Sản xuất bền vững để nông sản thâm nhập sâu chuỗi cung ứng toàn cầu

NÔNG NGHIỆP sinh thái
08:08 - 22/12/2021
Sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP mang lại lợi nhuận cao hơn so với các sản phẩm thông thường cùng loại.
Sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP mang lại lợi nhuận cao hơn so với các sản phẩm thông thường cùng loại.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững sẽ đem lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp ở cả thị trường xuất khẩu và nội địa, nhưng các chuyên gia đánh giá hướng đi này chưa được các doanh nghiệp chú trọng.

Chia sẻ tại buổi đối thoại “Chính sách trực tuyến về xúc tiến cung và cầu cho các sản phẩm nông sản sinh thái – công bằng”, chiều 21/12, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) cho rằng, nước ta sẽ có nhiều cơ hội trong các hiệp định tự do thế hệ mới từ phát triển sản phẩm nông sản sinh thái, bền vững.

Tổng thư ký VINAFRUIT chỉ ra, Việt Nam tham gia nhiều FTA song phương, đa phương buộc chúng ta phải sản xuất theo các tiêu chuẩn và chiến lược sinh thái, công bằng. Hiện Việt Nam đã áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP từ năm 2018 và được nhiều thị trường quốc tế công nhận và mang lại lợi nhuận cao hơn so với các sản phẩm thông thường cùng loại.

Ảnh tác giả

“Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, mở ra nhiều cơ hội giao thương lớn chưa từng có. Ngoài những chứng nhận quốc tế và chứng nhận quốc gia, nông sản của doanh nghiệp cần có thêm những chứng nhận được sản xuất trong môi trường an toàn, bền vững, đó là nhãn hiệu nông sản sinh thái công bằng vừa được đưa vào các hiệp định FTA”.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký VINAFRUIT

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ 01/08/2020 đã có riêng một điều khoản thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp sinh thái, công bằng, thể hiện sự quan tâm của các nước châu Âu. Tuy nhiên, ông Nguyên cho rằng, nhiều doanh đã vô tình bỏ quên điều khoản này mà để lỡ mất những lợi thế của mình, không tận dụng được triệt để EVFTA.

“Nguyên nhân có thể là do điều khoản này còn mới nên các doanh nghiệp chưa kịp nhận ra sự cần thiết của chứng nhận cũng như lợi ích của kinh doanh nông sản sinh thái, công bằng. Nhiều doanh nghiệp vẫn giữ lối làm ăn cũ, thậm chí có người còn cho rằng sản phẩm đẹp là có thể xuất khẩu được”, ông Nguyên phân tích.

Ông Koen Duchateau, Trưởng ban Hợp tác của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cũng cho biết, trong nhiều thập kỷ, EU đã đi đầu trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, môi trường bằng sản xuất và tiêu dùng bền vững, trong đó “Thỏa thuận Xanh châu Âu" được EU thông qua vào tháng 12/2019 là chương trình nghị sự tăng trưởng của châu Âu trong những thập kỷ tới.

Cũng theo ông, Koen Duchateau, EU đưa ra thỏa thuận trên nhằm thúc đẩy sự lưu thông trong các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng, đảm bảo chế biến thực phẩm xanh hơn và bền vững hơn, thiết lập các tiêu chuẩn đầy tham vọng cho sản phẩm, giảm lượng lương thực tổn thất, lãng phí và trao quyền cho người tiêu dùng trong các lựa chọn hàng ngày về sản phẩm và dịch vụ.

Nhận thức tầm quan trọng của sản xuất xanh tại các thị trường như EU nói trên, đồng thời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa nhận được chứng nhận sinh thái, công bằng để tham gia thị trường xuất khẩu hiệu quả hơn, Hiệp hội rau quả Việt Nam đang đề xuất tăng cường thông tin cho các trường, các viện nông nghiệp, các hiệp hội ngành hàng và các đầu mối nông sản về cơ hội xuất khẩu nông sản sinh thái, bền vững.

Chứng nhận sinh thái, công bằng chỉ được cấp cho các sản phẩm thực hiện đầy đủ nội dung của bộ tiêu chuẩn về khía cạnh môi trường và xã hội bền vững. Mục tiêu đạt được qua chứng nhận sinh thái công bằng là thúc đẩy sản xuất chế biến nông sản sinh thái công bằng, có trách nhiệm giữ gìn môi trường, sản xuất an toàn bền vững.

Đưa ra ví dụ cần bài trừ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không ủng hộ các sản phẩm làm ra từ việc chặt phá rừng bừa bãi.. đại diện VINAFRUIT cho rằng, đó không chỉ là cách duy trì lâu dài sinh kế cho người dân, giảm nghèo mà còn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, tăng trường xanh nông nghiệp, hạn chế khí thải carbon.

Chứng nhận GlobalGAP được nhiều thị trường quốc tế công nhận

Chứng nhận GlobalGAP được nhiều thị trường quốc tế công nhận

Ngoài ra, ông Nguyên còn đề xuất cần tổ chức đưa nông nghiệp sinh thái và thực phẩm hữu cơ vào xã hội thông qua các dự án, tổ chức khuyến khích sinh thái công bằng, tăng cường áp dụng công nghệ mới thân thiện với môi trường, thúc đẩy tiêu dùng và xây dựng mạng lưới sinh thái bền vững.

Nâng cao năng lực tiếp cận tài chính “xanh” cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất chế biến, tiêu dùng bền vững. Xác định mục tiêu cụ thể của các doanh nghiệp siêu nhỏ triển khai các dự án thực hành sản xuất bền vững và đổi mới sản phẩm trong chuỗi sản phẩm chế biến nông sản sinh thái công bằng.

