"Đọc chép 'văn mẫu' cho học sinh học thuộc là rất tai hại"

QUỐC HỘI Việt nAM
22:22 - 11/11/2021
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn
0:00 / 0:00
0:00
Sáng 11/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội về lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn giải trình, làm rõ các nội dung về bảo đảm chất lượng dạy - học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch COVID-19, nâng cao hiệu quả của công tác dạy và học trực tuyến, đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền...

Một loạt các vấn đề như thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, công tác an toàn trường học, y tế học đường để học sinh, sinh viên có thể trở lại trường học, phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh dịch bệnh...cũng được đề cập trong phần trình bày của Bộ trưởng.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Tại phiên chất vấn, các đại biểu cũng đặt ra nhiều các câu hỏi về giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng dạy và học theo hình thức "văn mẫu", giải pháp bảo đảm sức khỏe, tâm lý cho học sinh, giáo viên, trách nhiệm và giải pháp của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sinh viên ra trường không tìm được việc làm...

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu chấm dứt việc theo văn mẫu

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nàng Xô Vi (đoàn Kon Tum) về việc không dùng văn soạn mẫu trong môi trường dạy và học môn ngữ văn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của môn Ngữ Văn trong việc hình thành nhân cách, bồi đắp tình cảm, tâm hồn, năng lực thẩm mỹ, phẩm chất làm người cho học sinh.

Bộ trưởng nêu rõ: Việc dạy môn ngữ Văn theo hình thức đọc, chép "văn mẫu" cho học sinh học thuộc là rất tai hại tới việc phát huy tính chủ động, sáng tạo, cảm xúc, tình cảm chân thực, chân thành của người học.

"Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu chấm dứt việc dạy Ngữ Văn theo văn mẫu. Ngành giáo dục sẽ triển khai nhiều biện pháp để chấn chỉnh, ngăn chặn mang tính chuyên môn, đồng thời tiến hành kiểm tra, đánh giá toàn diện... để giải quyết vấn đề này," Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Đại biểu Nàng Xô Vi của đoàn Kon Tum

Đại biểu Nàng Xô Vi của đoàn Kon Tum

Không "bê" nguyên chương trình dạy trực tiếp để dạy trực tuyến.

Đại biểu Trương Ngọc Ánh (Cần Thơ) cho rằng việc dạy và học trực tuyến trong tình hình hiện nay là hết sức phù hợp, tuy nhiên chương trình thì vẫn theo chương trình trực tiếp, gây áp lực cho cả cô và trò, sẽ dẫn đến tình trạng giáo viên sẽ ưu tiên nội dung được giảng và học sinh sẽ bị lệch kiến thức.

Đại biểu đề nghị bộ trưởng cho biết Bộ có kế hoạch gì để điều chỉnh chương trình học trực tuyến phù hợp với từng bậc học để đảm bảo khi học sinh quay lại trường thì không bị lệch, không bị hổng kiến thức?

Đại biểu Trương Ngọc Ánh (Cần Thơ)

Đại biểu Trương Ngọc Ánh (Cần Thơ)

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng cho biết nhằm đảm bảo tốt nhất hiệu quả dạy học và sức khỏe học tập của cả giáo viên và học sinh trong thời gian dịch bệnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch tinh giảm chương trình học cho phù hợp với chương trình dạy học trực tuyến.

Trước đó, các năm 2019, 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hai lần tinh giảm chương trình để phù hợp với chương trình học trong tình hình dịch bệnh. Năm học 2021-2022, Bộ đã một lần nữa rà soát, lần này chương trình được xác định là chương trình có tính chất cốt lõi chứ không phải là chương trình rút gọn qua mỗi năm.

Theo chương trình này, việc dạy trực tuyến chỉ cần bám theo chương trình cốt lõi và các nội dung kiểm tra, đánh giá cũng chỉ dựa trên chương trình này, không phải là "bê" nguyên chương trình dạy trực tiếp bên ngoài để vào dạy trực tuyến.

