Dự phòng rủi ro chiếm hơn nửa lợi nhuận, ngân hàng của bầu Hiển vẫn báo lãi lớn

NGÂN HÀNG Việt nAM
14:44 - 28/01/2022
Chủ tịch Ngân hàng SHB và Tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển.
Chủ tịch Ngân hàng SHB và Tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển.
0:00 / 0:00
0:00
Tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập thuần (CIR) của SHB giảm xuống 24,22% và là một trong số các ngân hàng TMCP kiểm soát chi phí tốt nhất. Đây cũng là một phần lý do giúp nhà băng này báo lãi lớn trong năm 2021.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) vừa công bố báo cáo tài chính với lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 6.224 tỷ đồng, tăng 90,3% so với 2020 và hoàn thành 107% kế hoạch ĐHĐCĐ đề ra. Riêng quý IV, ngân hàng đạt 1.169 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, cũng gần gấp đôi cùng kỳ năm trước.

Thành quả trên của SHB chủ yếu là nhờ thu nhập từ lãi thuần và lãi từ hoạt động khác tăng mạnh; đạt lần lượt 15.632 tỷ đồng và 858 tỷ đồng; tương đương tăng 57% và 147% so với năm 2020. Còn lãi từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối chỉ tăng nhẹ. Lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư thì giảm từ 1.293 tỷ đồng xuống còn 944 tỷ đồng.

Nhờ chi phí hoạt động chỉ tăng 104 tỷ đồng so với năm trước (4.404 tỷ đồng) nên tổng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của SHB đạt 13.779 tỷ đồng. Tuy nhiên, do ngân hàng trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cao (7.555 tỷ đồng, tăng 63% so với 2020) nên còn lại lợi nhuận trước thuế như trên. Sau khi trừ thuế, SHB thu về 4.982 tỷ đồng, trong khi năm 2020 con số này là 2.608 tỷ đồng.

Tổng tài sản của SHB ở thời điểm cuối năm 2021 đã tăng 23% so với đầu năm, đạt 506.500 tỷ đồng. Trong đó, tiền, vàng gửi các tổ chức tín dụng và cho vay các tổ chức tín dụng tăng gấp đôi, từ 31.250 tỷ đồng lên 64.132 tỷ đồng. Tiền cho vay khách hàng tăng từ 302.199 tỷ đồng lên 357.456 tỷ đồng.

Tổng nợ phải trả là 470.880 tỷ đồng, tăng 82.237 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi và vay của các tổ chức tín dụng khác cũng tăng gấp đôi, từ 38.962 tỷ đồng lên 79.623 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng từ 303.581 tỷ đồng lên 327.318 tỷ đồng.

Vốn điều lệ đạt 26.674 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch tăng vốn đã trình Đại hồi đồng cổ đông. Vốn tự có theo chuẩn Basel II đạt 53.231 tỷ đồng. Huy động vốn thị trường 1 đạt 379.000 tỷ đồng, tăng 12%; dư nợ cấp tín dụng đạt 369.000 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2020.

Trong năm 2021, SHB tích cực hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch thông qua gói tín dụng hơn 30.000 tỷ đồng, thực hiện cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, phí cho hàng trăm nghìn khách hàng.

Trong năm 2021, SHB tích cực hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch thông qua gói tín dụng hơn 30.000 tỷ đồng, thực hiện cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, phí cho hàng trăm nghìn khách hàng.

Đáng chú ý, trong năm 2021, SHB đã thu hồi nợ và trích lập dự phòng để tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC và Vinashin trước thời hạn. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ được kiểm soát chặt ở mức 1,3%, tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu ở mức trên 90%.

Ngân hàng còn ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng vốn điều lệ tại Công ty Tài Chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB Finance) cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan. Theo đó, SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri và sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn còn lại sau 3 năm.

Với kết quả kinh doanh thuận lợi, SHB dự kiến chi trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu với tỷ lệ tối thiểu 15%. Năm 2021, nhà băng đã chi trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2019 với tỷ lệ 10%; năm 2020 với tỷ lệ 10,5% và phát hành thành công cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá ưu đãi 12.500 đồng/cổ phiếu; qua đó tăng vốn điều lệ lên 26.674 tỷ đồng.

Tính từ đầu năm 2021 đến nay, cổ phiếu SHB đã tăng 117%, từ vùng giá 10.000 đồng lên 22.000 đồng. Phiên đạt đỉnh cao nhất của mã bank này là 25.700 đồng (4/6/2021). Từ khi niêm yết (2009) đến 2020, chưa bao giờ SHB đạt được thị giá cao như vậy.

SHB đạt lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động dù trích lập chi phí dự phòng rủi ro cao.

Tin liên quan

Đọc tiếp