"Chính phủ bỏ tiền của, công sức đàm phán FTA nhưng doanh nghiệp FDI hưởng lợi lớn nhất"

Thương Mại Việt nAM
11:00 - 04/11/2021
"Chính phủ bỏ tiền của, công sức đàm phán FTA nhưng doanh nghiệp FDI hưởng lợi lớn nhất"
0:00 / 0:00
0:00
"Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng là do sự đóng góp chủ yếu của doanh nghiệp FDI, xuất siêu cũng là do doanh nghiệp FDI quyết định”, TS.Lê Quốc Phương nhận định.

Trong khu vực châu Á, tính đến nay, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU).

Hiệp định khung về Đối tác và Hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU được ký vào ngày 27/06/2012 tại Brussel. Vào năm 2018, hiệp định này được tách ra thành hai hiệp định con là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA). Cả hai được phê chuẩn bởi Nghị viện châu Âu vào ngày 12/02/2020 và được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào ngày 08/06/2020.

Ngày 30/03/2020, Hội đồng châu Âu cũng đã thông qua hiệp định EVFTA. Hiệp định chính thức có hiệu lực từ ngày 01/08/2020. Đối với EVIPA, về phía EU, hiệp định này sẽ còn phải được sự phê chuẩn tiếp bởi Nghị viện của tất cả 27 nước thành viên EU (sau khi Vương quốc Anh hoàn tất Brexit) mới có hiệu lực.

Đến năm 2035, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU dự kiến tăng 18%

Những năm gần đây, EU là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 17 của EU. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy trong 2 thập kỷ qua, thương mại Việt Nam - EU đã tăng trưởng rất nhanh chóng.

Cụ thể, giai đoạn 2000-2020, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU đã tăng hơn 13,7 lần, từ mức 4,1 tỷ USD lên xấp xỉ 50 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 14,8 lần (từ 2,8 tỷ USD lên 35,13 tỷ USD), nhập khẩu vào Việt Nam từ EU tăng hơn 11,4 lần (1,3 tỷ USD lên 14,64 tỷ USD).

Ảnh: Bộ Công Thương

Ảnh: Bộ Công Thương

Ảnh: Bộ Công Thương

Ảnh: Bộ Công Thương

Tính riêng năm 2020, theo số liệu phân tích từ Eurostat, tỷ trọng hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam của một số nước EU như sau: Đức (2%), Hà Lan (2,2%), Pháp (2,1%), Italia (1,9%)... đặc biệt một số quốc gia có tỷ lệ nhập khẩu hàng từ Việt Nam đạt mức khá cao như Áo (8%), Slovakia (7,4%). Điều này cho thấy hàng hóa Việt Nam ngày càng có chỗ đứng và thương hiệu tại thị trường EU, nhất là sau khi hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực.

Ảnh: Bộ Công Thương

Ảnh: Bộ Công Thương

Theo dự báo, từ thời điểm chính thức thực thi EVFTA đến năm 2035, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU có thể tăng khoảng 18%, tương đương 8 tỷ Euro khi giá trị xuất khẩu các mặt hàng như nông thủy sản, rau quả nhiệt đới, cũng như các mặt hàng công nghiệp chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ tăng lên.

Trong dài hạn, hiệp định EVFTA được mong đợi sẽ thúc đẩy các cơ hội thương mại và đầu tư giữa hai bên. Thông qua quan hệ thương mại và đầu tư với EU, Việt Nam kỳ vọng sẽ có những cải thiện về năng lực công nghệ, năng lực quản trị, từng bước chuẩn hóa, nâng cấp các quy trình sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản gắn với chuỗi giá trị toàn cầu.

Hiệp định EVFTA: nhiều cơ hội nhưng không phải “cây đũa thần”

Thực tế, sau hơn 1 năm EVFTA chính thức có hiệu lực, báo cáo do Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thực hiện dưới sự hỗ trợ của Viện Konrad - Adenauer - Stiftung (KAS) tại Việt Nam đã chỉ ra rằng EVFTA có tác động đáng kể đến kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - EU cũng như chính sách, thể chế tại Việt Nam. Cụ thể, trong năm đầu tiên EVFTA có hiệu lực (từ 01/08/2020 đến 31/07/2021), kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 39,8 tỷ USD, tăng 6,2% còn kim ngạch nhập khẩu đạt 16,51 tỷ USD, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng vẫn còn nhiều thách thức và dư địa lớn với Việt Nam trong việc tận dụng và khai thác tiềm năng khổng lồ từ EVFTA.

