Để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần giải 'cơn khát vốn'

CHUYỂN ĐỔI SỐ Việt nAM
17:07 - 15/12/2021
Để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần giải 'cơn khát vốn'
0:00 / 0:00
0:00
COVID-19 được coi là là cú hích "trăm năm có một" của chuyển đổi số, bởi doanh nghiệp gần như không còn quyền lựa chọn có thực hiện hay không. Nhưng các chuyên gia chỉ ra rằng cách hỗ trợ hiệu quả nhất giúp doanh nghiệp thực hiện tiến trình này là hỗ trợ vốn.

Sự hoành hành của đại dịch COVID-19 trong 2 năm qua đã ảnh hưởng nặng nề đến khu vực doanh nghiệp. Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng năm 2021 ước tính có 106.500 doanh nghiệp rời thị trường, trong đó 52.100 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 39.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 14.900 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Trong bối cảnh đó, Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp Bùi Thu Thủy (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định tại Hội thảo “Đổi mới sáng tạo: Kết nối chính sách với doanh nghiệp Việt Nam” sáng 15/12 rằng chuyển đổi số trong doanh nghiệp là giải pháp không thể thiếu để thích ứng điều kiện dịch bệnh hiện nay.

“Chuyển đổi số sẽ mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp do sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng, sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động của đại dịch sẽ khiến giao dịch số tăng mạnh. Cùng với đó là sự sẵn sàng của các nền tảng công nghệ và các nhà cung cấp trên thị trường với 64.000 doanh nghiệp công nghệ số, doanh thu đạt 135 tỷ USD. Đặc biệt là các giải pháp và hỗ trợ của Chính phủ đối với các doanh nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ thông tin”, bà Bùi Thu Thủy nhận định.

Ảnh tác giả

“Tôi cũng muốn dẫn lại lời Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng rằng chúng ta coi COVID-19 là cơ hội trăm năm cho chuyển đổi số, bởi với đại dịch thì doanh nghiệp gần như không còn quyền lựa chọn làm hay không làm, nếu không làm thì chắc chắn không còn cơ hội tồn tại và phát triển”.

Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp Bùi Thu Thủy

Doanh nghiệp cần nhất là tiếp cận nguồn vốn

Theo đánh giá của bà Bùi Thu Thủy, Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi cho chuyển đổi số, chẳng hạn tỷ lệ thuê bao băng rộng tương đối tốt so với một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Ngoài ra tỷ lệ các doanh nghiệp trực tuyến sử dụng thanh toán kỹ thuật số cũng đang ngang bằng với một số nước trong khu vực.

Tỷ lệ thuê bao băng rộng và tỷ lệ các doanh nghiệp trực tuyến sử dụng thanh toán kỹ thuật số tương đương các quốc gia trong khu vực.

Tỷ lệ thuê bao băng rộng và tỷ lệ các doanh nghiệp trực tuyến sử dụng thanh toán kỹ thuật số tương đương các quốc gia trong khu vực.

Tuy nhiên, một số thách thức đang đặt ra là tỷ lệ giao dịch kỹ thuật số của Việt Nam chỉ đạt 22%, thấp hơn con số 34% ở Indonesia hay 62% ở Thái Lan. Tỷ lệ thanh toán online khi mua sắm trực tuyến của Việt Nam cũng chỉ đạt khoảng 10%, thấp hơn số với một số quốc gia trong khu vực như Malaysia (52%), Indonesia (49%)...

Bên cạnh đó, môi trường kinh tế số tại Việt Nam còn khiêm tốn, nhiều quy định liên quan đến chuyển đổi số mới đang trong quá trình xây dựng và hình thành, chưa kể đến các rủi ro an toàn thông tin và an ninh mạng.

Một khảo sát do Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện cho thấy khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số là chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ cao cho chuyển đổi số. Ngoài ra, một số khó khăn đáng chú ý khác bao gồm thay đổi tập quán kinh doanh, thiếu nhân lực ứng dụng công nghệ số, thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số và thiếu thông tin công nghệ số…

Do đó, bên cạnh các nhu cầu đào tạo nâng cao năng lực chuyển đổi số, kết nối với thị trường cung cấp giải pháp chuyển đổi số và hỗ trợ môi trường kinh doanh, nhu cầu quan trọng nhất mà doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ hướng đến là tiếp cận nguồn vốn tài chính.

