Định giá nhóm VN30 đang ở vùng hợp lý, cổ phiếu nào thực sự hấp dẫn?

VN30 CHỨNG KHOÁN
06:00 - 13/10/2022
Chỉ số VN30 kết phiên 12/10 ở mốc 1.034 điểm.
Chỉ số VN30 kết phiên 12/10 ở mốc 1.034 điểm.
0:00 / 0:00
0:00
Định giá P/B trung bình của nhóm VN30 đã giảm khoảng 20% so với thời điểm trước đại dịch và có trên 70% cổ phiếu hiện ghi nhận giá rẻ hơn so với thời điểm đó. Phần lớn mức giảm tập trung ở nhóm ngân hàng.

So với sự sụt giảm của VN-Index, VN30 còn tụt dốc nhanh hơn. Tính từ vùng 1.542 điểm hồi cuối tháng 3/2022 tới nay, chỉ số nhóm vốn hoá lớn đã giảm tới 508 điểm, tương đương giảm 33%. Hầu như các cổ phiếu đều giảm giá mạnh, đặc biệt là những mã ngân hàng vốn chiếm quân số đông nhất trong rổ VN30.

Tính từ đầu năm đến nay, TCB của Ngân hàng Techcombank giảm 50%, từ vùng giá 49.000 đồng xuống 25.000 đồng. TPB của TPBank cũng giảm 50%, từ vùng giá 41.000 đồng xuống 20.000 đồng. VPB (VPBank) giảm 33%, MBB (MBBank) giảm 26%, BID (BIDV) giảm 25%, CTG (VietinBank) giảm 36% và ACB giảm 31%...

Nhiều mã bluechip khác cũng giảm mạnh như SSI của Chứng khoán SSI giảm 63%, từ vùng giá 46.000 đồng xuống còn 17.000 đồng. HPG của Tập đoàn Hoà Phát giảm gần 50%, từ vùng giá 35.000 đồng xuống 18.000 đồng. KDH của Nhà Khang Điền giảm 46%, từ vùng giá 48.000 đồng xuống 26.000 đồng.

VIC của Tập đoàn Vingroup giảm 41%, từ vùng giá 100.000 đồng xuống còn 60.000 đồng. MSN của Tập đoàn Masan giảm 41%, từ vùng giá 135.000 đồng xuống 81.000 đồng. VHM của Vinhomes giảm 37%, từ vùng giá 83.000 đồng xuống còn 52.000 đồng...

Trong nhóm, chỉ có một vài mã có sức chống đỡ tốt trước sự biến động của thị trường trong 9 tháng qua. Duy nhất một cổ phiếu tăng giá là SAB của Sabeco. Mã này hiện giao dịch ở vùng giá 183.000 đồng, tăng 21% so với đầu năm. Còn NVL của Novaland, MWG của Thế giới Di động, BVH của Tập đoàn Bảo Việt, GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam tuy có giảm so với thời điểm đầu năm nhưng biên độ không lớn.

Các cổ phiếu trong rổ VN30 luôn nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư bởi đây đều là các doanh nghiệp đầu ngành, thanh khoản lớn. Nhóm này cũng là động lực lớn để chỉ số chung của thị trường có thể bứt phá. Vậy với mức chiết khấu khá sâu như hiện tại, những bluechip trong nhóm này đã đủ hấp dẫn để thu hút dòng tiền trở lại?

So với thời điểm đầu năm, SSI đang là mã giảm giá mạnh nhất trong nhóm VN30.

So với thời điểm đầu năm, SSI đang là mã giảm giá mạnh nhất trong nhóm VN30.

Đã xuất hiện một số cổ phiếu ở vùng giá hấp dẫn

Trong báo cáo Chiến lược đầu tư cổ phiếu dài hạn cập nhật ngày 9/10 vừa qua, Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) sử dụng phương pháp P/B để định giá các nhóm cổ phiếu.

