Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Cần làm rõ khái niệm người tiêu dùng

Tiêu dùng Việt nAM
07:33 - 10/02/2023
Tại Hội thảo Lấy ý kiến hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Ảnh: Hà Anh
Tại Hội thảo Lấy ý kiến hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Ảnh: Hà Anh
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 9/2, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp cùng VCCI tổ chức Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Sau gần 12 năm thực thi, các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn đã góp phần thay đổi mạnh mẽ, đồng thời kiến tạo các khuôn khổ, nền tảng cơ bản để thúc đẩy công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy tại hội thảo cho biết, các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập.

Một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật hiện hành, trong đó có các quy định quan trọng liên quan đến phạm vi; đối tượng điều chỉnh; giao dịch giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng; giải quyết tranh chấp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường

Do đó, hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được xem là tiền đề trong việc tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh mới.

Làm rõ khái niệm người tiêu dùng

Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, hiện có 2 loại ý kiến khác nhau về khái niệm "người tiêu dùng". Theo đó, ý kiến thứ nhất, đề nghị trong Dự thảo Luật, các quy định về người tiêu dùng phải bao gồm cả tổ chức.

Theo ông Lê Quang Huy, trên thực tế, việc mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, không vì mục đích thương mại không chỉ là hoạt động của cá nhân mà còn bao gồm cả tổ chức.

Việc quy định này sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức khi tham gia tiêu dùng. Song, khắc phục được hạn chế của các quy định người tiêu dùng mà chỉ bao gồm cá nhân, bởi không phải mọi tổ chức đều có khả năng tự bảo vệ trước các hành vi vi phạm từ phía nhà sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, ở phía còn lại cho rằng, việc đưa "tổ chức" vào khái niệm người tiêu dùng là không cần thiết. Ông Lê Quang Huy dẫn báo cáo tổng kết thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Bộ Công Thương cho thấy, trong suốt quá trình 10 năm tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, số lượng các tổ chức có khiếu nại, khiếu kiện đến các cơ quan nhà nước là rất ít.

Thêm nữa, pháp luật tại nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới chỉ tập trung điều chỉnh đối tượng người tiêu dùng là cá nhân. Chính vì thế, các quy định trong Dự thảo Luật nên tập trung vào việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cá nhân.

Tham gia ý kiến tại hội thảo, ông Trần Mạnh Hùng, đại diện Công ty Luật Quốc tế Baker McKenzie Việt Nam (BMVN) bày tỏ sự đồng tình với quan điểm trên. "Các quốc gia phát triển như Mỹ, Liên minh châu Âu, Đức, Nhật Bản, Singapore đều chỉ quy định theo hướng điều chỉnh người tiêu dùng là cá nhân, chứ không bao gồm tổ chức", ông Hùng chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Trần Mạnh Hùng cũng cho rằng thuật ngữ "người tiêu dùng" đang có phạm vi quá rộng, khi thuật ngữ này bao gồm cá nhân hoạt động mua, sử dụng hàng hoá hoặc dịch vụ ở bất cứ đâu trên thế giới, chứ không chỉ giới hạn ở đối tượng là người tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam.

Do đó, để hoàn thiện quy định về định nghĩa người tiêu dùng, đại diện công ty Luật Quốc tế BMVN kiến nghị bổ sung cụm từ "tại Việt Nam" hoặc "trên lãnh thổ Việt Nam" vào sau cụm từ "Người tiêu dùng là cá nhân" tại Khoản 1, Điều 3 của Dự thảo Luật.

Tránh tình trạng nhiều quy định trùng lặp, chồng chéo

Bên cạnh việc làm rõ định nghĩa người tiêu dùng trong Dự thảo Luật, các đại biểu cũng tập trung đóng góp ý kiến về quy định bảo vệ thông tin của người tiêu dùng nhằm tránh tình trạng trùng lặp, chồng chéo với các quy định trong Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân (Nghị định BVDLCN); Luật An ninh mạng...

Cũng theo ông Trần Mạnh Hùng, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong bảo vệ thông tin người tiêu dùng được quy định tại các điều từ Điều 14 đến Điều 19 của Dự thảo Luật hầu hết đã được quy định trong Nghị định BVDLCN sắp ban hành.

Việc quy định trùng lặp các nội dung đã được quy định rất rõ ràng trong một văn bản quy phạm pháp luật khác là không hợp lý và gây ra sự chồng chéo, hơn thế là đi ngược lại với mục đích soạn thảo của Nghị định BVDLCN là để tạo ra một khung pháp lý thống nhất để bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Ảnh tác giả

Sự tồn tại đồng thời của cả dự thảo Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân và các điều khoản về bảo vệ dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng tại Dự thảo Luật sẽ gây khó hiểu cho các doanh nghiệp, từ đó cản trở quá trình thi hành Dự thảo Luật và dự thảo Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Ông Trần Mạnh Hùng, đại diện Công ty Luật Quốc tế Baker McKenzie Việt Nam (BMVN)

Chính vì vậy, đại diện công ty Luật Quốc tế BMVN kiến nghị rằng, các điều khoản về bảo vệ thông tin người tiêu dùng (nếu có) chỉ nên quy định dưới dạng dẫn chiếu sang pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự án Luật cần rà soát về tính đồng bộ của Luật với các luật khác, tránh tình trạng chồng chéo, trùng lặp, đồng thời đảm bảo Luật dễ nhớ, đi vào cuộc sống và có tính khả thi cao.

Ngoài ra, về phía các cơ quan, doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến quyền lợi và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; cũng như đánh giá tác động thông qua quá trình thực hiện Luật trong xử lý tranh chấp giữa doanh nghiệp, các bên liên quan đến người tiêu dùng.

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.