Đông Đức hồi sinh nhờ xe điện sau thời gian dài ảm đạm

KINH TẾ Đức
14:16 - 30/06/2022
CEO Tesla Elon Musk và Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong lễ khánh thành siêu nhà máy sản xuất xe điện Tesla tại Grunhaide, ngoại ô Berlin và nằm ở phía đông nước Đức.
CEO Tesla Elon Musk và Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong lễ khánh thành siêu nhà máy sản xuất xe điện Tesla tại Grunhaide, ngoại ô Berlin và nằm ở phía đông nước Đức.
0:00 / 0:00
0:00
Từng trải qua thời kỳ trì trệ sau khi nước Đức thống nhất năm 1990, khu vực Đông Đức đang chứng kiến dòng vốn đầu tư công nghệ cao đổ về, biến vùng đất này mênh mông hiếm hoi giữa lòng châu Âu này thành vùng công nghiệp hấp dẫn bậc nhất thế giới hiện nay.

Theo Financial Times, 10 năm trước, Guben là một thị trấn vùng biên nhỏ nằm ở miền Đông nước Đức, nơi khao khát các nhà đầu tư đến mức chính quyền sẵn sàng cấp đất miễn phí để các doanh nghiệp làm ăn. "Bây giờ thì thị trấn không còn đất trống nữa", Thị trưởng Fred Mahro cho biết.

Bước ngoặt của Guben diễn ra vào năm ngoái khi công ty công nghệ sạch Rock Tech Lithium của Canada lựa chọn thị trấn này làm nơi xây dựng nhà máy chuyển đổi lithium - một thành phần chính của pin xe điện. Với khoản đầu tư hơn 500 triệu USD, Rock Tech Lithium đã biến Guben thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng pin xe điện toàn cầu và thổi luồng gió mới cho cuộc sống tại đây.

"Guben giống như người đẹp ngủ trong rừng. Rock Tech đã đến và đánh thức thị trấn", Thị trưởng Mahro nhận xét.

Điểm đến của làn sóng đầu tư ồ ạt

Sự xuất hiện của Rock Tech và nhiều nhà đầu tư đã biến Guben nói riêng và cả khu vực Đông Đức trở thành quê hương mới của ngành ô tô điện châu Âu. Trong vài năm gần đây, các dự án và vốn đầu tư đã ồ ạt đổ về Đông Đức.

Đáng chú ý nhất là thông báo hồi tháng 3 của tập đoàn sản xuất chip Intel rằng họ sẽ xây dựng ít nhất 2 nhà máy sản xuất chip bán dẫn trị giá hơn 17 tỷ USD ở phía đông thành phố Magdeburg, thuộc Đông Đức trước đây. Đây là khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất từng có ở Đức từ trước đến nay.

Cùng tháng đó, tập đoàn Tesla cũng bắt đầu vận hành nhà máy sản xuất ôtô điện đầu tiên ở châu Âu đặt tại thành phố Grunheide. Trong khi đó, hãng ô tô Volkswagen cũng triển khai sản xuất tại hai nhà máy mới ở thị trấn Zwickau và Dresden.

Địa điểm xây dựng siêu nhà máy của Tesla ở Grunheide. Ảnh: Sasatimes
Địa điểm xây dựng siêu nhà máy của Tesla ở Grunheide. Ảnh: Sasatimes

"Đông Đức đang là một trong những khu vực kinh tế hấp dẫn nhất tại châu Âu. Khu vực này thu hút sự chú ý của cả thế giới", Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu trong một hội nghị đầu tháng 6.

Tầm ngắm đầu tư mới đánh dấu cho sự dịch chuyển căn bản về địa lý ngành công nghiệp Đức. Trong hàng thập kỷ qua, sức mạnh nền kinh tế Đức vốn tập trung tại khu vực miền Nam và Tây Nam, nơi các nhà sản xuất ôtô như Mercedes, BMW hay người khổng lồ ngành kỹ thuật Siemens “tụ hội”. Tuy nhiên, tình thế có thể thay đổi khi quá trình tái công nghiệp hóa của Đông Đức trỗi dậy.

