Dòng tiền thờ ơ khiến thị trường buồn tẻ, HAG cận kề mức đỉnh 2 năm

HAG VN INDEX
16:01 - 25/01/2024
Giao dịch sàn HoSE phiên 25/1.
Giao dịch sàn HoSE phiên 25/1.
0:00 / 0:00
0:00
Phiên giao dịch ngày 25/1 không có nhiều biến động khi dòng tiền thờ ơ đứng ngoài. Thanh khoản thấp lại thiếu nhóm ngành dẫn dắt nên VN-Index chỉ giằng co quanh mốc tham chiếu.

Kết phiên, chỉ số sàn HoSE giảm 2,6 điểm về mốc 1.170,37 điểm. HNX-Index cũng giảm nhẹ còn UPCoM tăng 0,04 điểm. Tổng giá trị khớp lệnh trên cả 3 sàn đạt hơn 11.500 tỷ đồng, sụt giảm mạnh so với mức trung bình thời gian qua.

Khối ngoại lại duy trì xu hướng bán ròng. Đây là phiên bán ròng thứ hai liên tiếp trên sàn HoSE, với giá trị gần 130 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh là SAB 60 tỷ đồng, DGC 59 tỷ đồng, VNM 59 tỷ đồng, STB 39 tỷ đồng; TPB, VND, BID, MWG trên 30 tỷ đồng; FRT, DPM, GAS trên 20 tỷ đồng...

Chiều ngược lại, HPG được mua ròng mạnh nhất 70 tỷ đồng. Phiên hôm qua, ngày 24/1, cổ phiếu của Hoà Phát cũng đứng đầu danh sách này. Các mã được mua ròng đáng kể khác là VRE 52 tỷ đồng, CTG 40 tỷ đồng; VCB, VCG, SSI trên 30 tỷ đồng; HCM, VPB trên 20 tỷ đồng.

Thị trường thiếu vắng dòng tiền, thiếu vắng nhóm ngành dẫn dắt nên đa số các cổ phiếu giao dịch trong biên độ hẹp. Nhóm bán lẻ tích cực nhất với FRT tăng trần, DGW tăng 2,6%, MWG tăng 1,8%, MSN tăng 0,9%, PNJ tăng nhẹ.

Sau giai đoạn điều chỉnh, FRT của FPT Retail hiện đã về lại vùng đỉnh lịch sử 106.000 đồng. Công ty hiện chưa công bố báo cáo tài chính quý 4/2023 nhưng được kỳ vọng sẽ hồi phục tích cực khi lợi nhuận của chuỗi FPT Shop đã có dấu hiệu chạm đáy trong quý 3 và chuỗi Long Châu vẫn tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ.

Cổ phiếu đáng chú ý khác là HAG, tăng hơn 3% lên mức giá 14.750 đồng/cp, gần về lại vùng đỉnh hồi tháng 1/2022. Từ giữa tháng 9/2023 đến nay, cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai đã tăng gấp đôi giá trị. Đà tăng của HAG được hỗ trợ bởi những thông tin tích cực từ doanh nghiệp, đặc biệt là việc cơ cấu tài sản, huy động nguồn vốn để thực hiện mục tiêu trả sạch nợ ngân hàng.

Các nhóm ngành chủ chốt của thị trường đều giao dịch giằng co. Nhóm thép có HPG đứng tham chiếu, HSG và NKG tích cực hơn khi tăng hơn 1%.

Nhóm ngân hàng có SGB tăng mạnh nhất 2,3%. BVB, CTG, EIB, KLB, LPB, OCB, PGB, SHB cũng ở chiều tăng nhưng tỷ lệ đều không đến 1%. Chiều giảm mạnh nhất là VIB -1,2%. Nhiều mã đứng tham chiếu, gồm ACB, BAB, SSB, VAB, VBB, VPB.

Nhóm chứng khoán ghi nhận các mã đầu ngành như SSI, VND, VCI, VIX đều giảm giá nhưng tỷ lệ chênh lệch dưới 1%. HCM tăng nhẹ 0,4%, SHS đứng tham chiếu. Bứt phá nhất là PHS tăng trần, trong khi giảm mạnh nhất là VUA -4,8%.

Tương tự tại nhóm xây dựng và bất động sản, không có nhiều mã biến động mạnh. Chiều tăng có PDR, CTD, BCG, NLG, KOS, CKG, KDH, LDG, SCR, HDC... Chiều giảm ghi nhận ở VRE, VIC, BCM, VPI, DXG, NVL, VHM, KBC, PC1, CEO, SJS, TCH, HBC, LCG, HHV...

Đáng chú ý có NTL của CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm tăng mạnh 5,7% lên mức giá 31.800 đồng/cp - cao nhất kể từ tháng 3/2022. Đây cũng là một trong số ít mã bất động sản thu hút được dòng tiền đầu tư thời gian qua. Từ đầu tháng 11/2023 đến nay, NTL đã tăng 45% giá trị.

CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2023 với doanh thu thuần gần 747 tỷ đồng, gấp gần 11 lần cùng kỳ và chiếm tới 82% doanh thu cả năm 2023. Các khoản chi phí không biến động quá lớn so với cùng kỳ giúp công ty lãi sau thuế 363 tỷ đồng, gấp 279 lần so với quý 4/2022. Đây cũng là quý NTL có lãi cao kỷ lục kể từ khi niêm yết trên HoSE năm 2007.

Khép lại năm 2023, NTL ghi nhận doanh thu thuần 914 tỷ đồng và lãi ròng gần 367 tỷ đồng, tăng lần lượt 134% và 244% so với cùng kỳ. Mức lãi của NTL năm 2023 cao nhất kể từ sau giai đoạn bùng nổ 2009-2010, tức sau 12 năm.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.