tịch Quốc hội, đây mới chỉ là bước đầu. Khối lượng công việc cần tiếp tục thực hiện là rất lớn, đặc biệt nhiều luật của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ bất thường thứ 5 có số lượng điều luật, nội dung giao Chính phủ, các cơ quan quy định vừa nhiều, vừa khó, vừa đòi hỏi cao về tiến độ. Điều đó đòi hỏi sự tập trung, nỗ lực, quyết tâm rất lớn của các cơ quan.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bám sát những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể về triển khai đối với từng luật, nghị quyết; sớm ban hành danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành và phân công cụ thể cơ quan chủ trì soạn thảo, gắn với thời hạn hoàn thành. Tiếp tục ban hành các kế hoạch triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội; bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Nghiên cứu biên soạn, xuất bản sách “Luật Đất đai – Hỏi và Đáp” để đáp ứng yêu cầu phổ biến, tuyên truyền pháp luật. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ bằng các hình thức phù hợp cho đội ngũ công chức được giao tổ chức thi hành, nhất là đối với các luật chuyên ngành có nhiều nội dung mới, phức tạp như Luật Viễn thông, Luật Căn cước, Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng,…

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác thi hành pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm và tính chủ động, tích cực của đội ngũ công chức, gắn với tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong thi hành pháp luật.

Tin liên quan

Đọc tiếp