Đại biểu Hoàng Văn Liên, đoàn Long An thông tin nhiều cử tri cho rằng việc cho trẻ em học lớp 1 học trực tuyến là chưa đạt hiệu quả như mong muốn, làm khó khăn nhiều mặt cho các bậc phụ huynh. Đại biểu yêu cầu bộ trưởng cho biết quan điểm và giải pháp của mình nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Đại biểu Hoàng Văn Liên, đoàn đại biểu Quốc hội Long An

Đại biểu Hoàng Văn Liên, đoàn đại biểu Quốc hội Long An

Về việc trẻ lớp 1 học trực tuyến, học trên đài truyền hình, Bộ trưởng cho biết, trong việc chuyển trạng thái của ngành giáo dục để ứng phó dịch bệnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương riêng đối tượng học sinh lớp 1 và lớp 2 sẽ học chủ yếu trên truyền hình. Các trường có đầy đủ điều kiện và được sự đồng ý của giáo viên mới dạy trực tuyến.

Trong vòng hơn hai tháng vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam đã xây dựng được 166 bài giảng, hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu các bài giảng của lớp 1 và lớp 2. Theo Đài truyền hình Việt Nam thống kê, mỗi môn học có hàng triệu lượt học sinh vào học.

Bộ trưởng cho rằng: Đây là một giải pháp trong rất nhiều giải pháp, cũng sẽ khó có một giải pháp nào thỏa mãn được tất cả các yêu cầu. Do đó, chúng ta phải chọn một giải pháp tối ưu hơn cả. Đối với học sinh lớp 1 thì dạy trên truyền hình là một lựa chọn được đông đảo phụ huynh và dư luận xã hội ủng hộ.

Đồng thời, nếu như các cháu học lớp 1 và lớp 2 học trên truyền hình thì khi quay trở lại trường, việc củng cố kiến thức và kiểm tra, đánh giá cũng sẽ thuận tiện. Với những học sinh học theo chương trình trên truyền hình, sẽ có phương pháp kiểm tra, đánh giá một cách phù hợp. Bộ cũng đã có hướng dẫn cho việc này.

"Khi các cháu học sinh quay trở lại trường, vẫn phải có những hỗ trợ, củng cố thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu. Dạy học lớp 1 trên truyền hình chỉ là một giải pháp", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Chất lượng đào tạo là khâu rất quan trọng

Đại biểu Hoàng Văn Liên (Long An) trao đổi về thực trạng hiện nay có một số lượng lớn sinh viên ra trường không có việc làm, gây tốn kém, lãng phí rất lớn về nguồn lực xã hội. Vấn đề này có nhiều nguyên nhân, trong đó có chất lượng đào tạo tại một số trường hợp, đào tạo không gắn với nhu cầu xã hội. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm và giải pháp của Bộ về vấn đề này.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, có rất nhiều việc cần phải làm để sinh viên ra trường có việc làm và quan trọng hơn nữa là có việc làm tốt. Trong đó, xác định sự phù hợp giữa cung và cầu, giữa nhu cầu đào tạo và quan trọng là sự kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó chất lượng đào tạo là một khâu rất quan trọng. Nếu như dự báo nhu cầu nguồn nhân lực thiếu chính xác và việc đào tạo không phù hợp với dự báo nguồn nhân lực cũng sẽ dẫn đến tình trạng sinh viên lĩnh vực thì thiếu nhưng lĩnh vực khác thì thừa. Cho nên, công tác dự báo là rất quan trọng.

Theo Bộ trưởng, để sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm tốt, cần tăng cường đào tạo và trang bị các kỹ năng cho sinh viên. Đào tạo nhân lực chất lượng cao để phát triển kinh tế - xã hội là một công việc lớn và đòi hỏi những giải pháp mang tính tổng thể. Tầm nhìn chiến lược và quy hoạch mạng lưới các trường đại học, quy hoạch ngành nghề và số lượng đào tạo cho phù hợp là những nhóm giải pháp cần được triển khai thì mới có thể đáp ứng được công việc này.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.