Doanh thu giảm sút, vì sao cổ phiếu POW vẫn tăng kịch trần?

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
14:36 - 27/12/2021
Người lao động PV Power tại Nhà máy điện Nhơn Trạch 2
Người lao động PV Power tại Nhà máy điện Nhơn Trạch 2
0:00 / 0:00
0:00
POW được cho "ngôi sao" của ngành năng lượng thời gian qua khi giá cổ phiếu đột nhiên tăng dựng đứng, tới 35% chỉ trong vòng 20 ngày. Điều khó hiểu là các báo cáo kinh doanh quý, tháng của doanh nghiệp này đều cho thấy sự đi xuống.

Sản lượng giảm, nhà máy gặp sự cố

Tính đến nay, POW (Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam) đã có thâm niên 4 năm niêm yết trên sàn. Tuy nhiên, cổ phiếu này không được nhà đầu tư hào hứng lắm vì chỉ nằm ở top thấp, dao động trong vùng giá 10.000 - 14.000 đồng/cp. Vậy nhưng vào tháng cuối năm, POW bỗng dưng tăng tới 35% chỉ trong vòng 20 ngày. Cụ thể, phiên 21/12, POW tăng giá kịch trần lên 19.500 đồng/cổ phiếu, trong khi hôm 1/12 chỉ ở mức 14.000 đồng. Đầu phiên 27/12 giảm còn 18.000 đồng.

Sự phi mã bất thường của của POW được cho là khó hiểu vì thực tế, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu ngành điện nói chung đều giảm sút.

Trong Hội thảo trực tuyến "Analyst Meeting – POW hướng tới 2022" mới đây, báo cáo doanh thu và lợi nhuận ròng ước tính năm 2021 của PV Power ước đạt lần lượt 25.175 tỷ đồng và 1.917 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2020 là 29.732 tỷ đồng và 2.875 tỷ đồng; năm 2019 là 35.376 tỷ đồng và 3.193 tỷ đồng.

Đáng chú ý, dựa trên ước tính năm 2021 của công ty, tương đương quý 4/2021, lỗ trước thuế 124 tỉ đồng do các chi phí bảo dưỡng sửa chữa và sự cố kỹ thuật của Vũng Áng. Theo đó, nhà máy điện than Vũng Áng bị sự cố hư hỏng hệ thống tuabin vào tháng 9/2021, phải trong quý 3/2022 mới sửa xong. Vì vậy, sản lượng điện từ nhà máy này đã giảm 63% YoY trong tháng 10 & tháng 11/2021.

Diễn biến kinh doanh của POW trong 5 năm trở lại đây.

Diễn biến kinh doanh của POW trong 5 năm trở lại đây.

Trước đó, các báo cáo doanh thu quý, tháng của POW cũng cho thấy rõ sự thụt lùi. Trong báo cáo doanh thu 6 tháng đầu năm, lũy kế đạt 15.386 tỷ đồng, giảm 1,89% so với cùng kỳ năm ngoái (15.683,1 tỷ đồng). Trong tháng 8, chỉ có 2/7 nhà máy điện là thuỷ điện Đakđrink và Vũng Áng 1 vượt kế hoạch sản lượng trong tháng, lần lượt 8% và 33%. Các nhà máy điện như Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2 thậm chí chỉ đạt sản lượng dưới 50%.

Báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho thấy, tháng 11, PVPower là 1 trong 5 doanh nghiệp lỗ. Cụ thể, sản lượng điện tháng 11 của công ty này ở mức 854,7 triệu kWh, thực hiện 50% kế hoạch tháng và giảm 39% so với cùng kỳ.

Triển vọng của ngành điện

Với tình hình kinh doanh như trên, sức bật của cổ phiếu POW trong thời gian qua khiến nhiều người băn khoăn cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia chứng khoán, nhà đầu tư thông minh luôn hướng tới những mã tiềm năng đường dài. Sắp tới, khi kinh tế phục hồi, các doanh nghiệp ổn định sản xuất, ngành điện sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ.

Trong báo cáo triển vọng mới đây, Bộ phận phân tích CTCK Agribank (Agriseco Research) đánh giá sản lượng ngành Điện trong năm 2021 tăng trưởng chậm hơn do ảnh hưởng bởi Covid-19. Tuy nhiên với mục tiêu tăng trưởng GDP 6% - 6,5% trong năm 2022, Agriseco Research kỳ vọng ngành điện sẽ quay trở lại mức tăng trưởng 2 chữ số trong năm tới.

