Chuyển đổi số ở Việt Nam: Bên cạnh tiếp cận toàn cầu cần tiếp cận toàn dân

KInh tế số Việt nAM
15:09 - 12/12/2021
Chuyển đổi số ở Việt Nam: Bên cạnh tiếp cận toàn cầu cần tiếp cận toàn dân
0:00 / 0:00
0:00
Chiều 11/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ III việc bên cạnh cách tiếp cận toàn cầu thì cũng cần tiếp cận toàn dân trong quá trình chuyển đổi số.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định chuyển đổi số là sáng tạo của toàn dân, phát huy sức mạnh toàn dân. Theo ông, Việt Nam hiện nay gần như đã sẵn sàng cho sự phát triển số mạnh mẽ với một cộng đồng doanh nghiệp số năng động, hướng tới một Chính phủ hoàn thiện thể chế số, hợp pháp hoá các tài sản số, sản phẩm và dịch vụ số, mở ra không gian đổi mới cho các doanh nghiệp công nghệ số.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu mở đầu phiên thảo luận Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ III

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu mở đầu phiên thảo luận Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ III

“Doanh nghiệp công nghệ số là hạt nhân, là nòng cốt để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, để chuyển đổi tất cả các doanh nghiệp Việt Nam thành doanh nghiệp số, mọi tổ chức Việt Nam thành tổ chức số, mọi công dân Việt Nam thành công dân số", theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin Việt Nam hiện có 64.000 doanh nghiệp công nghệ số. Năm 2021, doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ước đạt trên 135 tỷ USD, tăng trưởng gần 10% bất chấp đại dịch COVID-19. Từ đó, ông kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp số đảm đương trách nhiệm quan trọng trong phát triển nền tảng chuyển đổi số quốc gia.

Cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và khoa học Quốc hội khẳng định chuyển đổi số là cơ hội quan trọng để Việt Nam vươn lên, xây dựng quốc gia thịnh vượng. Trong quá trình tác động đến đời sống kinh tế xã hội, bản thân chuyển đổi số cũng tác động sâu rộng đến hệ thống pháp luật, đòi hỏi Nhà nước cần chủ động hoàn thiện thể chế để nắm bắt mọi cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Theo đó, ông Lê Quang Huy chỉ ra yêu cầu cấp thiết là hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo và dẫn đường cho chuyển đổi số cũng như sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh tế mới. Trong tiến trình hoàn thiện thể chế pháp luật, cần thiết phải có cách tiếp cận toàn diện, sáng tạo và khác biệt để vừa thúc đẩy chuyển đổi số, vừa đảm bảo môi trường số an toàn, có bước chuyển phù hợp sang kiểm soát có điều kiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và khoa học Quốc hội cũng phân tích rằng, rất nhiều quốc gia tuy hạn chế tiềm lực nhưng nhờ có bước đi phù hợp, đặc biệt là trong hoàn thiện thể chế, đã tạo ra bước tiến vượt bậc trong chuyển đổi số và phát triển kinh tế.

Người dân và doanh nghiệp là chủ thể của chuyển đổi số

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu khẳng định chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, không thực hiện được chuyển đổi số thì không thể phát triển kinh tế đất nước.

Theo người đứng đầu Chính phủ, chuyển đổi số đang là xu thế của toàn cầu, do vậy đất nước cần có cách tiếp cận toàn cầu, sự hợp tác, học hỏi toàn diện mới góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kinh tế - xã hội, tạo ra những giá trị mới, giá trị gia tăng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ III (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ III (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định chính sách chuyển đổi số phải hướng đến người dân và doanh nghiệp. Song hành, bản thân người dân và doanh nghiệp cũng cần tích cực, chủ động tham gia vào quá trình chuyển đổi số của đất nước, bởi không có công dân số thì sẽ không có xã hội số, kinh tế số.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số còn ảnh hưởng đến toàn dân, giải quyết tất cả những bức xúc của người dân. Do vậy bên cạnh tiếp cận toàn cầu, cần tiếp cận toàn dân, tức lấy người dân làm trọng tâm, doanh nghiệp phục vụ nhân dân. Trong quá trình chuyển đổi số, người dân và doanh nghiệp phải là những chủ thể.

Về thực tế hiện nay ở Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng chuyển đổi số quốc gia đã đạt được một số kết quả ban đầu quan trọng bất chấp đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Cụ thể, Việt Nam đang tích cực triển khai thương mại mạng 5G, trong khi kinh tế số đóng góp ngày càng nhiều vào GDP quốc gia và hướng tới mục tiêu đạt 20% GDP năm 2025.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 cũng xác định chuyển đổi số là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Kết quả của chuyển đổi số quốc gia không chỉ tác động trực tiếp đến đà phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 mà còn tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong trung và dài hạn thông qua đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Nhận định chuyển đổi số có tham vọng lớn, yêu cầu cao trong khi thời gian có hạn, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ban ngành thực hiện quyết liệt 6 nội dung trọng tâm: Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, xây dựng và hoàn thiện thể chế về chuyển đổi số, tạo điều kiện thông thoáng phát triển doanh nghiệp công nghệ số, phát triển nguồn nhân lực số và tài chính số, đổi mới sáng tạo số, phát triển hạ tầng dữ liệu số và quản trị số.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng bày tỏ kỳ vọng các doanh nghiệp công nghệ số sẽ là nhân tố quan trọng, là động lực chính trong chuyển đổi quốc gia, trước mắt phục vụ cho quá trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023 sắp tới.

Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (gọi tắt là VFTE) lần thứ III diễn ra chiều 11/12 với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo và đại diện các cơ quan trung ương, doanh nghiệp, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Đây là sự kiện lớn nhất trong năm dành cho các doanh nghiệp công nghệ số, cộng đồng nghiên cứu phát triển công nghệ, các nhà quản lý và đầu tư. Với chủ đề “Chuyển đổi số - động lực phục hồi và phát triển kinh tế”, Diễn đàn năm nay quy tụ nhiều bài tham luận, phát biểu của các diễn giả đến từ cộng đồng doanh nghiệp số trong nước (Viettel, VNPT, FPT, VietLotus, Smartlog, CyRadar, MISA) chia sẻ về các thách thức, cơ hội, giải pháp đột phá cho chuyển đổi số cũng như nhu cầu chuyển đổi số trong các ngành cụ thể từ logistics cho đến giáo dục, y tế...

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.