Doanh nghiệp '4 tháng tuổi' nắm quyền chi phối Vinaconex

VINACONEX Xây dựng
13:24 - 01/03/2022
Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex.
Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex.
0:00 / 0:00
0:00

Vinaconex vừa chính thức trở thành công ty con của CTCP Pacific Holdings. Đây là công ty mới được thành lập cách đây 4 tháng với vốn điều lệ 7.100 tỷ đồng.

Công ty TNHH An Quý Hưng - công ty mẹ của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán VCG) vừa hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ gần 278 triệu cổ phiếu VCG, tương đương 62,9% vốn điều lệ theo phương thức thoả thuận. Sau giao dịch, An Quý Hưng không còn nắm cổ phiếu nào của Vinaconex.

Bên nhận chuyển nhượng là CTCP Đầu tư Pacific Holdings. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của doanh nghiệp này tại Vinaconex đã tăng lên 62,9%, đồng nghĩa với việc thay thế An Quý Hưng trở thành công ty mẹ của Vinaconex. Tạm tính theo thị giá trung bình của VCG vài phiên gần đây là 44.000 đồng/cp thì lô cổ phiếu chuyển nhượng có giá trị hơn 12.322 tỷ đồng.

Pacific Holdings được thành lập vào ngày 12/11/2021 với lĩnh vực hoạt động chính là kinh doanh bất động sản, người đại diện pháp luật là ông Trần Đình Tuấn, sinh năm 1978. Với vốn điều lệ 7.100 tỷ đồng, riêng An Quý Hưng đã góp 7.094 tỷ và sở hữu 99,9% vốn. Các cổ đông còn lại đều là những cá nhân hiện đang góp mặt trong Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban lãnh đạo Vinaconex: Chủ tịch HĐQT - ông Đào Ngọc Thanh; Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc - ông Nguyễn Xuân Đông; Thành viên HĐQT - ông Dương Văn Mậu và Thành viên HĐQT - ông Nguyễn Hữu Tới.

Vinaconex hiện trực thuộc Pacific Holdings.

Vinaconex hiện trực thuộc Pacific Holdings.

Trước đó, An Quý Hưng trở thành công ty mẹ của Vinaconex từ cuối năm 2018, sau khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) bán ra 255 triệu cổ phần (57,71% vốn) Vinaconex, chính thức rút khỏi tổng công ty xây dựng lớn này. Khi đó, An Quý Hưng đã hào phóng chi cao hơn 2.000 tỷ đồng so với mức giá khởi điểm của SCIC và trở thành nhà đầu tư trả giá cao nhất. Tổng giá trị thương vụ này lên tới 7.367 tỷ đồng.

Không chỉ gây chú ý bởi số tiền mà thương vụ còn gây chú ý khi đó bởi An Quý Hưng vốn là cái tên khá lạ lẫm và nhỏ bé. Vốn điều lệ công ty cuối năm 2018 là 500 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông cũng rất hẹp khi ông Nguyễn Xuân Đông nắm giữ 78,4% cổ phần và vợ ông Đông - bà Đỗ Thị Thanh nắm giữ phần còn lại. Trong khi đó, vốn hoá của Vinaconex lên tới 12.000 tỷ đồng, tổng tài sản tính đến cuối 2018 cũng vượt 20.000 tỷ.

Sau khi về tay An Quý Hưng, tình hình kinh doanh của Vinaconex đến nay vẫn chưa có nhiều đột phá. Năm 2021, công ty đạt 5.742 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi sau thuế gần 531 tỷ; tăng trưởng 3,4% về doanh thu nhưng giảm gần 70% về lợi nhuận. Sự sụt giảm này chủ yếu đến từ việc trong năm 2020, Vinaconex đã lãi hơn 2.805 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng công ty con, công ty liên doanh và liên kết; trong khi 2021 chỉ thu về gần 246 tỷ đồng từ hoạt động này.

Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản của Vinaconex là 31.194 tỷ đồng, tăng 60% so với đầu năm. Tuy nhiên nợ phải trả của công ty đã tăng 90% lên 23.554 tỷ đồng, cao gấp 3 lần vốn chủ sở hữu và chiếm khoảng 75% nguồn vốn. Chỉ tiêu biến động mạnh nhất đến từ các khoản vay và nợ thuê tài chính.

Tin liên quan

Đọc tiếp