Báo cáo đánh giá tích cực đối với nhóm nhiệt điện than và nhóm năng lượng tái tạo trong năm 2022. Đặc biệt là nhóm nhiệt điện than tại miền Bắc có thể sẽ được hưởng lợi ngay từ đầu năm do khu vực này có thể thiếu nước trong các tháng tới. Còn trong trung và dài hạn, nhóm nhiệt điện khí và năng lượng tái tạo được kỳ vọng sẽ dần thay thế các nguồn năng lượng truyền thống như điện than và thủy điện.

Đặc biệt, dự thảo Quy hoạch điện VIII hứa hẹn sẽ mở ra nhiều triển vọng mới cho ngành điện nói chung và các nguồn điện nói riêng. Trong đó, thủy điện nhỏ với công suất bổ sung khoảng 6.000 MW sẽ được tập trung khai thác hơn, do các dự án quy mô lớn hơn gần như đã hết tiềm năng. Nhiệt điện than và Nhiệt điện khí (tua bin khí) cũng sẽ đóng vai trò chủ đạo đến 2030 do lợi thế dễ lựa chọn địa điểm.

Trong tương lai gần 2022-2023, Agriseco Research dự đoán điện gió vẫn sẽ là đối tượng được hưởng ưu đãi trong các năm tới để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

Dự thảo Quy hoạch điện VIII hứa hẹn sẽ mở ra nhiều triển vọng mới cho ngành điện.

Dự thảo Quy hoạch điện VIII hứa hẹn sẽ mở ra nhiều triển vọng mới cho ngành điện.

Dựa trên đánh giá thị trường điện, Agriseco Research cũng đưa ra nhận xét nhóm cổ phiếu ngành điện có mức định giá khá hấp dẫn, tình hình tài chính lành mạnh, cổ tức đều đặn, phù hợp để nắm giữ dài hạn. Trong đó, POW được nhắc đến trong nhóm 3 mã tiêu biểu. Theo đó, dòng tiền lớn ổn định của POW sẽ đảm bảo tiềm lực và nâng cao vị thế của doanh nghiệp khi huy động vốn cho các dự án mới. Điều kiện thủy văn trong năm 2022 cũng rất thuận lợi cho kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này khi nhiệt điện than và khí đang chiếm trên 90% tổng công suất hiện tại.

Thực tế, POW cũng đã chuẩn bị nhiều kế hoạch để tăng sản lượng trong thời gian tới. Trong Hội thảo vừa qua, đại diện Công ty này cho biết đã cùng EVN ký kết Hợp đồng mua bán điện của Nhà máy điện Cà Mau 1&2. Giá điện chuyển đổi được đàm phán trên cơ sở chuyển ngang các thành phần tính giá điện đã được hai bên ký kết trong PPA ký năm 2008. Cụ thể là chuyển đổi đơn giá từ giá 2 thành phần (USD/kW.tháng và VNĐ/kWh) sang giá điện 1 thành phần (Đồng/kWh).

Đối với dự án Nhơn Trạch 3&4, PV Power cho biết gói thầu EPC sẽ được chốt trong tháng 1/2022, dự kiến khởi công trong quý 1/2022. Đây là dự án điện khí LNG đầu tiên tại Việt Nam với công suất 1.500 MW, tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD. PV Power xác định, đây sẽ là “át chủ bài” để công ty này tăng trường doanh thu từ năm 2023, khi nhà máy đi vào hoạt động.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Quý đầu năm 2024, Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng, giảm 92% so với mức 11.917 tỷ đồng của quý cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân, doanh nghiệp này cho biết do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang xây dựng dở dang.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của DBC tổ chức sáng ngày 27/4 tại TP Bắc Ninh. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Dabaco muốn chào bán hơn 140 triệu cổ phiếu

CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 vào sáng ngày 27/4 tại TP Bắc Ninh. Tính đến 9h30 cuộc họp với sự tham dự của 294 cổ đông và người được ủy quyền, đại diện cho 53,59% vốn điều lệ DBC.
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.