TS. Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương nhận định: “Việt Nam hiện có thể tạm coi là cường quốc xuất khẩu, nhưng là cường quốc về số lượng chứ không phải chất lượng. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 282,6 tỷ USD, đứng thứ 31 trong tổng số khoảng 240 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu dự kiến hơn 300 tỷ USD bất chấp đại dịch. Tuy nhiên, xét về giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu, ta chỉ nhỉnh hơn một số quốc gia đi sau ở ASEAN và hoàn toàn kém hơn các nước như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan…”.

Theo ông Lê Quốc Phương, điều cốt lõi trong việc tận dụng, khai thác EVFTA là thúc đẩy chất lượng và giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu chứ không phải kim ngạch xuất khẩu. Để làm được điều này, cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp trong nước. Chỉ khi đó, Việt Nam mới thực sự được hưởng lợi lớn từ EVFTA nói riêng và các hiệp định thương mại tự do nói chung.

Ảnh tác giả

“Mục tiêu lớn nhất trong tận dụng EVFTA không phải chỉ là đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu mà là thúc đẩy giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ, hàm lượng nội địa trong sản phẩm xuất khẩu”.

TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương

Thực tế, TS. Phương chỉ ra rằng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh qua các năm nhưng tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp trong nước vào kim ngạch xuất khẩu lại giảm. Nếu như năm 2000, tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp FDI vào tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia chỉ chiếm chưa đầy 50% thì con số này trong 9 tháng đầu năm 2021 đã lên tới 74%, tức doanh nghiệp trong nước chỉ đóng góp khoảng 26% vào kim ngạch xuất khẩu. Điều này đồng nghĩa dù FTA thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng thì doanh nghiệp FDI mới là bên được hưởng lợi phần lớn chứ không phải doanh nghiệp Việt Nam.

“Chính phủ Việt Nam bỏ bao nhiêu tiền của, công sức, nỗ lực đàm phán rất nhiều FTA để mở rộng xuất khẩu, nhưng doanh nghiệp Việt Nam không phải bên hưởng lợi lớn nhất, đó là một thực tế đáng suy ngẫm”, TS. Lê Quốc Phương.

“Ngay cả vấn đề cán cân thương mại, xuất siêu của Việt Nam đạt được trong thời gian qua là do doanh nghiệp FDI xuất siêu lớn, chứ thực tế doanh nghiệp trong nước vẫn nhập siêu. Có thể thấy, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng là do sự đóng góp chủ yếu của doanh nghiệp FDI, xuất siêu cũng là do doanh nghiệp FDI quyết định”, ông Lê Quốc Phương cho hay.

Không thể phủ nhận dòng vốn FDI vào nền kinh tế mở ra nhiều tiềm lực mới từ thúc đẩy xuất khẩu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho đến tạo công ăn việc làm cho người lao động. Nhưng cho đến nay, nhiều ý kiến chỉ ra doanh nghiệp trong nước chưa tận dụng được nhiều ưu thế do FDI mang lại, đặc biệt là trong vấn đề chuyển giao công nghệ, nâng cao trình độ quản lý, gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Nguyên nhân chủ yếu là do năng lực cạnh tranh và trình độ sản xuất còn hạn chế, công nghệ chưa phát triển.

TS.Lê Quốc Phương lấy ví dụ: nhiều doanh nghiệp trong nước hướng tới nhập khẩu dây chuyền sản xuất cho nhanh chóng, đơn giản chứ không phải nhập khẩu công nghệ, do nhập khẩu công nghệ đòi hỏi rất cao về trình độ công nghệ và nguồn nhân lực - những yếu tố không thể xây dựng trong một sớm một chiều.

Đồng tình với TS. Lê Quốc Phương, PGS.TS. Nguyễn Anh Thu, Viện trưởng Viện VEPR cũng khẳng định ưu tiên trọng tâm là nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước để tận dụng lợi thế từ dòng vốn FDI cũng như các hiệp định thương mại tiềm năng như EVFTA.

Ảnh tác giả

“Phải phát huy nội lực thì đất nước mới phát triển được. Hiệp định thương mại tự do dù là thế hệ cũ hay thế hệ mới, bản thân nó cũng không phải cây đũa thần để dựa vào nó mà phát triển. Hiệp định chỉ là công cụ để doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội phát triển mà thôi”

PGS.TS. Nguyễn Anh Thu, Viện trưởng Viện VEPR

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.