Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy cho rằng thị trường EU nhiều rào cản

CHÍNH SÁCH Việt nAM
14:25 - 27/10/2021
Doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng hiệp định EVFTA khá hiệu quả.
Doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng hiệp định EVFTA khá hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00
"Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy rằng thị trường EU nhiều rào cản. Đó không phải rào cản, mà là tiêu chuẩn doanh nghiệp cần nâng cấp để phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh".

Phát biểu tại diễn đàn thương mại Việt Nam - EU: EVFTA - Sức bật cho hợp tác thương mại đầu tư trong bối cảnh bình thường mới, ông Lê Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương nhận định sau một năm thực thi EVFTA, không thể phủ định những kết quả tích cực trong thương mại song phương.

Về kim ngạch thương mại, sau một năm thực thi EVFTA, thương mại song phương Việt Nam - EU đạt 54,87 tỷ USD, tăng 12,1% so với giai đoạn cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 38,48 tỷ USD, tăng 11,3%, kim ngạch nhập khẩu đạt 16,39 tỷ USD, tăng 14,04%.

Tính đến hết tháng 9 năm 2021, thương mại song phương Việt Nam - EU vẫn ghi nhận tăng trưởng khả quan với kim ngạch 41,3 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 28,85 tỷ USD, tăng 11,7%, kim ngạch nhập khẩu đạt 12,4 tỷ USD, tăng 17,6%.

Ông Lê Chung Khanh cho biết các hiệp định thương mại như CPTPP trước đây và EVFTA hiện nay đã đặt ra những yêu cầu phải sửa đổi nhiều văn bản luật để phục vụ thực thi các cam kết là mới đối với Việt Nam, nhưng cho đến nay, đánh giá sơ bộ Việt Nam làm khá nghiêm túc và bài bản.

“Chính phủ và hầu như các địa phương đã có kế hoạch thực thi riêng. Tất cả các văn bản pháp luật cần ban hành, sửa đổi để thực thi FTA thì chúng ta đều đã làm. Các vấn đề khó hơn như lao động, môi trường chúng ta cũng đang xử lý quyết liệt. Điều này cho thấy tất cả những gì ta làm đã phần nào đem đến kết quả về mặt pháp lý” - ông Khanh nhấn mạnh.

Theo báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, ước tính trên cả nước, năm qua đã có hơn 300 hội thảo, khóa tập huấn được tổ chức liên quan đến EVFTA. Ước tính trung bình mỗi địa phương, Bộ, ngành đều có hội thảo. Bên cạnh đó là các sự kiện trực tuyến và việc thành lập cổng thông tin điện tử về EVFTA như một kênh kết nối trực tuyến cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn một số rủi ro. Chẳng hạn, EU hiện đang có chủ trương đa phương hóa quan hệ FTA, không chỉ ở châu Á mà còn nhiều khu vực khác. Đây sẽ là thách thức dài hạn với Việt Nam trong việc tận dụng lợi thế từ hiệp định thương mại song phương EVFTA.

"EU đang khởi động hoặc đã trong quá trình đàm phán FTA với 4 nước thành viên khác của ASEAN là Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Philippines. Cả 4 quốc gia này đều có mặt hàng cạnh tranh trực tiếp với hàng xuất khẩu Việt Nam" - ông Khanh cho biết.

Ông Khanh nhấn mạnh thêm, nếu nói một cách hình ảnh, ví EU là một miếng bánh lớn, thì càng đến sớm càng có lợi thế. Dù ta không ăn được hết miếng bánh, nhưng ta càng đi chậm càng mất lợi thế khi nhiều người khác cùng tham gia vào thị trường. Ngay cả khi ta đến sớm, nếu ăn không hiệu quả miếng bánh, ta hoàn toàn có thể bị người khác ăn mất. Vấn đề ở đây là làm sao để đẩy nhanh quá trình tận dụng EVFTA một cách hiệu quả nhất.

Ông Lê Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương

Ông Lê Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương

Doanh nghiệp chưa thoát khỏi tâm lý an toàn

Vụ phó Vụ Chính sách Thương mại đa biên Lê Chung Khanh nhận định sau 1 năm kể từ khi thực thi EVFTA, có dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng hiệp định này khá hiệu quả.