Ông Carsten Schneider, Ủy viên phụ trách Đông Đức của chính phủ Đức cho biết: “Bản đồ kinh tế của Đức đang được vẽ lại”. Các khoản đầu tư mới đến vào thời điểm ngành ô tô truyền thống của Đức (sử dụng động cơ đốt trong) đang chịu áp lực chưa từng có, khi chính phủ các quốc gia khắp thế giới hướng tới tương lai không sử dụng nguyên liệu hóa thạch, tăng tốc chuyển đổi sang ô tô điện.

Sức ép này càng tăng lên khi Nghị viện châu Âu đầu tháng này đã bỏ phiếu thông qua luật cấm bán ô tô và xe tải có động cơ chạy bằng xăng và dầu diesel ở EU từ 2035. Tại miền Nam và Tây Nam của Đức, các nhà cung ứng linh kiện ô tô như Bosch, Continental, Mahle, ZF Friedrichshafen, đồng loạt thông báo cắt giảm nhân lực, trong bối cảnh nhu cầu giảm sút và triển vọng bấp bênh của ngành ô tô truyền thống.

Trái ngược lại, tại miền Đông Đức, hãng xe Volkswagen khai trương dây chuyền sản xuất xe điện đầu tiên vào năm 2019 tại một nhà máy ở Zwickau, bang Saxony. Dưới thời Đông Đức trước đây, nhà máy này từng sản xuất loại xe Trabant nổi tiếng ở Đông Âu thời đó.

Mục tiêu của hãng là sản xuất 300.000 xe điện mỗi năm tại nhà máy ở Zwickau và khoảng vài nghìn xe tại một nhà máy khác ở Dresden. Tổng số việc làm tạo ra là hơn 1.000. Ở Zwickau, người dân hầu như đều có việc làm, một phần nhờ nhiều công ty đổ xô tới để xây dựng nguồn cung linh kiện cho Volkswagen.

Ông Jorg Steinbach, quan chức phụ trách kinh tế của bang Brandenburg, nơi là quê hương mới của Tesla ở châu Âu, cho biết bang này đã nhận được hơn 7 tỷ USD đầu tư nước ngoài kể từ 2018, lớn hơn nhiều so với thời kỳ trước. Ngoài ra, các bang khác ở Đông Đức cũng đang xem xét thêm 28 dự án đầu tư mới với tổng số vốn khoảng 12 tỷ USD.

"Trong một thời gian dài, các bang Đông Đức luôn nằm ở nửa dưới bảng xếp hạng thành tích kinh tế. Nhưng trong 5 năm tới, tôi tin rằng xếp hạng sẽ dần nghiêng về phía đông", ông Steinbach dự đoán.

Vùng đất hội tụ nhiều tiềm năng

Chỉ cần một chuyến khảo sát vùng nông thôn Brandenburg, Đông Đức, mọi người sẽ sẽ hiểu ngay lý do vì sao khu vực này trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Đó là những khoảng đất trống với không gian rộng lớn. Đông Đức có diện tích đất trống nhiều hơn tất cả các vùng khác của Đức, đặc biệt nếu so với vùng dân cư đông đúc ở phía Tây Nam.

Nhà máy tại Grunheide của Tesla nằm trên khu đất rộng 300 ha, trong khi nhà máy của Intel ở Megdeburg rộng 450 ha – tương đương với 620 sân bóng đá.

"Một không gian như vậy là rất hiếm tại vùng trung tâm châu Âu. Nó đang rất được săn đón", Thủ tướng Đức Scholz nói.