Ở khía cạnh xây dựng thị trường trong nước thúc đẩy sản phẩm nông nghiệp sinh thái, công bằng, ông Lê Hoàng Sâm, Giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất và phân phối nông sản VBA-Food cho rằng, nguyên nhân sâu xa dẫn tới mất cân bằng trong sản xuất và thị trường là thiếu các kênh phân phối trên diện rộng để chủ động điều phối đầu ra cho sản phẩm.

Nếu chỉ xây dựng tiêu chuẩn hóa cho sản phẩm hay ứng dụng công nghệ vào sản xuất mà không chuẩn bị được đầu ra thì sẽ bị mất cân bằng. Tình trạng nông dân “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa” xảy ra trong nhiều năm cũng do không có kênh phân phối trên diện rộng.

Ảnh tác giả

“Trên thực tế nếu 25 triệu hộ dân Việt Nam nếu mỗi hộ chỉ mua 1 quả dưa hấu, 1 kg vải thiều thì chúng ta thiếu rất nhiều chứ không có chuyện thừa nông sản. 10 tỉnh Quảng Nam, 10 tỉnh Quảng Ngãi trồng cũng không đủ được. Nhưng vấn đề ở đây là chúng ta không chủ động được đầu ra”.

Ông Lê Hoàng Sâm, Giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất và phân phối nông sản VBA-Food

Khi ngành nông nghiệp chủ động được đầu ra thì sẽ điều phối được thị trường và có quy hoạch chăn nuôi, trồng trọt ổn định, cắt giảm được chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, phát triển bền vững, xây dựng được các giải pháp đồng bộ hóa cho hệ sinh thái ngành nông nghiệp Việt nam hướng tới xuất khẩu.

Doanh số tiêu dùng thị trường Việt Nam khoảng 130 – 160 tỷ USD/năm, các hiệp định thương mại tự do CPTPP, EVFTA, WTO… mở ra nhưng chủ yếu là các tập đoàn nước ngoài vào thâu tóm.

“Với cách làm hiện nay nếu chúng ta không tập trung các nguồn lực để giải quyết bài toán đó thì sẽ rơi vào tình trạng mất thị trường. Sản xuất không khó, công nghệ có thể chuyển giao, có thể đi mua, chuyển hóa nhưng không chủ động được đầu ra sẽ dẫn đến mất cân bằng trong sản xuất và cũng khó có thể phát triển được nông nghiệp sinh thái, bền vững”, ông Sâm nhấn mạnh.

Cần nhiều hơn nữa hành lang chính sách cho nông nghiệp sinh thái

Năm 2015, Hội nghị về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đã thông qua 17 mục tiêu phát triển bền vững của thế giới nhằm tiến tới một xã hội phát triển bền vững vào năm 2030.

Ngày 25/09/2020, Nghị quyết số 136/NQ-CP về phát triển bền vững của Chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030, bám sát theo 17 mục tiêu của Liên Hợp Quốc.

Xác định tầm quan trọng các mục tiêu phát triển bền vững của thế giới và Việt Nam, ông Trần Văn Học, đại diện Hội Khoa học và Kỹ thuật về tiêu chuẩn và chất lượng Việt Nam cho rằng, ngành nông nghiệp đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức trong việc chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp sinh thái để phát triển bền vững.

Ngoài ra, yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu sẽ là cơ sở để Việt Nam khẳng định vị thế trong chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu.

Từ những cơ sở đó, ở cấp độ quốc gia, ông Học đề xuất nhà nước cần nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách và các giải pháp để thúc đẩy phát triển tiêu chuẩn hóa hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững, cụ thể:

Ban hành chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân áp dụng và được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững

Đưa nông nghiệp bền vững vào lĩnh vực ưu tiên trong chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia để đầu tư nguồn lực cho việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, tăng cường năng lực và hạ tầng kỹ thuật cho các tổ chức chứng nhận sự phù hợp..

Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu sẽ là cơ sở để Việt Nam khẳng định vị thế trong chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu.

Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu sẽ là cơ sở để Việt Nam khẳng định vị thế trong chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu.

Ở cấp độ chuyên ngành, ông Học cho rằng cần có các chính sách và biện pháp cụ thể hỗ trợ nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng về tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực nông nghiệp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân.

Ban hành chính sách khuyến khích vật chất và tinh thần thích hợp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa nông nghiệp.

Tổ chức các khóa đào tạo cơ sở tiêu chuẩn hóa và đào tạo nâng cao về tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực nông nghiệp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân tại những lĩnh vực, khu vực trọng điểm sản xuất và xuất khẩu.

“Cần có nhiều chính sách, cơ chế thúc đẩy sản xuất bền vững và thị trường cho các sản phẩm chế biến nông sản sinh thái, công bằng ở Việt Nam, góp phần vào sự thịnh vượng, giảm nghèo, tăng cường sinh kế, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh ở Việt Nam”, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương nhấn mạnh tại buổi đối thoại.

Buổi đối thoại nằm trong khuôn khổ Dự án “Xúc tiến cung và cầu cho các sản phẩm chế biến nông sản đạt chứng nhận sinh thái - công bằng tại Việt Nam” (Dự án Eco Fair) do Liên minh châu Âu đồng tài trợ 1,5 triệu EUR thông qua Chương trình SWITCH-Asia của liên minh Châu Âu.

Tiến sĩ Nguyễn Bảo Thoa, viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI) chia sẻ: "Dự án Eco-Fair ra đời với sứ mệnh thay đổi hành vi của các tổ chức và cá nhân nhằm đưa ra những biện pháp tích cực về xã hội và cải thiện môi trường".

Tin liên quan

Đọc tiếp