Doanh nghiệp FDI 'kêu' gì?

ĐẦU TƯ Việt nAM
18:05 - 02/12/2021
Doanh nghiệp FDI 'kêu' gì?
0:00 / 0:00
0:00
"Giải quyết thách thức - cả về lao động và nhập cảnh - không phải là điều bản thân doanh nghiệp làm được", quan điểm của ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM).

Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 11 của Tổng cục Thống kê (TCTK) mới đây, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam tính đến 20/11 đạt 26,46 tỷ USD, tăng nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, vốn FDI đăng ký mới đạt gần 14,1 tỷ USD, tăng 3,76%; vốn điều chỉnh thêm đạt trên 8 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ.

Dù vốn FDI thực hiện ước đạt 17,1 tỷ USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng điều này hoàn toàn dễ hiểu trong bối cảnh làn sóng đại dịch COVID-19 thứ tư làm gián đoạn một số hoạt động kinh tế.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dần phục hồi sau hơn 1 tháng thực hiện nghị quyết 128 của Chính phủ, MEKONG ASEAN đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM) về giải pháp kích phát tiềm năng dòng vốn FDI, tạo thêm xung lực cho phục hồi kinh tế.

Ông có nhận định gì về bức tranh đầu tư nước ngoài 11 tháng đầu năm 2021?

Nghị quyết 128 gần đây cho thấy sự nỗ lực của cả hệ thống chính quyền từ Trung ương đến địa phương trong việc phục hồi kinh tế nói chung và thúc đẩy bình thường hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư FDI nói riêng, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, tin tưởng FDI sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Về vấn đề FDI thực hiện giảm, theo tôi nó phản ánh thách thức lớn nhất với doanh nghiệp và dòng vốn FDI lúc này là vấn đề nhập cảnh của chuyên gia.

Một doanh nghiệp muốn khôi phục hoạt động sản xuất không chỉ đơn giản là mở cửa trở lại nhà máy, mà còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như chuyên gia nghiên cứu, nhà khoa học, chuyên gia kỹ thuật… Ví dụ sản xuất điện thoại hàng năm thay đổi bao nhiêu mẫu mã chủng loại, thế thì phải thiết kế lại dây chuyền sản xuất thường xuyên, phải bảo trì bảo hành… Những công việc đó đều cần các lực lượng chuyên môn có trình độ như chuyên gia, nhà khoa học từ cả trong và ngoài nước.

Việc nhập cảnh bị hạn chế ảnh hưởng đến các chuyên gia, nhà khoa học vào Việt Nam, nên tôi cho rằng cũng đã có tác động đến FDI thực hiện.

Về kiến nghị để giải quyết các thách thức này, ông có ý kiến như thế nào thưa ông?

Về vấn đề nhập cảnh của chuyên gia, tôi kiến nghị Chính phủ sớm có cơ chế linh hoạt hơn và thủ tục đơn giản hơn cho lực lượng chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Việt Nam hiện đang được định vị như nhà máy sản xuất cung ứng của thế giới, nếu các động thái như đóng cửa hay hạn chế nhập cảnh tiếp diễn thì không chỉ Việt Nam bị ảnh hưởng mà toàn bộ chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu ảnh hưởng.

Tất nhiên phải đảm bảo an toàn cho người dân và phòng chống nguy cơ dịch bệnh lây lan thông qua đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, nhưng cũng cần xác định sống chung với dịch bệnh vì đóng kín không phải giải pháp lâu dài, nó sẽ tác động lớn đến nền kinh tế trong tương lai.

Cụ thể, tôi đề xuất cho phép nhập cảnh những người đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine, xét nghiệm PCR trước và sau khi nhập cảnh, thậm chí xét nghiệm hàng ngày. Theo tôi như vậy là rất an toàn.

Có nhiều quan ngại về biến chủng COVID mới là Omicron nhưng lúc này còn quá sớm để đánh giá tính nghiêm trọng của nó. Phản ứng thận trọng là tốt nhưng phải hài hòa với tăng trưởng kinh tế, đảm bảo không gián đoạn các hoạt động kinh tế - xã hội để duy trì động lực tăng trưởng, duy trì sinh kế, việc làm cho người dân và doanh nghiệp.

Có một thách thức khác là vấn đề lao động. Sau làn sóng người lao động đổ về quê thời gian qua, một bộ phận lớn đã quay trở lại nhưng chưa đầy đủ. Chưa kể, có sự xáo trộn trong lực lượng lao động. Có người quay lại làm chỗ cũ, có người tìm kiếm công việc khác. Một phần không quay trở lại do họ lo lắng ở thành phố thu nhập cao nhưng chi phí cũng rất cao, nếu quay trở lại mà bị đóng cửa một lần nữa thì không đủ điều kiện sống một cách an toàn và ổn định.

Ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM)

Ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM)

Theo tôi Chính phủ cũng cần có chính sách, cơ chế đồng bộ, nhất quán để tăng niềm tin cho người lao động, đảm bảo tình trạng đóng cửa sẽ không tiếp tục lặp lại. Đóng cửa lần 1, lần 2 người lao động còn có thể chịu đựng chứ đến lần 3, lần 4 thì khả năng chịu đựng không còn.

Theo ông, các doanh nghiệp FDI cần làm gì để khắc phục các thách thức, đặc biệt vấn đề thu hút lao động?

Doanh nghiệp FDI, kể cả những tập đoàn lớn, tập đoàn đa quốc gia trong thời gian qua đã nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì lực lượng lao động, nhưng khó có khả năng nuôi 100% lực lượng lao động.

Có tập đoàn lớn hàng tháng phải chi trả tới 6 triệu USD phí duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bao gồm cả trả lương người lao động. Dịch COVID-19 khiến doanh nghiệp phải chịu những chi phí không ai mong muốn. Khi khôi phục trạng thái bình thường mới, doanh nghiệp FDI cũng có cơ chế khuyến khích về chế độ để thu hút người lao động, nhưng đó cũng chỉ là một phần.

Giải quyết thách thức - cả về lao động và nhập cảnh của chuyên gia - không phải là điều bản thân doanh nghiệp làm được. Nhà nước cần có cơ chế chính sách rõ ràng tương tự như Nghị quyết 128, rồi thực hiện đồng bộ nhất quán từ Trung ương đến địa phương chứ không phải thay đổi chính sách thường xuyên, hoặc địa phương này áp dụng thế này địa phương khác áp dụng lại khác đi.

Ông có kiến nghị gì để kích phát tiềm năng và nguồn lực FDI vào Việt Nam, phục vụ quá trình phục hồi và tăng trưởng hậu đại dịch?

Chắc chắn FDI là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng để tạo động lực cho nền kinh tế, không chỉ kinh tế Việt Nam mà các nền kinh tế khác cũng vậy.

Mỹ là quốc gia giàu nhất thế giới nhưng Chính phủ Mỹ vẫn rất ưu tiên vốn đầu tư nước ngoài, xác định đó là động lực cho nền kinh tế và giải pháp giải quyết một phần vấn đề lao động.

Samsung gần đây quyết định đầu tư hơn 20 tỷ USD để xây dựng nhà máy ở bang Texas, Mỹ là bởi vì cả chính quyền bang và Nhà Trắng đều đưa ra các ưu đãi rất hấp dẫn. Tương tự như vậy, Việt Nam cũng có thể xem xét tiếp tục tung ra các ưu đãi hấp dẫn hơn với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng.

Việc xây dựng thêm các ưu đãi không phải chỉ mang lại lợi ích riêng cho doanh nghiệp, mà còn giải quyết vấn đề công ăn việc làm, thúc đẩy sự phát triển của địa phương và mang lại lợi ích cho toàn ngành kinh tế - từ các lĩnh vực năng lượng, nhà máy sản xuất cho đến bất động sản…

Nhìn chung, tiềm năng thu hút FDI của Việt Nam là rất lớn, và bản thân cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng cam kết sẽ đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam, tiếp tục tăng cường đầu tư những dự án tiếp theo.

Chẳng hạn Samsung dự kiến sẽ hoàn thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển riêng tại Hà Nội với quy mô đầu tư lên tới 220 triệu USD vào cuối năm 2022. Về phía Chính phủ, cũng cần có chính sách ứng phó hài hòa, quan tâm đến nhu cầu doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng để đảm bảo phục hồi kinh tế và phát triển toàn diện.

Về kiểm soát chất lượng doanh nghiệp FDI và kết nối hiệu quả tạo sự lan toả tốt hơn từ FDI với khu vực doanh nghiệp trong nước cũng là một nhu cầu quan trọng đối với những nhà điều hành chính sách, ông nhận định gì về việc này?

Sự lan tỏa của khu vực doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước thời gian qua khá tích cực, chẳng hạn thể hiện qua sự phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ.

Còn về vấn đề chất lượng dự án, thực tế Việt Nam hiện đã có quy chế pháp lý rất rõ để kiểm soát dự án FDI trên nhiều phương diện như tác động môi trường, công nghệ...

Tất nhiên tổng thể khoảng 100 dự án đầu tư thì sẽ có 1 hay 2 dự án chất lượng không được tốt hoặc gây hệ lụy môi trường, nhưng ta không sợ vì pháp luật đã có cơ chế xử lý cụ thể, cứ thế mà áp dụng. Dù doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp FDI một khi vi phạm đều bị xử lý bình đẳng như nhau.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tại cuộc gặp gỡ báo chí gần đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) Trần Quốc Phương bày tỏ sự lạc quan về triển vọng FDI trong năm 2022 khi Nghị quyết 105 và Nghị quyết 128 tiếp tục phát huy tác dụng tích cực trong thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Bên cạnh đó các chuyến công du nước ngoài của các nhà lãnh đạo đất nước gần đây đều gắn liền với việc xúc tiến đầu tư. Chẳng hạn, khoảng 44 thỏa thuận hợp tác, trị giá hàng tỷ USD đã được ký kết xoay quanh Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cuối tháng 11.

“Đầu tư vào Việt Nam chắc chắn sẽ tốt hơn trong thời gian tới, nhất là năm 2022”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.