Doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn quá tầm trong hình thành chuỗi cung ứng nông sản

Nông Sản Việt nAM
23:10 - 05/05/2022
Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phối hợp phổ biến các tiêu chuẩn đưa hàng vào hệ thống siêu thị, kênh phân phối. Ảnh: TTXVN.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phối hợp phổ biến các tiêu chuẩn đưa hàng vào hệ thống siêu thị, kênh phân phối. Ảnh: TTXVN.
0:00 / 0:00
0:00
Ước tính có 35% số doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đóng vai trò quan trọng trong vận hành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, tuy nhiên các doanh nghiệp này vẫn đang gặp nhiều trở ngại trong việc có thể hình thành chuỗi cung ứng.

Xác định doanh nghiệp vừa và nhỏ là bộ phận quan trọng trong thành phần kinh tế tư nhân, Chính phủ đã ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 quy định nhiều lĩnh vực chính sách hỗ trợ về thuế, tiếp cận tài chính, đổi mới sáng tạo và chính sách phát triển chuỗi giá trị.

Còn gặp nhiều thách thức dù đã được hỗ trợ

Tổng kết những kết quả đạt được sau 5 năm áp dụng Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc phát triển chuỗi cung ứng nông sản tại tọa đàm Chính sách khuyến khích doanh nghiệp HTX tham gia chuỗi cung ứng nông sản ngày 5/5, đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, hiện có 35% trong số hơn 1.600 doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản đang đóng vai trò quan trọng ở vị trí chủ trì và vận hành.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa này cũng có vị trí quan trọng trong việc cung ứng vật tư đầu vào đảm bảo chất lượng và chi phí thấp. Hiện đã hình thành một số mô hình liên kết điển hình giữa doanh nghiệp với các thành phần trong chuỗi giá trị như mô hình chuỗi khép kín của Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp WinEco đối với sản phẩm rau; chuỗi chăn nuôi khép kín từ cung cấp đầu vào như con giống, thức ăn chăn nuôi, thú y đến sản xuất, chế biến sản phẩm của các doanh nghiệp CP, Mavin, Dabaco…

Hiện nay, cả nước có khoảng 541.753 doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động trong nền kinh tế, với tổng số vốn đăng ký khoảng 130 tỷ USD, chiếm khoảng 1/3 tổng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp.

Hàng năm, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp khoảng 40% GDP, nộp ngân sách nhà nước 30%, đóng góp giá trị sản lượng công nghiệp 33%, giá trị hàng hóa xuất khẩu 30% và thu hút gần 60% lao động.

Bên cạnh đó là mô hình chuỗi giá trị lúa gạo bền vững, được hợp tác giữa Tập đoàn Lộc Trời với Tập đoàn Phoenix, tạo điều kiện cho chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị lúa gạo quốc tế. Đây đang được coi là những hình mẫu mang tính định hướng cho sự chuyển đổi về cách thức tổ chức sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Tuy nhiên về tổng thể, theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn, việc phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Trong đó, trở ngại đầu tiên mà các doanh nghiệp này gặp phải đến từ việc tìm cách tiếp cận các nguồn lực xã hội để phục vụ sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang bị hạn chế trong việc tuyển dụng lực lượng lao động có trình độ tay nghề cao, tiếp cận đất đai, vốn tín dụng từ các ngân hàng, nguồn vốn từ các quỹ,. Ngoài ra, việc ứng dụng khoa học và công nghệ cũng còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu và thủ tục phức tạp.

Dưới góc nhìn là một trong những đại diện doanh nghiệp vừa và nhỏ tham dự tọa đàm, bà Phạm Thị Lý, Giám đốc Công ty TNHH AV Check cho rằng, để khuyến khích được các doanh nghiệp nhỏ vốn yếu thế và thiếu vốn tham gia vào chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản thì Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ về đất đai thực tiễn hơn nữa, đồng thời tránh việc để chính sách hỗ trợ "chỉ ở trên giấy".

“Các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất đông đảo ở mọi miền, mọi ngóc ngách và đang đóng góp vai trò lớn vào chuỗi cung ứng. Do vậy, để chính sách đi vào cuộc sống thì cần vận hành mềm dẻo, linh hoạt và sát thực tế hơn. Ngoài việc xây dựng chính sách ra, cũng cần những quyết định mạnh dạn hơn nữa của những người đứng đầu các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, bà Lý phân tích thêm.

Tỷ lệ hàng hóa Việt Nam tại các chuỗi siêu thị lớn: Nguồn: Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản

Tỷ lệ hàng hóa Việt Nam tại các chuỗi siêu thị lớn: Nguồn: Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản

Để doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng nông sản nội địa

Trước bối cảnh trên, đưa ra đề xuất giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp tham gia tích cực hơn nữa vào chuỗi cung ứng nông sản, đại diện Viện Chính sách chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn kiến nghị, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được tiếp cận hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và các nhà đầu tư trong và ngoài nước như nguồn vốn tài chính, công nghệ, quản trị, kinh doanh...

Đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn cũng nhận định, hiện các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam khá nhiều, nhưng khả năng tiếp cận và thụ hưởng lại hạn chế vì nhiều nguyên nhân. Một giải pháp được đưa ra để giải quyết tình trạng này là khuyến khích sự liên minh, liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng nhóm kinh doanh, hoạt động cùng ngành nghề. Đây được coi là một giải pháp tốt nhằm phát huy vai trò, thế mạnh của từng doanh nghiệp và cả nhóm ngành hàng khi tham gia thị trường.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) đã đưa ra định hướng phát triển thị trường nông sản nội địa đến năm 2030. Trong đó, xác định thương mại trong nước là cầu nối giữa sản xuất với tiêu dùng, đóng vai trò định hướng, dẫn dắt cho sản xuất phát triển theo tín hiệu thị trường.

Ảnh tác giả

“Định hướng phát triển thị trường nông sản nội địa đến năm 2030 có sự quan tâm nhiều về các chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh tế cá thể và tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết tham gia thị trường”.

TS. Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản

Để định hướng phát triển thị trường nông sản nội địa đến năm 2030 được đi vào thực tiễn, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đánh giá cao nhiệm vụ đồng hành cùng ngành nông nghiệp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh sản phẩm nông sản, góp phần tác động xu hướng tiêu dùng nông sản nội địa thay thế các nông sản ngoại nhập.

Theo ông Toản, các doanh nghiệp cần cung cấp cho Bộ NN&PTNT các thông tin về kế hoạch các chương trình kích cầu tiêu thụ nông sản của mỗi đơn vị để Bộ xây dựng kế hoạch tham gia, phối hợp, thông tin cho các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương.

“Doanh nghiệp cũng cần đồng hành với Bộ trong các diễn đàn, hội chợ kết nối nông sản địa phương; phối hợp phổ biến các tiêu chuẩn đưa hàng vào hệ thống, kênh phân phối; đồng thời phối hợp thông tin về nhu cầu của từng chuỗi siêu thị để giúp Bộ trao đổi với các địa phương trong các khâu chỉ đạo sản xuất; nắm bắt thông tin về tiêu thụ hàng hóa nông sản”, Cục trưởng Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp