Dòng tiền yếu khiến VN-Index vượt cản không thành, cổ phiếu điện bứt phá

VN INDEX CHỨNG KHOÁN
16:04 - 23/12/2022
Cổ phiếu điện bứt phá trong phiên 23/12.
Cổ phiếu điện bứt phá trong phiên 23/12.
0:00 / 0:00
0:00
Thanh khoản thị trường suy giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11, cho thấy dòng tiền thận trọng trong bối cảnh thiếu thông tin hỗ trợ và sắp kết thúc năm 2022, nhưng tạm thời áp lực bán cũng chưa gây sức ép lớn.

Diễn biến thị trường phiên giao dịch cuối tuần cho thấy rõ tâm lý thận trọng, quán tính tăng nhẹ vẫn được VN-Index duy trì khi mở cửa. Tuy nhiên, sự lưỡng lự giữa bên mua và bên bán khiến thị trường nhanh chóng quay lại trạng thái rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu. Sau 11h, chỉ số giảm sâu gần 10 điểm, sau đó bật tăng trở lại ở thời điểm 14h. Nhưng nỗ lực phục hồi cũng không thể thành công.

Kết phiên, VN-Index giảm 2,3 điểm, về mốc 1.020,34 điểm. HNX-Index giảm 0,49 điểm còn UPCoM tăng 0,18 điểm. Áp lực bán ở nhóm bluechip mạnh hơn nên VN30 giảm 4,2 điểm.

Sau phiên bán ròng do áp lực từ giao dịch thỏa thuận của EIB, khối ngoại nối lại chuỗi ngày mua ròng với giá trị mua ròng hơn 200 tỷ đồng trên sàn HoSE (trong tổng số hơn 1.800 tỷ đồng giao dịch). HPG tiếp tục dẫn đầu chiều được mua ròng với giá trị 84 tỷ đồng. VHM và STB cùng được mua ròng hơn 30 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ FUEVFVND, CTG, PVD, VND được mua ròng hơn 20 tỷ đồng.

Ngược lại, SAB bị bán ròng mạnh nhất, giá trị gần 50 tỷ đồng. Mã đứng thứ hai là PDR với giá trị bị bán ròng hơn 15 tỷ đồng, tiếp sau là VRE, BCM, KDH, VGC…

Xét về mức độ ảnh hưởng, VHM có tác động tích cực nhất đến chỉ số khi tăng 1,6%. Chiều tăng còn có CTG, FPT, GAS, HDB, MSN, PLX, POW, STB, VIC, VJC. PDR vẫn trong xu hướng tăng, chứng tỏ lực cầu mạnh ngay cả ở những thời điểm dòng tiền bị rút ra mạnh nhất; kết phiên tăng 2% lên mức giá 13.050 đồng.

Liên quan đến PDR, Tổng Giám đốc Bất động sản Phát Đạt Bùi Quang Anh Vũ vừa thông báo mua vào thành công 18,01 triệu trong số 20 triệu cổ phiếu PDR đã đăng ký, nâng tổng số cổ phần của ông tại doanh nghiệp này lên hơn 21,22 triệu đơn vị, tương đương 3,16% vốn điều lệ công ty. Giao dịch được thực hiện bằng phương pháp khớp lệnh trên sàn trong khoảng thời gian từ 24/11 đến 20/12.

Ông Bùi Quang Anh Vũ là một trong 3 lãnh đạo Phát Đạt đăng ký và thực hiện mua vào cổ phiếu trong thời gian gần đây. Động thái này phần nào giúp trợ giá cho PDR sau thời gian giảm mạnh từ vùng 48.000 đồng hồi cuối tháng 10.

Ở chiều ngược lại, HPG tác động tiêu cực nhất khi giảm 2,9%. KDH, NVL, SSI cũng là những bluechip giảm hơn 2%.

Do ảnh hưởng của HPG nên nhóm vật liệu xây dựng giảm 2,4% vốn hóa, là một trong những nhóm giảm mạnh nhất hôm nay. Ngoài cổ phiếu của Hòa Phát, nhiều mã trong nhóm thép cũng diễn biến tiêu cực sau những phiên tăng mạnh đầu tuần. NKG nằm sàn, HSG giảm gần 6%, POM, VGS, SMC giảm hơn 4%.

Nhóm dẫn đầu chiều giảm là chứng khoán, mất 3,1% giá trị vốn hóa. Các mã lớn đều giảm sâu: SSI -4,2%, VND -3,8%, VIX -3,6%, VCI -4,3%, HCM -3,6%... Mặc dù vậy, vẫn có những mã bứt phá mạnh, đó là EVS tăng trần, PHS tăng gần 14%, IVS tăng 7,7%.

Ngân hàng hôm nay cũng nằm ở chiều giảm dù mức độ điều chỉnh không đáng kể. Ở chiều tăng, KLB tăng trần phiên thứ hai liên tiếp. Chỉ sau 2 phiên, mã này đã tăng gần 30%. Ngoài CTG và STB tăng nhẹ thì các mã kết phiên trong sắc xanh chủ yếu là của các ngân hàng nhỏ như BVB, MSB, NAB, SSB… Trong khi đó, chiều giảm mạnh nhất là STB -1,6%.

Trong khi thị trường rung lắc và các nhóm cổ phiếu trụ cột giao dịch phân hóa thì nhóm cổ phiếu điện lại là tâm điểm đáng chú ý bởi diễn biến bốc đầu của các cổ phiếu. GEG sớm kéo trần thành công và giữ đến khi đóng cửa, NT2 có thời điểm tăng kịch trần, kết phiên ở mức +3,4%, PC1, KHP, POW, PGV, VSH, GEX đều tăng 2-4%.

Các nhóm bất động sản, thủy sản, xây dựng, dầu khí, bảo hiểm, vận tải kho bãi, công nghệ thông tin, xây dựng đều “tạm biệt” phiên cuối tuần trong sắc xanh. Tuy nhiên dòng tiền phân hóa.

VN-Index đang bị cản khi tiến gần vùng 1.035 điểm. Thanh khoản giảm mạnh cho thấy dòng tiền thận trọng, tuy nhiên tạm thời áp lực bán cũng chưa gây sức ép lớn. Dự kiến VN-Index sẽ tiếp tục dao động thăm dò tại vùng 1.010-1.035 điểm trong thời gian gần tới trước khi có tín hiệu rõ nét hơn.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.