Agriseco Research cho rằng phương pháp này phù hợp hơn phương pháp P/E và P/S do nhiều doanh nghiệp trong giai đoạn gần đây trải qua đỉnh chu kỳ của hoạt động kinh doanh, hoặc ghi nhận các khoản lợi nhuận một lần/lợi nhuận khác có thể không phản ánh chính xác mức lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Agriseco Research lấy thời điểm cuối năm 2019 làm mốc so sánh do đây là thời điểm trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn tương đối ổn định. Còn ở hiện tại, nền kinh tế đang quay trở lại trạng thái bình thường mới, một số doanh nghiệp bắt đầu ghi nhận hiệu quả kinh doanh khả quan hơn thời điểm trước dịch; lãi suất có thể tăng cao trong giai đoạn tới nhằm kiềm chế lạm phát.

Kết quả tại nhóm VN30 cho thấy, có 22/30 cổ phiếu đang ghi nhận định giá P/B hiện tại thấp hơn so với thời điểm trước Covid-19, mặc dù vậy, chỉ 14/30 doanh nghiệp ghi nhận tình hình hiệu quả kinh doanh khả quan hơn so với thời điểm đó.

Nhìn tổng quan toàn bộ rổ cổ phiếu VN30, mức định giá P/B trung bình của 30 cổ phiếu hiện tại là 2,21 lần; thấp hơn so với thời điểm cuối năm 2019 là 2,73 lần. Tuy nhiên ROE bình quân của 30 cổ phiếu là khoảng 17,5%, thấp hơn so với mức 19,8% trước khi Covid-19 xuất hiện.

Mặc dù định giá P/B trung bình của nhóm VN30 đã giảm khoảng 20% so với trước dịch và có trên 70% cổ phiếu đã ghi nhận mức giá rẻ hơn so với trước Covid-19. Tuy nhiên phần lớn mức giảm tập trung ở nhóm ngân hàng, trong khi mức định giá của các nhóm ngành khác chưa giảm quá nhiều hoặc mức giảm phù hợp với hiệu quả kinh doanh gần đây.

Do vậy, Agriseco Research cho rằng, định giá của nhóm cổ phiếu trong VN30 đang ở vùng hợp lý và đã xuất hiện một số cổ phiếu ở vùng giá hấp dẫn. Một số cổ phiếu tiềm năng từ danh sách trên bao gồm: BVH, HDB, GAS, HPG, KDH, SAB, TPB.

Về chỉ số VN-Midcap (nhóm cổ phiếu các doanh nghiệp quy mô vừa phải, có vốn hóa ở mức trung bình từ 1.000 tỷ đồng đến 10.000 tỷ đồng) đã điều chỉnh hơn 40% kể từ khi tạo đỉnh vào đầu năm nay, tuy nhiên vẫn còn 67% số cổ phiếu đang có định giá P/B đắt hơn định giá tại thời điểm trước dịch Covid-19.

Đáng chú ý, 63% số cổ phiếu trong rổ VN-Midcap hiện đang ghi nhận hiệu quả kinh doanh chưa cải thiện so với trước khi có dịch Covid-19, điều này có nghĩa khá nhiều cổ phiếu trong rổ cổ phiếu này hiện có định giá cao hơn nhiều so với hiệu quả kinh doanh thực tế.

Vì vậy, Agriseco Research cho rằng, định giá P/B trung bình các cổ phiếu trong rổ VN-MidCap hiện vẫn còn đắt đỏ và cơ hội đầu tư chưa xuất hiện nhiều. Một số cổ phiếu tiềm năng trong danh sách trên bao gồm: PNJ, PTB, SCS, VCG.

Chia sẻ tại chương trình Phố Tài chính mới đây, ông Huỳnh Minh Tuấn - Founder FIDT, Giám đốc Môi giới Hội sở Chứng khoán Mirae Asset cũng nhận định, cơ hội đầu tư trong thời gian tới nằm ở nhóm VN30.

Đối với nhóm tài chính, ông Tuấn cho rằng nhà đầu tư có thể nhắm đến những ngân hàng đang ở P/B ở mức 1 hoặc dưới 1 và đánh giá được giá trị sổ sách chất lượng, tức là mức độ nợ xấu trong phạm vi cho phép.

Nhóm thứ hai là những nhóm ngành mà ít bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế như ngành tiện ích, nhóm ngành điện, năng lượng. Tuy nhiên, nhóm này lại đang có giá ở mức trung bình so với thị trường, chưa thực sự hấp dẫn.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.