Đông Đức có lợi thế lớn về nguồn cung năng lượng tái tạo. Ảnh: Renew Economy

Đông Đức có lợi thế lớn về nguồn cung năng lượng tái tạo. Ảnh: Renew Economy

Đông Đức còn có một lợi thế cạnh tranh khác, đó là nguồn cung năng lượng tái tạo dồi dào. Bang Brandenburg sản xuất điện gió, điện mặt trời, điện sinh học với công suất trên đầu người nhiều nhất nước Đức. Năng lượng tái tạo chiếm 94% nhu cầu điện của bang, so với mức trung bình là 46% của cả nước.

"Các nhà đầu tư nói rằng họ sản xuất pin phục vụ phương tiện giao thông thân thiện với môi trường. Họ muốn sản xuất pin một cách bền vững, vì thế sự sẵn có của năng lượng tái tạo là yếu tốt then chốt để các công ty đến đây đặt nhà máy", Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habek cho biết.

Đông Đức cũng đang hưởng lợi lớn khi châu Âu thúc đẩy “chính sách tự cường” trong các ngành quan trọng như pin, chất bán dẫn, dữ liệu đám mây và dược phẩm. Sau cú sốc suy thoái thương mại toàn cầu trong đại dịch Covid-19 và chiến sự ở Ukraine, các quốc gia ngày càng tập trung vào sản xuất nội địa các linh kiện quan trọng, rút ngắn chuỗi cung ứng để tránh nguy cơ bị tổn thương vì các tác nhân bên ngoài.

Rock Tech Lithium đã rót 500 triệu USD để xây dựng nhà máy chuyển đổi lithium tại thị trấn Guben. Ảnh: Rock Tech

Rock Tech Lithium đã rót 500 triệu USD để xây dựng nhà máy chuyển đổi lithium tại thị trấn Guben. Ảnh: Rock Tech

Những xu hướng này đang chuyển dịch rõ nhất ở khu vực quanh thủ đô Berlin. "Ngành công nghiệp xe điện sẽ có tất cả những gì nó cần, từ quá trình xử lý lithium, sản xuất pin, cho tới các bộ phận khác của xe điện", ông Markus Brugmann, Giám đốc điều hành Rock Tech Lithium, cho biết.

Các khoản trợ cấp của chính phủ Đức cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút nhà đầu tư đến Đông Đức. Dự án của Intel dự kiến nhận hơn 7 tỷ USD hỗ trợ tài chính trong năm 2024, trong đó riêng năm nay là 2,8 tỷ USD. Quốc gia này cũng giải ngân 40 tỷ USD để loại bỏ các nhà máy điện than, xây dựng đường bộ, đường sắt, đầu tư cho các viện nghiên cứu.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng bị hấp dẫn trước hệ thống các nhà máy sản xuất, cơ sở nghiên cứu và đội ngũ nhân lực trình độ cao sẵn có ở Đông Đức.

Bước ngoặt lớn sau hàng thập kỷ trì trệ

Sự xuất hiện của các công ty công nghệ cao như Tesla và Intel đánh dấu bước chuyển mình cho toàn bộ khu vực Đông Đức, nơi có nền tảng công nghiệp bị phá sản giai đoạn 1990. Hàng trăm nhà máy đóng cửa, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, trong khi những người trẻ đổ xô về phía Tây để tìm việc.

Những năm đầu sau khi thống nhất, khoảng 70% ngành công nghiệp tại Đông Đức biến mất. Triển vọng kinh tế ảm đạm đã châm ngòi cho sự trỗi dậy của phong trào cực hữu và phong trào bài Hồi giáo Pegida.

Thị trấn Guben đã rơi vào trạng "chảy máu đầu tư" trong hàng chục năm qua. Ảnh: FT

Thị trấn Guben đã rơi vào trạng "chảy máu đầu tư" trong hàng chục năm qua. Ảnh: FT

Thị trấn Guben là ví dụ tiêu biểu cho số phận của khu vực phía đông nước Đức, vốn thịnh vượng trong thế kỷ 19 và từng là một trung tâm công nghiệp của Đông Đức trước đây, nhưng gần như trì trệ trong một khoảng thời gian dài sau năm 1990.