Theo số liệu Thứ trưởng Đặng Hoàng An cung cấp, các cơ quan, tổ chức được uỷ quyền cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp khoảng 207.682 chứng nhận C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch đạt khoảng 7,71 tỷ USD đi 27 quốc gia thành viên khối EU. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho 6.115 lô hàng được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.

Tuy nhiên, ông Khanh đánh giá dư địa tận dụng EVFTA còn rất nhiều, thị phần xuất khẩu của các tỉnh thành vào thị trường EU vẫn còn rất khiêm tốn. “Doanh nghiệp ta còn quá chú trọng các thị trường truyền thống, chưa đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường FTA. Lý do đầu tiên là nhiều doanh nghiệp nhìn nhận EU như một thị trường tiêu chuẩn cao, để xâm nhập thị trường một cách bền vững là không đơn giản, cần thời gian phát triển năng lực cạnh tranh bền vững. Nguyên nhân thứ hai, doanh nghiệp chưa thoát khỏi tâm lý an toàn, chỉ muốn tập trung vào các thị trường và đối tác quen thuộc mà chưa chủ động mở rộng ra thị trường mới”.

“EU là một thị trường có tiêu chuẩn kỹ thuật cao, nhưng cần phân biệt tiêu chuẩn kỹ thuật với rào cản kỹ thuật. Tiêu chuẩn kỹ thuật là các biện pháp phi thuế quan để kiểm soát hàng hóa xuất khẩu vào một thị trường như tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm…, nhằm đảm bảo quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng trong nước. Mỗi quốc gia có hệ thống tiêu chuẩn riêng, miễn là các tiêu chuẩn đó dựa trên cơ sở khoa học rõ ràng thì ta đều cần tuân thủ nếu muốn tiến sâu vào thị trường" - ông Khanh nhấn mạnh.

"Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy rằng thị trường EU nhiều rào cản. Đó không phải rào cản, mà là tiêu chuẩn doanh nghiệp cần nâng cấp để phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh” - Vụ phó Vụ Chính sách Thương mại đa biên Lê Chung Khanh.

Đồng quan điểm với ông Lê Chung Khanh, bà Nguyễn Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển nhận định thị trường Bắc Âu nói riêng và châu Âu nói chung còn rất nhiều dư địa phát triển. “Tổng nhập khẩu hàng hóa Việt Nam của Bắc Âu trong năm 2020 mới đạt 2 tỷ Euro, do đó đánh giá Bắc Âu là thị trường tiềm năng và còn nhiều dư địa khai thác cho doanh nghiệp Việt”.

Theo bà Thúy, một khó khăn lớn cho doanh nghiệp Việt khi thâm nhập thị trường Bắc Âu là quy mô thị trường nhỏ nên đơn hàng nhỏ, tiêu chuẩn thị trường khắt khe và vị trí địa lý xa xôi. Do đó xảy ra tình trạng doanh nghiệp lớn không mặn mà với thị trường, doanh nghiệp nhỏ muốn xuất khẩu vào thị trường thì không đáp ứng được các tiêu chuẩn.

“Thực tế là doanh nghiệp nhập khẩu Bắc Âu thường nhập hàng Việt Nam thông qua các đầu mối ở châu Âu như Ba Lan, Hà Lan, Pháp, Đức, Bỉ. Hàng Việt Nam tại Bắc Âu có độ hiện diện ngày càng tăng nhưng kim ngạch nhập khẩu trực tiếp hàng Việt Nam của Bắc Âu thì tăng rất khiêm tốn” - bà Thúy nói.

Để tận dụng dư địa lớn của EVFTA, bà Nguyễn Hoàng Thúy cho rằng doanh nghiệp nên quan tâm đến các thị trường ngách, đi vào các phân khúc thị trường đặc biệt, tuy nhỏ nhưng ít cạnh tranh, hoặc phân khúc có giá trị cao, phù hợp với xu hướng tiêu dùng trong khu vực.

Cụ thể xu hướng tiêu dùng gần đây của dân cư Bắc Âu là quan tâm đến vấn đề môi trường, thực phẩm hữu cơ, các sản phẩm tiện ích, đơn giản, sử dụng nguyên vật liệu tái chế, có nhãn mác và chứng nhận chất lượng rõ ràng. Theo bà Thúy, người tiêu dùng Bắc Âu sẵn sàng trả giá cao hơn 20-30% cho các sản phẩm có đầy đủ chứng nhận chất lượng.

Tin liên quan

Đọc tiếp