Dự kiến phê duyệt 16 dự án phát triển bền vững ĐBSCL trong cuối năm 2023

Mekong DPO ODA
10:27 - 16/07/2023
Bản đồ các dự án Mekong DPO. Nguồn: MPI.
Bản đồ các dự án Mekong DPO. Nguồn: MPI.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ KH&ĐT dự kiến 16 dự án Mekong DPO sẽ được phê duyệt đề xuất trong quý 3 và quý 4/2023, phê duyệt chủ trương đầu tư từ cuối năm 2023 đến tháng 9/2024 và có quyết định đầu tư từ giữa năm 2024 đến đầu năm 2025.

Chiều 15/7, tại Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã tổ chức Hội nghị thúc đẩy tiến độ 16 dự án phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng phó với biến đổi khí hậu (Mekong DPO).

16 dự án Mekong DPO được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng 13 địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đề xuất với tổng mức đầu tư khoảng 94.328 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay nước ngoài khoảng 66.282 tỷ đồng, vốn đối ứng khoảng 28.046 tỷ đồng.

Tại hội nghị, Thứ trưởng KH&ĐT Quốc Phương đánh giá, các dự án Mekong DPO nhận được sự quan tâm và ưu tiên đặc biệt của Việt Nam và nhóm 6 ngân hàng phát triển.

“Sau cuộc họp Ban Điều phối chung lần thứ nhất tổ chức đầu tháng 4 vừa qua tại TP Cần Thơ, tiến độ chuẩn bị các dự án Mekong DPO đã có những chuyển biến tích cực. Điển hình, đề xuất dự án của Bộ Bộ GTVT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhiều đề xuất dự án khác đã được các địa phương điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Bộ KH&ĐT dự kiến 16 dự án Mekong DPO sẽ được phê duyệt đề xuất trong quý 3 và quý 4/2023, phê duyệt chủ trương đầu tư từ cuối năm 2023 đến tháng 9/2024; có quyết định đầu tư từ giữa năm 2024 đến đầu năm 2025 và ký hiệp định từ cuối năm 2024 đến tháng 9/2025.

"Với lộ trình này thì sớm nhất là đầu năm 2025, một số dự án sẽ bắt đầu chính thức khởi công. Trong thời gian tới cần đẩy nhanh như tiến độ đề ra của các dự án. Muốn vậy thì địa phương phải rà soát kỹ các vấn đề liên quan, về khả năng vay lại của địa phương để hạn mức đáp ứng đủ yêu cầu”.

Thứ trưởng KH&ĐT Quốc Phương

Hiện nay, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Chính phủ đang xây dựng, chuẩn bị ban hành Nghị quyết về các dự án Mekong DPO. Nội dung chính của Nghị quyết nhằm huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài cho 16 dự án Mekong DPO trên cơ sở nhu cầu đầu tư và cam kết của các đối tác phát triển.

Bộ NN&PTNT đề xuất thêm dự án vào Mekong DPO

Tại hội nghị lần này, Bộ NN&PTNT đề xuất thêm Dự án Chuyển đổi tổng hợp và Thích ứng với biến đổi khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long (dự án MERIT) vay vốn Ngân hàng Thế giới (World Bank).

Nhận định về dự án đề xuất mới, Thứ trưởng KH&ĐT Trần Quốc Phương nhận định, dự án MERIT có tác dụng liên kết vùng, mở rộng không gian phát triển, nhất là kết nối với giao thông và thủy lợi của địa phương.

Dự án với mục tiêu tăng cường tính chống chịu khí hậu và nâng cao sinh kế tại các địa phương tham gia dự án ở 9 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang.

Ông Phạm Đình Văn, Trưởng Ban quản lý Trung ương các dự án Thủy lợi CPO (Bộ NN&PTNT) cho biết, sau những ý kiến góp ý của các bộ ngành và các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ NN&PTNT đã tiếp thu, dự kiến hoàn chỉnh đề xuất dự án vào cuối tháng 7/2023.

Bà Anna Wellenstein, Giám đốc khu vực về phát triển bền vững World Bank chia sẻ, Ngân hàng Thế giới đang tích cực làm việc với Bộ NN&PTNT và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long để chuẩn bị cho đề xuất dự án MERIT.

Đồng thời, World Bank cam kết sẽ mang đến những kinh nghiệm, chuyên môn và hỗ trợ về mặt tài chính đối với sự phát triển bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, các địa phương không giáp biển như tỉnh Vĩnh Long đề xuất dự án đê bao sông Măng Thít (giai đoạn 2), Hậu Giang đề xuất dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 61C dài hơn 37 km.

Đồng Tháp đề xuất dự án Hạ tầng đường bộ khu vực nam sông Tiền. An Giang đề xuất dự án Xây dựng hệ thống hồ trữ ngọt vùng Tứ giác Long Xuyên. TP Cần Thơ đề xuất dự án Đường kết nối quốc lộ 91B qua huyện Thới Lai với Quốc lộ 80 qua huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang và quốc lộ 61C tỉnh Hậu Giang.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhận định, hiện chỉ có 16 dự án Mekong DPO dự kiến được xem xét áp dụng thống nhất theo cơ chế tài chính cho các địa phương vay lại 10%.

Đối với đề xuất dự án mới của Bộ NN&PTNT và các địa phương cần có thuyết minh rõ ràng, thuyết phục, báo cáo Chính phủ xem xét từng trường hợp cụ thể.

“Việc thực hiện đề xuất 16 dự án Mekong DPO đã có nhiều khởi sắc, cho thấy quyết tâm đầu tư cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các địa phương và Bộ/ngành liên quan đã có rất nhiều kinh nghiệm về thực hiện các dự án ODA. Đề nghị cần thực hiện nhanh nhất, hiệu quả nhất và thành công nhất, để tạo bước đột phá, kỷ nguyên mới triển khai các dự án ODA ở Việt Nam”, Thứ trưởng KH&ĐT Trần Quốc Phương đề nghị.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Quý đầu năm 2024, Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng, giảm 92% so với mức 11.917 tỷ đồng của quý cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân, doanh nghiệp này cho biết do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang xây dựng dở dang.