"Khi đó, các nhà máy sản xuất vải, mũ đội đầu, thảm, tất cả đều đóng cửa", Thị trưởng Mahro nói, đồng thời cho biết dân số thị trấn đã giảm từ 36.000 xuống dưới 17.000, tỷ lệ thất nghiệp lên đến 27%. Trong gần 30 năm qua, thị trấn Guben chỉ có một dự án đầu tư mới là sản xuất nệm.

Cuối cùng, lãnh đạo thị trấn này đã quyết định hành động để ngăn chặn nền kinh tế sụp đổ. Năm ngoái, chính phủ Đức nâng cấp khu công nghiệp của thị trấn, đồng thời triển khai kế hoạch phát triển trị giá hơn 300.000 USD. Thị trưởng Mahro đã nói với quan chức trong bang rằng, các nhà đầu tư có thể lập tức lên kế hoạch kinh doanh nếu lựa chọn Guben. Chỉ 6 tuần sau đó, công ty Rock Tech Lithium của Canada đã có mặt ở Guben và bắt đầu quá trình đàm phán.

Nhà máy của Rock Tech sẽ chế biến spodumene, một khoáng chất chứa lithium, thành lithium hydorxide tinh luyện. Đây là một thành phần không thể thiếu trong pin xe điện. Công ty này dự báo sẽ đạt công suất 24.000 tấn/năm, cung ứng cho 500.000 phương tiện. Con số này thậm chí còn không đáp ứng được nhu cầu đang ngày càng tăng của thị trường toàn cầu.

Đá spodumene là một khoáng chất chứa lithium - thành phần quan trọng trong pin xe điện Ảnh: FT

Đá spodumene là một khoáng chất chứa lithium - thành phần quan trọng trong pin xe điện Ảnh: FT

Trong khi đó, các nhánh trong chuỗi cung ứng linh kiện xe điện cũng đang thành hình tại Đông Đức. Tập đoàn BASF đang xây dựng một nhà máy sản xuất vật liệu cathode dùng trong pin xe điện ở Schwarzheide. Tập đoàn Altech sẽ sản xuất nhôm anode tại Brandenburg và Microvast. Ngoài ra, còn có tập đoàn CATL của Trung Quốc đang xây dựng nhà máy sản xuất pin tại Ludwigsfelde và Erfurt.

Cụ ông Lothar Hufner, 87 tuổi, người đã làm việc 40 năm tại nhà máy sợi tổng hợp của Guben, chia sẻ sự hài lòng về dự án đầu tư của Rock Tech Lithium. “Nếu điều gì mang lại sinh khí ở thị trấn này đây một lần nữa, thì điều đó thật tuyệt”.

Nhưng cụ ông này cũng không giấu nổi suy nghĩ thận trọng: “Chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều nhà đầu tư đến và đi. Những dự án ấy nổi lên như bong bóng xà phòng vậy”.

Tuy nhiên, Thị trưởng Fred Mahro bày tỏ sự lạc quan hơn. “Chúng tôi đã chào đón rất nhiều nhà đầu tư trong quá khứ và rồi chịu rất nhiều thất bại. Nhưng giờ đây mọi thứ đã khác rồi. Đây là khoảng thời gian tuyệt vời nhất mà tôi từng có ở Guben”, ông chia sẻ.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nga duyệt binh quy mô lớn trong Ngày Chiến thắng

Nga duyệt binh quy mô lớn trong Ngày Chiến thắng

Ngày 9/5, hay còn được gọi là Ngày Chiến thắng, một trong những ngày lễ lớn nhất tại Nga, hàng nghìn binh sĩ đã tham gia vào lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ở Moscow nhân dịp kỷ niệm 79 năm chiến thắng trước Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ 2.