Một số khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp trong chuyển đổi số

Một số khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp trong chuyển đổi số

Phải "xắn tay áo" đồng hành với doanh nghiệp

Để hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết những khó khăn trong quá trình chuyển đổi số, Chính phủ và các Bộ đã triển khai nhiều chương trình cụ thể. Trong đó, ngày 7/1/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Quyết định số 12/QĐ-BKHĐT về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025.

Chương trình không chỉ hướng tới xây dựng các tài liệu, công cụ hướng dẫn chuyển đổi số, hình thành mạng lưới chuyên gia tư vấn, hỗ trợ đào tạo chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Ngoài ra còn cung cấp các gói hỗ trợ tài chính cần thiết để doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số nhằm giải quyết 2 nhu cầu lớn nhất của doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo.

Đến tháng 8/2021, chương trình trên đã công bố một số gói hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp xây dựng lộ trình chuyển đổi số, dự kiến sẽ triển khai trong năm 2022. Hỗ trợ lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước để bù đắp cho doanh nghiệp một phần chi phí tư vấn, thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số với mức hỗ trợ tối đa 20 triệu đồng/ mỗi doanh nghiệp siêu nhỏ, 50 triệu đồng/ mỗi doanh nghiệp nhỏ và 100 triệu đồng/ mỗi doanh nghiệp vừa.

Bên cạnh đó còn có chương trình “Bệ phóng 90 ngày cùng Amazon" thuộc gói hỗ trợ "Go Digital – Go Global" cho các doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu cũng sắp được triển khai trong năm 2022, bao gồm gói hỗ trợ tối đa 50% kinh phí khởi tạo, duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.

Ngoài ra, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF) trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang cho vay trực tiếp hoặc gián tiếp doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm giải quyết tình trạng “khát vốn” của khu vực này. Qua đó hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới phát triển sản phẩm có tính cạnh tranh cao và thân thiện với môi trường, đổi mới trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực quản trị.

Ảnh tác giả

“Hiện nay mức lãi suất cho vay của Quỹ rất thấp, chỉ bằng 80% lãi suất cho vay thương mại. Với mức công bố theo Nghị quyết 84 thì còn thấp hơn nữa, 2,16%/năm trong ngắn hạn và 4,0%/năm trong trung và dài hạn. Mức lãi suất hỗ trợ được giữ cố định trong suốt thời hạn vay vốn, thời gian vay không quá 7 năm”.

Bà Hoàng Thị Hồng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Quỹ Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Trong khi đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt thông qua Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (Quỹ NATIF). Đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định điều chỉnh quy mô vốn điều lệ của Quỹ NATIF tăng từ 1.000 tỷ đồng lên tối thiểu 2.000 tỷ đồng.

TS. Chử Đức Hoàng, đại diện Quỹ cho hay: “Quỹ NATIF đang thực hiện các chính sách hỗ trợ vốn và thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo, từng bước thực hiện bảo lãnh vay vốn bằng công nghệ cho doanh nghiệp có thể vay vốn từ các ngân hàng thương mại”.

Cũng nói về quan điểm hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số, ông Nguyễn Tuấn Lương, Trưởng phòng Thí nghiệm Đổi mới sáng tạo của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Việt Nam nhấn mạnh: “Nói chuyển đổi số thì dễ nhưng thực sự phải cùng đồng hành với doanh nghiệp, phải xắn tay dấn thân cùng họ chứ không thể chuyển đổi trên giấy tờ”.

Ảnh tác giả

“Đổi mới sáng tạo là câu chuyện sẵn sàng sai. Nếu ta có thể chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra bài học thì ta tiết kiệm được thời gian, công sức và giảm nhẹ nỗi đau cho toàn hệ sinh thái… Tuy nhiên, để chuyển đổi số thành công, chỉ tập huấn là chưa đủ. Phải đồng hành với doanh nghiệp suốt một hành trình để xây dựng chương trình chuyển đổi số, kết hợp được sức mạnh doanh nghiệp với sức mạnh của toàn hệ sinh thái”.

Ông Nguyễn Tuấn Lương, Trưởng phòng Thí nghiệm Đổi mới sáng tạo UNDP Việt Nam

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.
Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.
Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News

Mỹ tiến gần hơn tới lệnh cấm Tiktok

Thượng viện Mỹ ngày 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng truyền thông mạng xã hội Tiktok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.